Doanh nghiệp đồng hành nâng cao chất lượng cà phê

20/12/2022 05:15 PM


Với sự hình thành và phát triển của nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, chế biến cà phê, những năm gần đây, nông dân huyện Lâm Hà đã có nhiều cơ hội để liên kết, phát triển bền vững với các tiêu chuẩn 4C, UTZ, VietGAP, cà phê chất lượng cao. Đặc biệt, các chính sách cộng thưởng của doanh nghiệp dành cho các nông hộ thu hoạch cà phê đạt tỷ lệ quả chín cao đang tạo sự phấn khởi, động lực cho nông dân sau một năm dồn công sức, tâm huyết chăm bón cây cà phê.
 
Các nông hộ trong chuỗi liên kết với Công ty Cà phê Tám Trình được tập huấn nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch
Các nông hộ trong chuỗi liên kết với Công ty Cà phê Tám Trình được tập huấn nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch
 
Ông Trần Viết Tùng, hộ nông dân trồng cà phê ở thôn Hoàn Kiếm 2, xã Nam Hà cho biết, với hơn 3,5 ha cà phê xen bơ, vụ mùa cà phê năm nay, gia đình ông ước thu hoạch đạt trên 17 tấn cà phê nhân. Điều bất ngờ ở đây là dù những cây cà phê quả đều đã chín mọng nhưng không hề bị rụng như điều mà nhiều hộ vẫn thường lo lắng. Đây là vụ mùa thứ 4, ông thu hoạch quả chín đạt tỷ lệ trên 80% và năng suất, sản lượng liên tục tăng. Trước đây, mỗi vụ trung bình ông thu đạt khoảng 15 tấn, thì 3 năm lại đây, liên tục đạt từ 16,5 tấn trở lên. Từ lợi về năng suất, chất lượng trên vườn, khi ông mang đến bán cho doanh nghiệp cà phê Tám Trình, doanh nghiệp này đã không ngần ngại cộng thưởng với giá trị thêm 10.000 đồng/1 kg, tổng cộng thưởng hộ ông Tùng nhận được ngay trong vụ thu hoạch quả chín đầu tiên đạt gần 100 triệu đồng. Và cũng chính từ đó, ông nhận ra rằng, giá trị của nông sản trước hết và trên hết là nằm ở phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch của người nông dân.
 
Ông Đoàn Mạnh Trình - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Tám Trình (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) cho biết, là doanh nghiệp chuyên trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, chế biến cà phê tại địa phương nên ông rất trăn trở với chất lượng thu hoạch cà phê. Nhiều nông hộ vội vàng thu hoạch cà phê khi quả còn xanh, dẫn đến chất lượng, giá trị của hạt cà phê bị sụt giảm đáng kể. Nhằm khuyến khích các hộ nông dân thu hoạch cà phê đạt chất lượng cao nhất, Công ty Tám Trình đã xây dựng bảng tiêu chuẩn cộng thưởng cho cà phê chất lượng cao của các nông hộ, trong đó nhấn mạnh cà phê robusta quả tươi hái chín từ 90% trở lên cộng thưởng 1.000 đồng/1 kg cà phê tươi so với thị trường; cà phê hái chín dưới 50% doanh nghiệp này không nhận gửi. Đối với cà phê xay lụa, tách quả xanh, phơi trên dàn ngoài trời theo quy trình hướng dẫn sơ chế của Công ty Tám Trình, doanh nghiệp sẽ cộng thưởng 6.000 đồng/1 kg cà phê nhân so với giá thị trường. Với chính sách cụ thể, rõ nét mà doanh nghiệp đưa ra, hầu hết các hộ nông dân trồng cà phê đều hết sức phấn khởi. Bởi các nông hộ đều cho rằng việc trồng, chăm sóc cà phê là tâm huyết bao nhiêu đời nay của người nông dân. Và họ, cũng như các doanh nghiệp đều mong muốn sản phẩm của mình tìm được chỗ đứng vững vàng trên thế giới. Chính vì vậy, họ cho rằng đã đến lúc nông dân cần thay đổi tư duy, thay đổi cách làm thì mới có thể đưa cà phê thành một mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao. 
 
Bà Nguyễn Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Hân Vinh (thị trấn Nam Ban, Lâm Hà) cho biết, để phát triển và xây dựng thương hiệu cà phê chất lượng cao mang thương hiệu DEHAVI, Hân Vinh đang kiên định với mục tiêu “viết lại giá trị sạch cho hạt cà phê”. Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, Hân Vinh đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, quy mô, khép kín; xây dựng nhà máy chuyên về rang xay cà phê bột, đồng thời, đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng, doanh thu bằng việc tìm kiếm và chinh phục nhiều khách hàng lớn và tiềm năng. Bên cạnh đó, Hân Vinh đã xây dựng cho mình một chuỗi liên kết bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng với gần 200 nông hộ trồng cà phê. Cứ vào đầu vụ thu hoạch, doanh nghiệp sẽ tổ chức một cuộc hội thảo để hướng dẫn các nông hộ thu hoạch đảm bảo chất lượng, cũng như đưa ra các chính sách thu mua đối với cà phê tươi được thu hoạch đạt tỷ lệ quả chín cao; đầu tư máy xay tươi cho các nhóm nông hộ. Hiện nay, trung bình mỗi năm, Công ty Hân Vinh đạt tổng sản lượng nông sản thu mua và chế biến đạt 26.000 tấn/năm; doanh thu dao động từ 950 - 1.000 tỷ Việt Nam đồng mỗi năm. Các sản phẩm cà phê của Hân Vinh đã đạt chứng nhận ISO 22000:2005, chứng nhận UTZ, chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận FDA.
 
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà, toàn huyện có tổng diện tích cà phê 39.482 ha, diện tích kinh doanh 38.419 ha, năng suất bình quân đạt 35,2 tạ/ha, sản lượng đạt 135.326 tấn. Trong những năm gần đây, huyện đã tập trung thâm canh, thay đổi cơ cấu giống và áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê. Diện tích cà phê đạt 4C, UTZ, Rainforest trên địa bàn huyện khoảng 10.000 ha. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung hỗ trợ cây giống, hỗ trợ xây dựng kho bảo quản nông sản và tạo điều kiện để các hộ nông dân ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. 
 
Phát triển sản xuất theo hướng bền vững với chuỗi liên kết giữa 4 nhà đang trở thành yêu cầu bức thiết nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cạnh tranh trên thị trường đối với loại cây trồng này. Do vậy, sự đồng hành của các doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sẽ góp phần quan trọng để thay đổi tư duy và truyền cảm hứng, tâm huyết cho người nông dân trồng cà phê trên địa bàn huyện Lâm Hà.
 
THANH TRÀ

Báo Lâm Đồng