Công tác chỉ đạo, điều hành năm 2012 và xây dựng Chương trình công tác năm 2013
11/12/2012 02:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện Công văn số 8217/VPCP-TH ngày 15/10/2012 của Văn phòng Chính phủ, ngày 30/11/2012, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 4941/BHXH-VP về việc kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành năm 2012 và xây dựng Chương trình công tác năm 2013 của Ngành BHXH.
Năm 2012, bằng các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có chuyển biến tích cực so với năm 2011, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động... Những khó khăn trên đã tác động đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhất là công tác thu và phát triển đối tượng. Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 169/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 và các nhiệm vụ của Ngành, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ đọng BHXH đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT góp phần ổn định An sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu
Về thu BHXH, BHYT
- Phát triển đối tượng tham gia: Ước đến hết tháng 12/2012, số người tham gia BHXH, BHYT là 59.504.000 người, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2011 (trong đó: tham gia BHXH bắt buộc: 10.372.000 người; BHXH tự nguyện: 140.000 người; BHYT 59.164.000 người).
- Ước thực hiện thu BHXH, BHYT năm 2012: năm 2012 số thu ước đạt 125.120 tỷ đồng, đạt 103,8% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 26.494,5 tỷ đồng (26,9%) so với cùng kỳ năm 2011, cụ thể:
+ Thu BHXH bắt buộc: 86.950 tỷ đồng (trong đó thu bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 6.750 tỷ đồng), tăng 26% so với cùng kỳ năm 2011;
+ Thu BHXH tự nguyện: 370 tỷ đồng, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2011;
+ Thu BHYT: 37.800 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2011.
* Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Số nợ đến 31/10/2012 là 8.492,7 tỷ đồng, chiếm 7,7% so với tổng số phải thu; tăng 2.047,2 tỷ đồng (31,8%) so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm:
- Nợ BHXH: 6.554,1 tỷ đồng (trong đó: nợ BHTN là 410,8 tỷ đồng, riêng ngân sách các địa phương nợ 256,7 tỷ đồng, chiếm 62,5% tổng số nợ BHTN), (nợ BHXH từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng là: 3.951,3 tỷ đồng, tăng 386,9 tỷ đồng so với tháng 9/2012; nợ BHXH từ 6 tháng trở lên là: 2.602,8 tỷ đồng, tăng 114 tỷ đồng so với tháng 9/2012);
- Nợ BHYT: 1.938,6 tỷ đồng (trong đó ngân sách các địa phương nợ 1.112 tỷ đồng, chiếm 57,4% tổng số nợ BHYT).
Năm 2012, mặc dù Ngành đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để tăng thu, giảm nợ đọng BHXH, tuy nhiên số nợ BHXH, BHYT vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp tiếp tục giải thể, phá sản hoặc đăng ký ngừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chưa thực hiện mức lương tối thiểu mới cho người lao động theo quy định. Các tập đoàn kinh tế lớn như Vinashin, Vinalines chưa có kinh phí để trả nợ BHXH, BHYT. Mặt khác, nhiều địa phương cũng chưa kịp thời chuyển tiền hỗ trợ ngân sách đóng BHTN, BHYT cho các đối tượng theo quy định cho cơ quan BHXH.
Giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT
- Ước đến hết 31/12/2012, toàn Ngành giải quyết cho 6.848.035 lượt người hưởng chế độ BHXH, tăng 1.073.359 lượt người (18,6%) so với cùng kỳ năm 2011, trong đó:
+ 152.750 người hưởng BHXH hàng tháng (trong đó: hưởng chế độ hưu trí là 123.500 người; chế độ tử tuất là 26.300 người; chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là 2.950 người…), tăng 13.959 người (10,1%) so với cùng kỳ năm 2011.
+ 642.000 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần (trong đó: trợ cấp BHXH 1 lần là 515.800 người; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là 87.600 người; trợ cấp tuất là 33.500 người...), tăng 48.662 lượt người (8,2%) so với cùng kỳ năm 2011.
+ 471.785 người hưởng chế độ BHTN, tăng 84.785 người (21,9%) so với cùng kỳ năm 2011.
+ 5.581.500 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tăng 925.953 lượt người (19,9%) so với cùng kỳ năm 2011.
- Thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 121.145.823 lượt người, tăng 6.953678 lượt người (6,1%) so với cùng kỳ năm 2011.
Thực hiện chi BHXH, BHYT
Ước đến 31/12/2012, toàn Ngành chi 127.881 tỷ đồng (tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2011), trong đó:
+ Chi BHXH từ nguồn ngân sách: 36.240 tỷ đồng (Chi hàng tháng cho 1.371.350 người với số tiền là 35.595 tỷ đồng; Chi 1 lần cho 64.305 lượt người với số tiền là 645 tỷ đồng);
+ Chi BHXH từ nguồn quỹ BHXH bắt buộc: 62.650 tỷ đồng (Chi quỹ hưu trí, tử tuất: 51.690 tỷ đồng; Chi quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp: 310 tỷ đồng; Chi quỹ ốm đau, thai sản: 8.400 tỷ đồng; Chi quỹ BHTN: 2.250 tỷ đồng);
+ Chi từ Quỹ BHXH tự nguyện: 51 tỷ đồng;
+ Chi từ Quỹ BHYT: 28.940 tỷ đồng.
Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành
Tính đến tháng 10/2012, BHXH Việt Nam đã xây dựng và ban hành 08 Quy định, quy chế quản lý của Ngành, 79 văn bản chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn toàn Ngành thực hiện văn bản của các bộ, ngành về chính sách BHXH, BHYT, trong đó có một số văn bản quan trọng như:
- Quy định, Quy chế quản lý: Quy định quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội; Quy định về kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính của BHXH Việt Nam; Quyết định công bố thủ tục hành chính thay thế thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam…
- Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ: tăng cường công tác thu nợ tiền đóng BHXH, BHYT; chấn chỉnh công tác quản lý đại lý thu BHXH, BHYT tự nguyện; thực hiện hướng dẫn phương án chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống Bưu điện tại 12 tỉnh, thành phố; ký kết văn bản thỏa thuận liên Ngành giữa BHXH Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam về quản lý, sử dụng tài khoản tiền gửi của hệ thống BHXH Việt Nam; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát sổ BHXH trước khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH; hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế và đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng và báo cáo với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về các giải pháp giãn thời gian điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế mới theo 04/2012/TTLT-BYT-BTC; tham gia đấu thầu thuốc theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/1/2012 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính; hướng dẫn áp dụng tỷ lệ hư hao đối với vị thuốc y học cổ truyền trong thanh toán BHYT...
BHXH Việt Nam đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ theo các chuyên đề: công tác thu; cấp sổ, thẻ; thực hiện chính sách BHXH, BHYT; chi tạo điều kiện cho cán bộ quản lý và cán bộ nghiệp vụ thực hiện đúng quy định của văn bản đã ban hành.
Tham gia góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phối hợp với các bộ, ngành trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT
Tham gia góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Năm 2012, BHXH Việt Nam đã tham gia ý kiến vào 104 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ và các bộ, ngành gửi đến, trong đó, các văn bản liên quan trực tiếp đến chính sách BHXH, BHYT như:
- Chính sách BHXH: Các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung liên quan đến chính sách tiền lương, BHXH, BHYT và quyền lợi, nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp năm 1992; dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi); dự thảo Đề án “Một số vấn đề về An sinh xã hội giai đoạn 2012 - 2020”; dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN; dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và giải quyết hưởng BHXH từ ngày 01/5/2012;
- Chính sách BHYT: dự thảo Đề án “Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020”; Thông tư hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc; Thông tư ban hành danh mục vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT...
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT để tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT phù hợp với tình hình thực tiễn.
Phối hợp với các bộ, ngành trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT
Năm 2012, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, cụ thể:
- Phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 (ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về BHXH, BHYT).
- Phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Luật BHYT; Hội nghị đánh giá triển khai thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo định suất; tổ chức giao ban định kỳ giữa hai Ngành; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng, thẩm định giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2012 (Đến hết tháng 10/2012, đã có 49/63 tỉnh, thành phố và 34/37 bệnh viện tuyến Trung ương triển khai thực hiện giá dịch vụ y tế mới; các địa phương còn lại hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện để trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt);
- Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: tham gia Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung Luật BHXH; phối hợp với Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra 58 doanh nghiệp nợ BHXH tại thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và Bắc Ninh; khảo sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại 05 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Long An và Đồng Nai;
- Phối hợp với Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam quản lý đối tượng hưởng, chỉ trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua hệ thống Bưu điện thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố.
- Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký kết quy chế phối hợp trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an ký kết Quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các tổ chức đoàn thể như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ký kết Chương trình phối hợp trong tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2015.
Công tác cải cách hành chính
Thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 09/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hoá các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam, năm 2012, BHXH Việt Nam đã tập trung rà soát các văn bản nghiệp vụ của Ngành, đến nay đã hoàn thành phương án đơn giản hoá đối với lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và chi BHXH gồm 68 thủ tục, đạt 59,1%. Thực hiện công bố 115 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam lên cơ sở dữ liệu quốc gia. Tham gia cuộc thi “Chung tay cải cách thủ tục hành chính” do Văn phòng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính phát động (kết quả, có một tập thể cấp Phòng đạt giải khuyến khích của cuộc thi).
Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố niêm yết công khai các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT; Tiếp tục thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân giải quyết các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT.
Ban hành Mô hình khung Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 tại cơ quan BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố và tiếp tục triển khai áp dụng điểm tại 12 BHXH tỉnh, thành phố tiến tới hoàn thiện và áp dụng toàn Ngành trong năm 2013.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn có một số bất cập, hạn chế cần khắc phục đó là:
Những bất cập về cơ chế chính sách BHXH
- Chính sách BHXH chưa đảm bảo cân đối nghĩa vụ và quyền lợi (giữa đóng - hưởng) làm nguy cơ mất cân đối quỹ vào khoảng năm 2030, cụ thể:
+ Quy định về tuổi nghỉ hưu và mức hưởng lương hưu của một số điều trong Luật BHXH chưa hợp lý, tuổi nghỉ hưu còn thấp, nhất là đối với nữ, trong khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, làm kéo dài thời gian hưởng lương hưu (bình quân là 19,4 năm);
+ Quy định về điều kiện giảm tuổi nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi quá rộng nên số người nghỉ hưu trước tuổi ngày càng tăng (hiện tại có tới 60% người nghỉ hưu trước tuổi);
+ Quy định về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến có trường hợp xin thôi việc cũng được hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc đã có việc làm vẫn được hưởng trợ cấp thấp nghiệp...do vậy tình trạng lạm dụng trong việc hưởng trợ cấp BHTN vẫn chưa được ngăn chặn;
- Việc thu BHXH gặp nhiều khó khăn, số nợ ngày càng tăng, chủ yếu do:
+ Chế tài xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH còn nhiều bất cập như: mức xử phạt thấp; lãi suất chậm nộp BHXH thấp hơn lãi suất tiền vay của các ngân hàng thương mại, do đó nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt để chiếm dụng tiền BHXH...
+ Quy định về thẩm quyền xử phạt các vi phạm pháp luật BHXH chưa phù hợp với thực tiễn, cơ quan BHXH trực tiếp đi kiểm tra phát hiện vi phạm Luật BHXH nhưng không có thẩm quyền xử phạt nên không có tác dụng ngăn ngừa vi phạm luật pháp.
Những bất cập về cơ chế chính sách BHYT
- Luật BHYT còn nhiều bất cập làm tăng nguy cơ thâm hụt quỹ BHYT, cụ thể:
+ Quy định đối tượng tự nguyện không ràng buộc các điều kiện thời gian tham gia, dẫn đến tình trạng nhiều người ốm mới tham gia BHYT, thậm chí khá nhiều người khi bản thân đã mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo có chi phí rất lớn mới đóng BHYT để được thanh toán hàng trăm triệu đồng từ quỹ BHYT.
+ Quy định về phạm vi quyền lợi, mức hưởng chưa phù hợp với mức đóng BHYT (trong khi Luật BHYT quy định giới hạn mức đóng BHYT tối đa không quá 20 lần mức lương tối thiểu chung nhưng lại chưa có quy định cụ thể về mức hưởng tối đa chi phí khám, chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả trong một năm; người tham gia BHYT tự nguyện chỉ đóng khoảng 500.000 đồng/năm nhưng có thể thanh toán chi phí khám chữa bệnh hàng trăm triệu đồng một năm).
- Quy định về đấu thầu, thanh toán thuốc BHYT chưa hợp lý tạo nên những khó khăn trong quản lý giá thuốc, ví dụ: các cơ sở khám chữa bệnh đều có quyền tổ chức đấu thầu thuốc do đó giá thuốc trên địa bàn 1 tỉnh chênh lệch nhiều nhưng BHXH Việt Nam vẫn phải thanh toán chi phí cho thuốc chiếm tỷ trọng từ 60 đến 70% trong tổng chi phí khám chữa bệnh.
Những hạn chế trong tổ chức thực hiện
- Việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa tốt, biểu hiện là: trốn đóng BHXH, đăng ký số người và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH, BHYT thấp hơn so với lương thực tế; tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH xảy ra ở tất cả các địa phương.
- Chất lượng phục vụ, cung cấp các dịch vụ của các cơ sở y tế còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tại tuyến y tế cơ sở, trong khi đó tuyến trên cơ sở số bệnh nhân đến khám chữa bệnh nhiều dẫn đến quá tải.
- Tình trạng lạm dụng quỹ BHYT còn xảy ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh, biểu hiện là: chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy móc thiết bị được trang bị từ nguồn vốn xã hội hóa rộng rãi, quá mức cần thiết so với tình trạng bệnh lý; kê sai số lượng, đơn giá thuốc; lạm dụng khám cận lâm sàng, thu trùng chi phí KCB, bệnh nhân phải nằm ghép nhưng vẫn thanh toán mỗi người/định suất giường bệnh...
- Việc phê duyệt giá viện phí mới ở một số địa phương chưa đúng quy định của Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC: định mức vật tư tiêu hao thường cao hơn thực tế sử dụng; giá viện phí còn khá cao, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, mức thu nhập của dân cư và chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế ở các địa phương.
Chương trình công tác năm 2013
Căn cứ vào nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, trên cơ sở kết quả công tác năm 2012, BHXH Việt Nam xây dựng Chương trình công tác năm 2013 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau:
Những chỉ tiêu chủ yếu
Các chỉ tiêu chủ yếu toàn Ngành phấn đấu đạt được trong năm 2013 là:
* Tổng thu: 157.944 tỷ đồng, trong đó:
- Tổng thu BHXH, BHYT, BHTN: 140.944 tỷ đồng, trong đó:
+ Thu quỹ BHXH bắt buộc: 88.680,2 tỷ đồng;
+ Thu quỹ BHXH tự nguyện: 449,6 tỷ đồng;
+ Thu quỹ BHTN: 7.711 tỷ đồng;
+ Thu quỹ BHYT: 44.103,2 tỷ đồng;
- Lãi thu được từ đầu tư quỹ: 17.000 tỷ đồng.
* Tổng chi: 178.196 tỷ đồng, trong đó:
- Tổng chi BHXH, BHYT, BHTN: 172.206 tỷ đồng, trong đó:
+ Chi BHXH: 111.413 tỷ đồng, trong đó: chi BHXH từ nguồn NSNN là 40.852,9 tỷ đồng; chi BHXH từ nguồn quỹ BHXH là 70.496,5 tỷ đồng; chi quỹ BHXH tự nguyện là 63,6 tỷ đồng);
+ Chi BHYT: 57.298,2 tỷ đồng;
+ Chi quỹ BHTN: 3.494,8 tỷ đồng;
- Chi hoạt động của Ngành: 4.719,9 tỷ đồng;
- Chi đầu tư XDCB: 1.270,1 tỷ đồng.
Phương hướng nhiệm vụ năm 2013
Năm 2013, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, toàn Ngành tập trung vào chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Xây dựng Chương trình hành động và Kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.
- Sớm giao chỉ tiêu, kế hoạch năm 2013; đồng thời chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác thu và phát triển đối tượng, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2013.
- Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham gia, đề xuất sửa đổi một số điều của Luật BHXH; tham gia với Bộ Y tế đề xuất sửa đổi một số điều của Luật BHYT.
- Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam theo Nghị quyết 49/2010/NQ-CP ngày 09/12/2010 của Chính phủ; triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 tại cơ quan BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố.
- Xây dựng và hoàn thiện các quy định quản lý về thu, chi, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết các chế độ, chính sách BHXH, BHYT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và nhân dân. Ứng dụng Công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho người tham gia thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.
- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động và các cơ sở khám chữa bệnh; kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy trình nghiệp vụ của Ngành tại các đơn vị trong Ngành, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm.
- Rà soát chức năng, nhiệm vụ của Ngành để đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXHViệt Nam và Nghị định số 116/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2008/NĐ-CP;
- Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về BHXH, BHYT đến đơn vị, người lao động và nhân dân; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào các công việc, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, từng cá nhân.
Đề xuất đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2013
Trong năm 2013, ngoài việc tiếp tục hoàn thành, trình Chính phủ phê duyệt 02 đề án, dự án trong năm 2012, BHXH Việt Nam đăng ký 01 đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án “xây dựng Dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam và Nghị định số 116/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2008/NĐ-CP”.
Một số kiến nghị
Để thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân, BHXH Việt Nam đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết một số nội dung sau:
Đối với Chính phủ
- Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam và Nghị định số 116/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2008/NĐ-CP phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định riêng về đấu thầu mua thuốc chữa bệnh và các loại vật tư y tế (thực hiện đấu thầu quốc gia các nhóm hàng có số lượng sử dụng lớn, ổn định và đấu thầu tập trung các nhóm hàng còn lại tại mỗi tỉnh, thành phố; quy định mỗi địa phương chỉ có một hội đồng đấu thầu có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn độc lập để tăng cường khả năng kiểm soát giá, chất lượng thuốc, vật tư y tế).
- Đề nghị Chính phủ cho phép Ngành BHXH được thực hiện thí điểm chức năng thanh tra đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động và cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT nhằm nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật BHXH, BHYT.
- Đề nghị Chính phủ cho phép nhân rộng việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống Bưu điện tại 63 tỉnh, thành phố sau khi thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố.
- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam thường xuyên cung cấp tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng Thương mại để BHXH Việt Nam thực hiện đầu tư quỹ BHXH đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh rủi ro xảy ra; đồng thời chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN ngày 18/02/2008 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh về quỹ BHXH.
Đối với các Bộ, Ngành
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung quy định trong Luật BHXH nhưng Bộ chưa có Thông tư hướng dẫn (quy định về phân bổ và điều hành giữa các quỹ BHXH); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan cho phù hợp với nội dung quy định của Luật BHXH (lập hồ sơ tai nạn lao động, quy định cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; tiêu chuẩn xác định các hộ gia đình có mức sống trung bình; trách nhiệm đóng BHYT cho người lao động trong giai đoạn thai sản…) và hướng dẫn kịp thời một số nội dung còn chưa cụ thể hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện các chính sách BHXH mà Ngành BHXH đã tổng hợp từ các địa phương.
- Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành văn bản quy định biện pháp quản lý và kiểm soát việc đầu tư, sử dụng trang thiết bị y tế từ các nguồn tài chính ngoài ngân sách Nhà nước theo đúng chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, khắc phục tình trạng tư nhân lợi dụng chủ trương xã hội hóa để kinh doanh thu lợi nhuận cao.
- Bộ Y tế ban hành quy định về quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị chuẩn trong chẩn đoán và điều trị nhằm đảm bảo việc chỉ định, sử dụng các xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật y tế đúng yêu cầu chuyên môn, an toàn và hiệu quả.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam thường xuyên cung cấp tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của các Ngân hành Thương mại để BHXH Việt Nam thực hiện đầu tư quỹ BHXH đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh rủi ro xảy ra; chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN ngày 18/2/2008 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thủ tục trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh về quỹ BHXH./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...