Tiếp tục thăng hạng OCOP Lâm Đồng

03/10/2022 09:21 AM


Trên cơ sở những thành tựu đạt được giai đoạn năm 2018 - 2021, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Lâm Đồng tiếp tục huy động nguồn lực để triển khai nhiều hoạt động đồng bộ, thăng hạng cấp sao đối với những nhóm sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương giai đoạn năm 2022- 2025. 
 
Các dòng sản phẩm cà phê OCOP 4 sao được sản xuất, chế biến tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn TuPoh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương
Các dòng sản phẩm cà phê OCOP 4 sao được sản xuất, chế biến tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn TuPoh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương
 
• NHIỀU SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
 
Trong đợt 1/2022 vừa qua, Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức trao 23 sản phẩm xếp hạng OCOP 3 - 4 sao của 13 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ nông dân trên địa bàn. Theo đó, gồm 100% sản phẩm nông nghiệp các loại sơ chế, chế biến như cà phê bột; bột rau má, cần tây, cỏ ngọt, diếp cá; trà ôlong, trà đen; rau xà lách thủy canh; cà rốt baby; bơ 034. Đặc biệt, có thương hiệu Coffee Chappi Muontain tiêu biểu khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2022 của Công ty TNHH Daisy International, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương với 6 sản phẩm Cà phê phin giấy Chocolate, Cà phê đặc sản Arabica Yellow Bourbon, Cà phê phin giấy Arabica, Cà phê phin giấy Linh chi, Cà phê đặc sản Arabica, Cà phê phin giấy Đẳng sâm. Đặc biệt, sản phẩm cây bơ gốc 034 của hộ nông dân Nguyễn Văn Dậu ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm xếp hạng sao OCOP nối lại khoảng cách gần hơn giữa khách hàng với người sản xuất giống bơ đặc hữu này với địa chỉ, nguồn gốc, chất lượng được bảo chứng từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
 
Lũy kế trong 4 năm qua, toàn tỉnh Lâm Đồng đã phân loại 200 sản phẩm OCOP của 116 chủ thể trên địa bàn. Phân loại gồm 9 sản phẩm OCOP hạng 5 sao; 109 sản phẩm OCOP 4 sao và 82 sản phẩm OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá: “Qua gần 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã bắt đầu tiếp cận với người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động xúc tiến thương mại cùng với sự thành công của các chủ thể đi trước, đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia chương trình. Nhiều địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh phát triển OCOP, nâng cao thu nhâp, thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới…”.
 
• THĂNG HẠNG 50% SẢN PHẨM OCOP VÀO NĂM 2025
 
Cụ thể trên địa bàn huyện Lạc Dương đến nay đã xếp hạng 16 sản phẩm 4 sao và 12 sản phẩm 3 sao sản xuất, chế biến tại thị trấn Lạc Dương (phúc bồn tử); các xã Lát, Đạ Sar, Đạ Chais (xà lách thủy canh, cà phê Arabica, cà rốt baby, đông trùng hạ thảo, hạt nêm từ rau, củ, quả…), đạt giá bán sản phẩm trên thị trường tăng thêm từ 15 - 20%. “Chương trình OCOP ở huyện Lạc Dương không chỉ đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn thực hiện mục tiêu giảm nghèo, hình thành liên kết sản xuất, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương…”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương Hoàng Xuân Hải nói thêm. 
 
Mục tiêu đến năm 2025, Chương trình OCOP tỉnh Lâm Đồng tiếp tục nâng cấp, thăng hạng 50% sản phẩm OCOP hiện có, nhằm đạt ít nhất 230 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 20 sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Ưu tiên phát triển các chủ thể doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, gắn với vùng nguyên liệu ổn định, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Trong đó từ 30% - 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...; phấn đấu mỗi huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng có ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. 
 
Giải pháp trong giai đoạn năm 2022 - 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng huy động nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; cùng với các nguồn vốn cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại; vốn hỗ trợ sản xuất của UBND cấp huyện; vốn đối ứng của các chủ thể tham gia để tăng cường tập huấn kiến thức chuyên môn về quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh đối với lãnh đạo hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn. Đồng thời mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP Lâm Đồng trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.  
 
“Phát triển sản phẩm OCOP Lâm Đồng có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững trên địa bàn giai đoạn năm 2022 - 2025…”, định hướng của Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng.
 
VĂN VIỆT

Báo Lâm Đồng