Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo

20/12/2022 05:18 PM


Những năm gần đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường có những báo cáo phúc trình về tình hình tôn giáo quốc tế và năm nay, họ lại đưa Việt Nam “vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”. Về vấn đề này, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã khẳng định tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 15/12 rằng việc “Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là thiếu khách quan”. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cùng đoàn công tác đến thăm, tặng hoa và quà chúc mừng Giáng sinh tại Giáo xứ Nam Phương (TP Bảo Lộc). Ảnh: Khánh Phúc
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cùng đoàn công tác đến thăm, tặng hoa và quà chúc mừng Giáng sinh tại Giáo xứ Nam Phương (TP Bảo Lộc). Ảnh: Khánh Phúc
 
 QUAN ĐIỂM, CHÍNH SÁCH CỦA VIỆT NAM VỀ TÔN GIÁO
 
Thực ra không phải gần đây mà đã từ lâu, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến các hoạt động tôn giáo và ban hành những chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và hiến pháp, pháp luật. Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của người dân. Những quan điểm nhất quán này đã được ghi rõ ràng trong Hiến pháp, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013.
 
Trong các văn kiện của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm: Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
 
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển 2011) - một văn kiện có giá trị pháp lý cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ghi rõ: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân”.
 
Ngày 16/10/1990, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24 về "Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới". Đây được coi là dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt phát triển về nhận thức về tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết này có hai luận điểm mang "tính đột phá": Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới. 
 
Ngày 12/3/2004, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 25 về “Công tác tôn giáo”. Đến nay, nghị quyết này vẫn được xem là “kim chỉ nam” cho công tác tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Nghị quyết khẳng định tín ngưỡng và tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc. Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật được bảo đảm. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Nghị quyết cũng chỉ rõ việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật...
 
Một dấu mốc quan trọng phải kể tới nữa, đó là tháng 7/2004, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã được ban hành. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, sáng 29/10/2015, Quốc hội khóa XIII đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật tín ngưỡng tôn giáo. Đây là sự cụ thể hóa quan điểm và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo, thể hiện nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
 
Từ những chủ trương nhất quán này, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Tất cả những quyền của người dân về tôn giáo đều được Nhà nước Việt Nam quy định rõ từ việc quản đạo, hành đạo, truyền đạo... Nơi thờ tự của các tôn giáo được luật pháp Việt Nam bảo vệ. Tất nhiên, pháp luật Việt Nam cũng quy định việc thành lập tổ chức tôn giáo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức, văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
 

Với quyết định này của phía Mỹ, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cũng khẳng định: "Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều này được quy định rõ trong Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế".

 
 THỰC TIỄN SINH ĐỘNG VỀ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
 
Tất nhiên, sẽ có người nói rằng nói và làm là một khoảng cách, những quy định đầy đủ và rạch ròi như vậy nhưng thực hiện chưa hẳn đã đúng theo quy định. Đúng vậy, nhưng phải nhắc lại một câu nói quen thuộc của người Việt Nam đó là “trăm nghe không bằng một thấy”. Thực tiễn sinh động về tôn giáo ở Việt Nam mới là minh chứng thuyết phục nhất về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
 
Ở Việt Nam hiện nay, những ngày lễ lớn của các tôn giáo, nhất là lễ Phật đản, Vu Lan, Noel... không chỉ là của những người theo các tôn giáo mà trở thành ngày vui chung, ngày hội lớn của mọi người. Nếu không có những chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam làm sao có những hình ảnh sinh động này. Ngày lễ Noel của những người theo đạo Công giáo, Tin lành, trong dòng người nườm nượp đổ về các nhà thờ không chỉ có những người theo đạo Công giáo hoặc Tin lành mà còn có đông đảo những người theo các tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào. Cũng vậy, ngày lễ Phật đản của Phật giáo đâu phải chỉ có người theo đạo Phật mới đến chùa. Có lẽ vì vậy mà trong những năm qua, chùa chiền, nhà thờ mọc lên ở khắp mọi nơi, số tín đồ của các tôn giáo ngày một tăng lên không ngừng, nhiều tôn giáo, hệ phái tôn giáo mới đã được Nhà nước Việt Nam tạo mọi điều kiện cấp phép hoạt động. 
 
Trước đây, khi có dịp về thăm Việt Nam, Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ đã từng phát biểu: “Không phải riêng tôi, mà cả trăm, nghìn Việt kiều về thăm quê hương đều thấy chùa chiền được xây cất ngày càng nhiều, người đi chùa, đi nhà thờ đông nghìn nghịt, hoàn toàn không có sự cấm đoán. Nếu mà nói về tự do tôn giáo thì thật sự có tự do, không ai có thể chối cãi được”.
 
Quyền con người, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam được bảo đảm ngày một tốt hơn; các tôn giáo đã phát triển nhanh cả về số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự.. Các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo với đủ các cấp học, như: Học viện Phật giáo, Chủng viện Thiên chúa giáo và các trường cao đẳng, trung cấp của các tôn giáo đã và đang hoạt động với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương. Các ấn phẩm về tôn giáo được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong in ấn và phát hành. 
 
Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức. Trong hàng giáo phẩm của các tôn giáo hiện nay, rất nhiều vị được Nhà nước tạo điều kiện để đi đào tạo, bồi dưỡng ở các nước trên thế giới. Nhiều lễ hội tôn giáo lớn ở Việt Nam đã được tổ chức như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc vào các năm 2008, 2014; Lễ Bế mạc Năm Thánh 2011 của Giáo hội Công giáo Việt Nam được tổ chức long trọng tại giáo xứ La Vang, tỉnh Quảng Trị; Đại lễ kỷ niệm 72 năm khai sáng đạo Phật giáo Hòa hảo; Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới vào năm 2010... Kể từ năm 2011, Vatican đã cử Ðại diện không thường trú tại Việt Nam và đặc phái viên không thường trú này đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới hầu hết các tỉnh, thành ở Việt Nam. 
 
Nếu thực sự “còn giới hạn tự do tôn giáo ở Việt Nam” thì các tổ chức tôn giáo có thể xác lập được vị trí, phát triển ổn định như hiện nay, đời sống và sinh hoạt tôn giáo của người dân có sôi động, tự do như hiện nay?
 
Hãy khoan nói tới những điểm đánh giá thiên kiến và không đúng về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, chỉ riêng về quan hệ bang giao quốc tế, việc Bộ Ngoại giao của một quốc gia đưa ra đánh giá - mà lại là đánh giá không khách quan, trung thực - về tôn giáo của một quốc gia có chủ quyền là Việt Nam đã là điều khó có thể chấp nhận. Hai nữa, năm 2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm tới Hoa Kỳ. Tại cuộc viếng thăm này, hai nước đã ký kết văn kiện “xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ”. Tháng 7 năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm nước Mỹ và ông đã được chính quyền của Tổng thống Barack Obama đón tiếp với nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia. Trong văn kiện “Tầm nhìn chung” được ký kết giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, hai bên tiếp tục tái khẳng định nguyên tắc: “Tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới, Nhà nước Việt Nam thực hiện quyền quản lý xã hội của mình trên lãnh thổ Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tôn giáo. Để quản lý nhà nước về tôn giáo thật sự có hiệu quả, phát huy tác dụng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đương nhiên Nhà nước Việt Nam phải áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và đặc biệt là các hành động lợi dụng tôn giáo vì các mục đích khác nhau trái với hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
 
Người Việt Nam có câu nói quen thuộc “trăm nghe không bằng một thấy”, chỉ nghe mà không nghe bằng hai tai thì thật là tai hại. Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định nhất quán rằng ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo; ở Việt Nam chỉ có những người bị bắt, bị xử phạt vì vi phạm pháp luật Việt Nam. Thực tế từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và thực tiễn sinh động về tôn giáo ở Việt Nam chính là minh chứng hùng hồn nhất bác bỏ những đánh giá không khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.
 
HỒNG PHÚC

Báo Lâm Đồng