Trên những vùng nông thôn mới kiểu mẫu

27/10/2022 08:28 AM


Đường sá sạch đẹp, nhà cửa khang trang, kinh tế phát triển, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…; đó là những điều dễ thấy khi đến hai xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: Gia Lâm và Tân Hà.
 
 ĐẤT HẸP KHÔNG BÓ ĐƯỢC Ý CHÍ CON NGƯỜI
 
Không chỉ là một trong những cơ sở đầu tiên của vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, xã Gia Lâm còn là lá cờ đầu trong Phong trào Xây dựng nông thôn mới của huyện Lâm Hà. Đây là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Lâm Hà vào năm 2014 và được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020. 
 
Là một xã thuần nông song diện tích đất nông nghiệp của Gia Lâm theo bình quân đầu người thấp nhất so với mặt bằng chung toàn huyện, với tổng diện tích trên 1.700 ha. Đất dù hẹp nhưng người Gia Lâm vẫn phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Cà phê, rau, hoa công nghệ cao, dâu tằm, cây ăn trái và một số loại cây công nghiệp khác như hồ tiêu, mắc ca... vẫn tươi xanh trên mảnh đất này. 
 
Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới nói chung, trên cơ sở đề án phát triển sản xuất đã được huyện phê duyệt, hàng năm xã Gia Lâm đều xây dựng các đề án phát triển sản xuất theo từng vụ; sản lượng cây trồng, vật nuôi năm sau đạt cao hơn năm trước. Riêng năm 2021, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND xã tuyên truyền, vận động Nhân dân duy trì diện tích cà phê, dâu tằm, trồng xen các loại cây ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế. Cụ thể, duy trì chăm sóc diện tích cà phê hiện có với 791 ha; thực hiện kế hoạch chuyển đổi tái canh được 4,5 ha cà phê, đạt 90% kế hoạch; cải tạo ghép chồi 5,3 ha cà phê kém chất lượng, đạt 53% kế hoạch. Duy trì và thâm canh 125 ha dâu tằm, chuyển đổi trồng mới 0,7 ha diện tích dâu tằm năng suất kém sang trồng dâu siêu cành đạt hiệu quả cao. Phát triển diện tích rau, hoa công nghệ cao trên địa bàn xã, tập trung tại Thôn 1, 3, 5, 6 với diện tích 7,6 ha… Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 
 
Định hướng, hỗ trợ của địa phương là điều kiện cần, song sự nỗ lực đi lên của chính người dân là điều kiện đủ mang tính quyết định cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Chị Trịnh Thị Hồng (38 tuổi), trú tại Thôn 5, xã Gia Lâm chia sẻ: Diện tích đất của gia đình chủ yếu là đất đá, trước đây trồng cà phê nhưng hiệu quả thấp. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chuyển dần những diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Và hiệu quả kinh tế đã thay đổi rõ rệt khi liên tục 3 năm gần đây, gia đình nuôi tằm. Với giá kén tằm dao động từ 170 - 230 ngàn đồng/kg như thời gian gần đây, gia đình thu về hơn 20 triệu đồng sau mỗi đợt nuôi dài 15 ngày.
 
Sự phát triển đúng hướng với cây dâu tằm trên đất Gia Lâm đã đưa nơi này trở thành vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp sản xuất tơ tằm. Và Công ty TNHH Tơ lụa Hualong Lâm Đồng là một ví dụ. Doanh nghiệp này đã thu mua lượng lớn kén tằm của người dân trên địa bàn, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 160 lao động tại địa phương. Trung bình mỗi tháng công ty sản xuất hơn 12 tấn tơ thành phẩm, ngoài tiêu thụ trong nước còn xuất khẩu đi Ấn Độ. Việc phát triển của các doanh nghiệp lớn đứng chân trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương.
 
Thu nhập bình quân đầu người ở xã Gia Lâm liên tục tăng, từ 32 triệu đồng/người năm 2014 lên 49,3 triệu đồng/người năm 2020 và 52,9 triệu đồng/người năm 2021. 
 
Ông Nguyễn Quy Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lâm khẳng định: Trình độ dân trí ngày được nâng cao; sự đoàn kết, cố gắng của tập thể cán bộ và Nhân dân toàn xã là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt là sự nhận thức của Nhân dân đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã nông thôn mới đã có những thay đổi. Các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội được thực hiện một cách đồng bộ, từ đó đã tạo đồng thuận trong Nhân dân, nâng cao được nhận thức, trách nhiệm và tự giác tham gia Chương trình xây dựng Nông thôn mới của địa phương...
 
Những thành tựu là đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra cho Gia Lâm trong hành trình phát triển. Bởi vậy địa phương đã tiếp tục xác định những nhiệm vụ tiếp theo để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân trên địa bàn.
 
Bình yên Tân Hà
Bình yên Tân Hà
 
 BÌNH YÊN TÂN HÀ
 
Là đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Lâm Hà, song hành trình đi tới xã nông thôn mới kiểu mẫu của xã Tân Hà lại rất gian nan. Bởi mặt trái của sự phát triển chính là tiềm ẩn nhiều vấn đề về an ninh trật tự.
 
Nằm trên tỉnh lộ 725, nơi đây là trung tâm của cụm 6 xã gồm: Tân Hà, Tân Văn, Hoài Đức, Phúc Thọ, Liên Hà, Đan Phượng, đây từng là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ của lãnh đạo huyện và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiều giải pháp góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Tân Hà được triển khai đồng bộ. Cùng với việc đưa công an chính quy về xã từ năm 2018 của huyện, các tổ liên gia cũng được xã Tân Hà thành lập. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đảm bảo an ninh trật tự trong Nhân dân được thực hiện thường xuyên, liên tục suốt nhiều năm liền, an ninh trật tự trên địa bàn xã Tân Hà dần đi vào ổn định. Đó là tiền đề quan trọng để địa phương này phát triển kinh tế. 
 
Ông Lê Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hơn 10 năm qua, Tân Hà luôn là địa phương đi đầu trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới với sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ của Nhân dân. Đó là cơ sở để xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Và để đạt được mục tiêu đã đề ra, xã Tân Hà đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
 
Theo đó, xã Tân Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận thực hiện nhiệm vụ chung trong Nhân dân. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Phát huy vai trò, chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Xác định đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế là những vấn đề quan tâm hàng đầu của người dân để tập trung thực hiện… Nhờ vậy, Tân Hà đã thu được nhiều kết quả nổi bật như: Tỷ lệ hộ nghèo không còn, thu nhập bình quân đạt 59,8 triệu đồng/người/năm; kết cấu hạ tầng nông thôn có nhiều chuyển biến, văn hóa - xã hội phát triển; vệ sinh môi trường nông thôn được đảm bảo, hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư, nâng cấp; tạo bộ mặt nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, hệ thống giao thông đảm bảo đi lại thuận tiện, không còn lầy lội vào mùa mưa, 100% thôn được dùng điện lưới quốc gia. Thu ngân sách đạt trên 28,5 tỷ đồng, đạt 138% kế hoạch được giao... 
 
Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội, xã Tân Hà còn có nhiều hoạt động góp phần nâng cao đời sống văn hoá cho Nhân dân. Từ nhiều năm trước, Tân Hà đã nổi tiếng là địa phương đi đầu ở huyện Lâm Hà khi có các đội tuyển bóng đá, văn nghệ, bóng chuyền hoạt động mạnh. Trong các cuộc thi cấp huyện, Tân Hà luôn được xướng tên ở top đầu. Truyền thống ấy vẫn được duy trì và phát triển cho đến nay, tại các thôn đều có phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh. Đặc biệt, gần đây nhất, các câu lạc bộ liên thế hệ cũng được thành lập và hoạt động, góp phần đa dạng hoá các hoạt động văn hoá tinh thần của người dân. Từ đây, các phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn minh... được đẩy mạnh. “Xã Tân Hà được UBND tỉnh công nhận xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021, đó thực sự là niềm vui to lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong xã”, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Mạnh Hùng phấn khởi chia sẻ.
 
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, xã Tân Hà tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền. Lấy thôn, xóm làm địa bàn và hộ gia đình là hạt nhân để vận động sức dân trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
 
NGỌC NGÀ

Báo Lâm Đồng