''Thầy cô trong mắt em'' - cuộc thi nhiều ý nghĩa

27/09/2022 08:43 AM


“Thầy cô trong mắt em” năm 2022 là cuộc thi do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức, phát động trên toàn quốc trong 7 tháng và kết thúc nhận tác phẩm ngày 30/9. Cuộc thi mang nhiều ý nghĩa lan tỏa từ nhận thức, noi gương học tập đến lòng tri ân trong học sinh, sinh viên (HSSV), đồng thời là món quà quý về tinh thần để động viên đội ngũ thầy, cô giáo. 
 
Những hình ảnh cắt từ một video clip dự thi
Những hình ảnh cắt từ một video clip dự thi
 
 NHIỀU GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA 
 
Cuộc thi nhằm mục đích “Ghi nhận, tôn vinh, lan tỏa những tấm gương nhà giáo có tác động và ảnh hưởng tích cực, tạo động lực, truyền cảm hứng cho HSSV. Thông qua đó, tuyên truyền, tôn vinh và nhân rộng các tấm gương, những hình ảnh đẹp về thầy giáo, cô giáo, về ngành Giáo dục. Là dịp để HSSV trong các trường học, cơ sở giáo dục thể hiện tình cảm, lòng biết ơn và tri ân đối với thầy giáo, cô giáo mà mình yêu quý, trân trọng, cảm phục, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc”. Cuộc thi dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh viên đại học và cao đẳng sư phạm cũng là hoạt động thiết thực chào mừng 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022). 
 
 Tác phẩm dự thi được thể hiện bằng video clip, nội dung là những câu chuyện do chính những HSSV kể về người thầy giáo, cô giáo của mình, người đã có tác động sâu sắc, có dấu ấn đối với bản thân tác giả. Đó là tình yêu, sự chăm sóc, giáo dục, giảng dạy; đó là phẩm chất, tài năng, trí tuệ, sự hy sinh, cống hiến... Thông qua tác phẩm dự thi, người học cũng thể hiện lòng biết ơn, cảm phục, sự tri ân, tình cảm kính trọng và mong muốn được lan tỏa tới cộng đồng. Nhân vật trong clip là các thầy giáo, cô giáo đã, đang công tác tại các cơ sở giáo dục trong ngành và được sự đồng ý của nhận vật, nhà trường khi ghi hình. Yêu cầu về chất lượng, lối dẫn truyện ngắn gọn, súc tích, hấp dẫn, nội dung cô đọng, tạo ấn tượng cho người nghe và xem. Hình ảnh phải chân thực và để lôi cuốn, thu hút tác giả được sử dụng các kỹ xảo, hiệu ứng có tính nghệ thuật. 
 
 NHỮNG GƯƠNG SÁNG Ở LÂM ĐỒNG
 
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Lâm Đồng Ngô Văn Sơn cho biết, mặc dù thời gian phát động không dài nhưng Ban Tổ chức Công đoàn Giáo dục tỉnh (theo quy định Thể lệ là Vòng sơ khảo cuộc thi) đã nhận được 29 tác phẩm của 10 trường học trên toàn tỉnh tham gia. Đã có hàng ngàn học sinh với tư cách là tác giả hoặc người trong cuộc. Trong đó, số lượng tác phẩm nhiều nhất là Công đoàn cơ sở các trường THCS-THPT Tây Sơn, THPT Bảo Lâm, THPT Đức Trọng, THCS Trần Quốc Toản (thành phố Bảo Lộc). Nhiều tấm gương thầy giáo, cô giáo được các học sinh thể hiện với tư cách là nhân vật clip: cô Trương Thị Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS N’Thol Hạ; thầy Châu, cô Thùy, thầy Bình, thầy Nhất, cô Hà ở Trường THPT Bảo Lâm; cô Trâm, cô Thúy, thầy Tuấn ở Trường THPT Đức Trọng; cô Thủy, cô Thư, cô Khuyên, cô Tâm, thầy Tám ở Trường THCS-THPT Tây Sơn... và nhiều thầy giáo, cô giáo khác nữa ở các Trường: THPT Bùi Thị Xuân, THPT Chu Văn An, THPT Lộc Thanh, THCS Nguyễn Đình Chiểu, THCS Trần Quốc Toản, THCS Lộc Sơn. Nhân vật được các học sinh thể hiện đang đảm nhận ở nhiều bộ môn khác nhau: Tiếng Anh, Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Giáo dục thể chất, Tin học... Ngoài chuyên môn, họ có thể còn là cán bộ quản lý cấp trường, cấp tổ, khối chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ Đoàn Thanh niên...
 
Mỗi vị trí, vai trò của người thầy “trong mắt học sinh” đều là một tấm gương tận tụy vì công việc, đam mê với nghề nghiệp, sáng tạo trong chuyên môn... và lớn nhất là ở mỗi thầy, cô giáo có trái tim không biên giới để thương yêu các thế hệ học trò. Thầy giáo, cô giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà thực sự tấm gương được xã hội mặc định những danh xưng cao đẹp: người đưa đò nhẫn nại, kỹ sư tâm hồn cao đẹp, bậc cha mẹ hiền tận tình dìu dắt, nâng đỡ,... Tấm gương thầy giáo, cô giáo Lâm Đồng được cảm nhận và ghi nhận ở rất nhiều khía cạnh, từ phương pháp truyền thụ hay đến miệt mài soạn giáo án; từ tham gia các hoạt động đến sẻ chia khó khăn với học sinh... Có những tác phẩm gắn tính thời sự của năm học như tác động của đại dịch COVID-19 (cô giáo soạn giáo án trong khu cách ly; các giáo viên dạy học trực tuyến và động viên học sinh trong phòng, chống dịch...). Đó còn là hoạt động thiện nguyện tích cực của cô giáo giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm năng lượng tích cực cho các em là đồng bào dân tộc thiểu số tự tin đến trường... Những hình ảnh như vậy thực sự đã lưu dấu kỉ niệm đẹp và lòng tri ân nơi học sinh; lan tỏa xúc động đến người xem. Cùng với đó là cách thể hiện, nhiều clip biết vận dụng các kỹ năng và kỹ xảo về góc quay, bố cục, đồng hiện, chồng mờ, giọng đọc truyền cảm, chân thành và lồng nhạc, phụ đề khá hấp dẫn...
 
Trước khi khép lại bài viết này, điều chúng tôi muốn nói là tác giả cần tránh những hạn chế, thiếu sót để cuộc thi sau thực hiện tốt hơn. Đó là hình ảnh không nét, thiếu sinh động, minh họa thiếu tập trung vào chủ đề, đạo diễn còn lộ liễu, tính chân thực chưa cao, lời bình chung chung,... Một số clip chưa đảm bảo quy định của thể lệ cuộc thi như thiếu tiêu đề, quá về độ dài, quá số lượng tác giả, ghi tên tác giả trên nội dung clip, nhận xét nhân vật từ ban giám hiệu... Và rất tiếc, thực tiễn ngành Giáo dục Lâm Đồng có rất nhiều tấm gương thầy giáo, cô giáo là chất liệu dồi dào để sáng tạo clip nhưng chưa có mặt lần này. 
 
MINH ĐẠO

Báo Lâm Đồng