Tạm ngưng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực giữa hai đèo Mimosa và Prenn

30/09/2022 02:42 PM


Từ năm 2011 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thống kê toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trong khu vực giữa 2 đường đèo Mimosa và Prenn để xây dựng phương án bồi thường, tái định canh, thu hồi đất và tổ chức trồng rừng tôn tạo cảnh quan môi trường; không để mở rộng đất nông nghiệp và không giải quyết các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, UBND thành phố Đà Lạt đã chỉ đạo các đơn vị tạm ngưng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực này.
 
Một góc khu vực đèo Prenn
Một góc khu vực đèo Prenn
 
Qua rà soát của UBND thành phố Đà Lạt, tổng số hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tạm ngưng giải quyết thuộc khu vực giữa 2 đường đèo là trên 34 hồ sơ. Tuy nhiên, việc ngưng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân và không đảm bảo theo các quy định hiện hành có liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân tại khu vực 2 đường đèo. Theo báo cáo của UBND thành phố, diện tích đất trong khu vực giữa hai đường đèo Mimosa và Prenn người dân đang sử dụng cho thấy phần diện tích đất người dân sử dụng nằm ngoài đất lâm nghiệp là 58,25 ha (trong tổng diện tích 443,4 ha), trong đó đã cấp 112 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 31,92 ha. Phần diện tích đất người dân sử dụng nằm trong ranh đất lâm nghiệp là 31,86 ha (trong tổng diện tích 385 ha trong ranh đất Lâm nghiệp), trong đó đã cấp 14 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 3,33 ha.
 
Như vậy, phần diện tích trong khu vực giữa hai đường đèo Mimosa và Prenn rất lớn (90,11 ha) nên việc bồi thường, tái định canh, thu hồi đất và tổ chức trồng rừng để tôn tạo cảnh quan môi trường khu vực là không khả thi do tốn nhiều kinh phí trong khi quỹ đất tại thành phố Đà Lạt hiện nay có hạn; đồng thời để hạn chế việc phát sinh đơn kiến nghị, khiếu nại trong khu vực liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình, đồng thời bảo đảm cho việc quản lý sử dụng đất tại khu vực trên đạt hiệu quả, làm cơ sở để UBND thành phố Đà Lạt triển khai thực hiện đồng bộ trong thời gian tới, UBND thành phố Đà Lạt đề xuất đối với phần diện tích đất nằm ngoài phạm vi, ranh giới đất 3 loại rừng theo Quyết định số 2016 thì chấp thuận việc xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân có nguồn gốc, quá trình sử dụng đất ổn định lâu dài, đồng thời đảm bảo các điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo luật định, trong trường hợp thời gian sắp tới tổ chức triển khai phương án thu hồi đất để tôn tạo cảnh quan môi trường như nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1738/UBND-TH ngày 8/4/2011 thì sẽ thực hiện việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư… cho ngươi dân theo đúng các quy định hiện hành.
 
Đối với phần diện tích đất nằm trong phạm vi, ranh giới đất 3 loại rừng theo Quyết định 2016 thì tạm thời thống nhất việc sử dụng đất theo hiện trạng cho các trường hợp người dân đang quản lý sử dụng; đồng thời UBND thành phố Đà Lạt sẽ chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, khoanh vùng sử dụng đối với từng trường hợp để đề xuất biện pháp quản lý việc sử dụng đất, tránh việc mở rộng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và sẽ yêu cầu các hộ gia đình cá nhân có các cam kết bảo vệ cây rừng trên đất (nếu có). Phần diện tích còn lại, UBND thành phố Đà Lạt sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ rừng và các đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát, kiểm tra, quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đất lâm nghiệp theo quy định.
 
Ngoài ra, thực hiện theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn, UBND thành phố Đà Lạt cho biết sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chủ rừng, UBND Phường 3 và Phường 10 rà soát tất cả các trường hợp vi phạm phá rừng, lấm chiếm đất rừng từ năm 2016 đến nay tại khu vực, kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa diện tích bị phá, lấn chiếm để trồng lại rừng, khôi phục rừng như ý kiến chỉ đạo nêu trên.
 
Theo đánh giá, đây là phương án giải quyết dứt điểm các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân; ổn định ngay đời sống của Nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực, tuy nhiên vẫn thực hiện được tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Việc này cũng giúp ngân sách không phải chi ra một số tiền quá lớn để giải tỏa, di dời, bố trí tái định cư, thu hồi đất...
 
NGUYÊN THI

Báo Lâm Đồng