Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ở Lâm Đồng

27/09/2022 08:48 AM


Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách để xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam. Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, đồng thời nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và chỉ đạo các cấp ủy quan tâm triển khai thực hiện. 
 
Gặp mặt trí thức tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2022. Ảnh: Q.Uyển
Gặp mặt trí thức tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2022. Ảnh: Q.Uyển
 
Ngay sau khi ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi trọng lãnh đạo đội ngũ trí thức. Đặc biệt, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế tri thức, vấn đề xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc bảo đảm nguồn lực chất lượng cao, mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong toàn bộ chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Trước yêu cầu khách quan đó, Đảng ta đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết Hội Nghị Trung ương 7, khóa X, năm 2008), trong đó nhấn mạnh: “xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.
 
Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới… Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng”.
 
Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, đồng thời nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động số 66-CTr/TU ngày 24/10/2008 về việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); Kế hoạch số 98-KH/TU ngày 15/08/2019 về việc thực hiện Kết luận số 52-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong đó, chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chương trình hành động số 66-CTr/TU của Tỉnh ủy phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, đơn vị. 
 
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với trí thức; tuyên truyền, giải thích, động viên trí thức tự nguyện tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục đóng góp trí tuệ vì sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức gặp mặt đội ngũ trí thức nhằm tôn vinh, động viên, khích lệ đội ngũ trí thức, các nhà khoa học; phát huy vai trò, trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức trong việc tham mưu, hoạch định, xây dựng nghị quyết, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Trong những năm qua, đội ngũ trí thức, cán bộ KH-CN của tỉnh được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, có khả năng tiếp thu và làm chủ tri thức ở một số ngành, lĩnh vực hiện đại như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Đến nay, toàn tỉnh có 1.482 cán bộ công tác trong lĩnh vực KH-CN; ngoài ra còn 145 người có trình độ khác đang công tác tại các sở, ngành, viện, trường, trung tâm nghiên cứu và tại các địa phương trong tỉnh. Đội ngũ trí thức và hoạt động KH-CN luôn gắn bó mật thiết, đồng hành với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; những kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án KH-CN đã đi vào cuộc sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng ngành, lĩnh vực, tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân làm thay đổi suy nghĩ, thói quen trong sản xuất. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt khá cao, bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng 8,0%; quy mô GRDP tăng 1,6 lần; chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, năng suất lao động tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng/người/năm 2021.
 
Giai đoạn 2012-2022, tỉnh đã triển khai 110 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và cấp tỉnh, gần 200 nhiệm vụ cấp cơ sở với mục tiêu ứng dụng nhanh, rộng rãi, có hiệu quả và bền vững để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; có khoảng 1.000 bài báo khoa học được công bố tại các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Những đóng góp ấy đã làm thay đổi bộ mặt của Lâm Đồng trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những thế mạnh về kinh tế của tỉnh. Hiện nay, tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 34% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp; năng suất nông nghiệp công nghệ cao tăng 25 - 30%, lợi nhuận đạt trên 30%. Riêng các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đã nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất tăng 40 lần, chi phí giảm 35%. Doanh thu đạt từ 2,5 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 1,6 đến 4,9 tỷ đồng/ha. Nông sản xuất khẩu đạt 400 triệu USD/năm, chiếm 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh.
 
Đặc biệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của toàn dân, phong trào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong thanh niên, học sinh, sinh viên; tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng hàng năm. Nhờ đó, phong trào thi đua lao động sáng tạo đã trở thành một phong trào rộng rãi trong quần chúng Nhân dân, tạo sân chơi bổ ích cho đội ngũ trí thức; phát huy tinh thần khởi nghiệp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 
 
Để phát huy hơn nữa vai trò của Đảng trong xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, cần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến đội ngũ trí thức; cổ vũ, động viên đội ngũ trí thức phát huy nhiệt tình cách mạng, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, trong lao động, tự giác chấp hành, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Quan tâm bổ nhiệm những trí thức có tư duy sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành những chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng đãi ngộ đội ngũ trí thức; khuyến khích đội ngũ trí thức tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng phấn đấu hoàn thiện về mọi mặt. 
 
Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm của toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với sự quyết tâm, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, Lâm Đồng sẽ tiếp tục quan tâm, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức góp phần đưa đất nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng phát triển nhanh và bền vững.
 
THUÝ NGÀ

Báo Lâm Đồng