Đà Lạt: Hướng tới mục tiêu sạch ''rác thải nguy hiểm''

21/09/2022 07:54 AM


Là vùng rau, hoa nổi danh, đồng thời là vùng du lịch trọng điểm, bảo vệ môi trường luôn là nỗi lo canh cánh của thành phố Đà Lạt. Trong đó, với những loại rác thải đặc biệt, “rác thải nguy hiểm”, Đà Lạt đang tìm mọi phương pháp để thu gom một cách hiệu quả nhất.
 
Đổi bao bì thuốc BVTV lấy quà tặng ở tổ dân phố Vạn Thành, Phường 5
Đổi bao bì thuốc BVTV lấy quà tặng ở tổ dân phố Vạn Thành, Phường 5
 
Ông Trần Đức Công, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Lạt cho biết: “Qua khảo sát sơ bộ, chúng tôi đánh giá lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của thành phố sau khi sử dụng thải ra lượng bao bì xấp xỉ 100 tấn/năm. Đây là một con số không nhỏ và có thể gây hại rất lớn đến môi trường nước, môi trường đất và không khí nếu không có biện pháp thu gom triệt để”. Là địa phương sản xuất nông nghiệp nổi tiếng, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác là không thể tránh khỏi. Vấn đề là làm thế nào để người nông dân quen với việc thu gom và xử lý phù hợp đối với loại rác độc hại này.
 
Từ nhiều năm nay, thành phố Đà Lạt đã lắp đặt các bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại các khu vực trọng điểm như làng hoa Thái Phiên, làng hoa Vạn Thành, khu vực Phường 8, Phường 12…, những khu vực canh tác tập trung. Các bể chứa có màu đặc biệt, ghi rõ nơi chứa bao bì thuốc BVTV và định kì có đơn vị thu gom tới thu nhận, đưa về lưu kho rồi xử lý theo quy định. Hiện tại, Đà Lạt đã đặt được khoảng 500 bể chứa bao bì thuốc BVTV trên toàn thành phố và đang tiếp tục đặt thêm tại các khu canh tác. Tuy nhiên, do không phải nơi nào cũng là khu sản xuất tập trung, bể chứa không phủ kín hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp nên không ít các loại bao bì, chai lọ chứa thuốc BVTV sau sử dụng “lọt” ra ngoài môi trường, chưa được thu gom đúng cách. Nguy hiểm nhất là lượng bao bì, nhất là các chai nhỏ, bị lọt xuống các dòng suối, kênh rạch. Lượng thuốc BVTV tồn dư trong chai có thể phát tán vào nguồn nước, từ đó gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất cho thành phố sau thời gian dài tích tụ.
 
Nhằm “phủ” kín khoảng trống chưa có bể thu gom cũng như tạo thói quen tích cực cho người nông dân trong thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV, Hội Nông dân thành phố Đà Lạt đã phát động sáng kiến “Đổi bao bì thuốc BVTV sau sử dụng lấy quà tặng”. Được tổ chức luân phiên vào sáng thứ 5 hàng tuần ở các khu canh tác tập trung tại thành phố, ngày đổi bao bì thuốc BVTV lấy quà tặng đang trở thành một ngày khá vui của người nông dân. Hội Nông dân sẽ mang các món quà rất gần gũi với người nông dân như nón, găng tay, ủng, áo mưa… tới đổi với bao bì thuốc BVTV theo bảng đổi quy định sẵn. Ông Đinh Thịnh, nông dân tổ Vạn Thành, Phường 5, người đã mang đổi của gia đình và bà con xung quanh tới 78 kg bao bì thuốc BVTV cho biết: “Mình làm vườn phải xài thuốc BVTV nên có vỏ thuốc. Hội Nông dân vận động nên tôi và bà con xung quanh giữ lại, bỏ trong các bao kín để đúng ngày mang đổi lấy quà. Tôi đi đổi luôn cho cả xóm nên có gần 80 kg bao bì, được quà mang về chia lại cho bà con”. 
 
Ông Nguyễn Đức Công cho biết, Chương trình “Đổi bao bì thuốc BVTV sau sử dụng lấy quà tặng” của Hội Nông dân thành phố được bà con ủng hộ rất nhiệt tình. Sau 4 ngày hội đổi quà, hàng tấn bao bì thuốc BVTV đã được bà con tích trữ, mang tới đổi lấy quà tặng. Từ những ngày hội định kì này, người nông dân thêm ý thức việc phải bảo quản, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV đúng cách, không vứt ra ngoài môi trường. Ông Công cho biết, lượng quà tặng dồi dào đến từ hai nguồn, từ ngân sách và từ xã hội hóa, do các công ty dịch vụ nông nghiệp tài trợ. Ông cũng thông tin, chương trình sẽ diễn ra thường xuyên và mang tính lâu dài nhằm tạo ý thức bảo vệ môi trường cho bà con nông dân.
 
Bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt chia sẻ, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố nhằm giữ gìn môi trường sống bền vững cho cư dân địa phương và du khách. Bà Loan khẳng định: “Đà Lạt luôn sẵn nguồn lực dành cho bảo vệ môi trường. Chỉ cần hoạt động mang lại hiệu quả, thành phố luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ mọi mặt”. Thành phố Đà Lạt cũng xác định, vận động nông dân tạo thói quen tốt, bảo vệ môi trường là chuyện dài hơi, cần sự chung tay của cả cộng đồng vì một tương lai Đà Lạt xanh - sạch - đẹp.
 
DIỆP QUỲNH

Báo Lâm Đồng