Trái tim người thầy đặt nơi trẻ yếu thế

19/09/2022 07:46 AM


Tôi đến Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan một lúc thì vào giờ nghỉ giữa buổi học. Những học sinh tập thể dục nhưng thiếu tập trung hoặc khó điều khiển động tác. Một thầy giáo với dáng người nhỏ đứng sau một học sinh cầm 2 tay của em nâng lên, đặt xuống và xoay thân thể em theo nhịp nhạc...
 
Thầy giáo Doãn Đức Đạt cầm tay hướng dẫn học sinh tập viết
Thầy giáo Doãn Đức Đạt cầm tay hướng dẫn học sinh tập viết
 
Qua trao đổi với Ban Giám hiệu Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan, tôi có mặt tại lớp của thầy giáo Doãn Đức Đạt lúc thầy đang dạy học sinh học chữ cái. Vòng quanh lớp nhắc nhở, hướng dẫn 8 học sinh của mình, thầy và trò đánh vật với từng con chữ...
 
Doãn Đức Đạt sinh năm 1990, quê ở huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội nhưng sinh ra tại xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Anh tốt nghiệp loại Khá, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, chuyên ngành Giáo dục đặc biệt năm 2011. Trở về Lâm Đồng dạy học tại Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan đến nay và đã hoàn thành trình độ đại học Giáo dục đặc biệt. Học sinh ở trường là những đứa trẻ từ 6-16 tuổi không may mắn vì khuyết tật trí tuệ. Tiếp xúc với Doãn Đức Đạt, tôi cảm nhận ở thầy giáo thật hiền lành, nhỏ nhẹ, quả phù hợp với nghề vừa dạy vừa dỗ trẻ em. Và hơn thế, tình yêu đủ lớn để thầy giáo đặt trái tim người thầy nơi những trẻ yếu thế. 
 
Năm học 2021-2022, thầy giáo Doãn Đức Đạt được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Để đạt thành tích này là cả quá trình nỗ lực nhiều năm của thầy Đạt. Hai năm học gần đây (từ 2018-2020), Doãn Đức Đạt đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Đặc biệt, năm học 2020-2021, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và của Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục; Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học được công nhận cấp tỉnh. Một năm học ảnh hưởng của COVID-19, không dạy học trực tiếp được nhiều, nhất là học sinh thiểu năng trí tuệ lại càng vô vàn khó khăn. Thế nhưng kết thúc năm học, lớp của thầy Đạt có 1 học sinh hoàn thành tốt, 7 học sinh hoàn thành, không có học sinh chưa hoàn thành. 
 
Thầy giáo Doãn Đức Đạt chia sẻ, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, cá nhân tham gia tất cả các hoạt động về chuyên môn của ngành và nhà trường tổ chức; chủ động học hỏi nâng trình độ và kỹ năng sư phạm giáo dục đặc biệt thông qua nhiều hình thức: sinh hoạt tổ, nhóm; tham khảo các mô hình giáo dục học sinh khuyết tật trong nước và nước ngoài... Mặt khác, ngoài hướng dẫn phụ huynh học sinh cùng tham gia giáo dục trẻ, thầy Đạt tích cực hướng dẫn, hỗ trợ, chia sẻ kỹ năng với đồng nghiệp, mạnh dạn tham gia tham mưu với ban giám hiệu, tổ chuyên môn về các chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục học sinh khuyết tật tại nhà trường phù hợp nhất. Đó còn là thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong tiết dạy của mình và hướng dẫn đồng nghiệp...
 
Thực hiện công tác nghiên cứu biện pháp, giải pháp đổi mới dạy học chất lượng, thầy Doãn Đức Dạt có 2 giải pháp gần đây đều được Sở GDĐT công nhận là: “Một số biện pháp rèn phát âm cho học sinh chậm phát triển trí tuệ tại lớp 1B2 - Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan” (năm học 2020-2021) và “Một số phương pháp hỗ trợ học sinh có biểu hiện tăng động - giảm chú ý tại Khối nhỏ, Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan” (năm học 2021-2022). Ghi nhận quá trình phấn đấu, rèn luyện và cống hiến năng lực chuyên môn - nghiệp vụ của thầy Đạt, 2 năm học, thầy đều được nhà trường công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 
 
Cô giáo Hán Thị Đạo - nguyên Hiệu trưởng Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan từng cho biết về những khó khăn đặc biệt của môi trường cơ sở giáo dục này. Đó là học sinh chịu những hoàn cảnh như hội chứng Down, thần kinh phân liệt, bệnh tự kỷ, ảnh hưởng chất độc da cam. Nhiều học sinh phải chịu cảnh đa tật. Vì vậy, cơ sở giáo dục vừa có đội ngũ giáo viên dạy chữ vừa có đội ngũ y tế và máy móc để áp dụng vật lý trị liệu cho học sinh. Không nặng về kiến thức mà chủ yếu nặng về vấn đề tâm sinh lý của các em. Không chỉ thuần dạy chữ, giáo viên phải hội đủ trình độ chuyên môn và có rất nhiều việc để làm, gần như vượt hơn cả trách nhiệm dạy học và trông trẻ của mình. Một cơ sở giáo dục vừa làm công tác phục hồi chức năng vừa giảng dạy các em về kiến thức, vừa chăm sóc các em về mặt tinh thần, quả là nhiệm vụ nặng nề và đáng ghi nhận, trân quý công lao của tập thể cũng như mỗi cá nhân. “Quan trọng nhất là tấm lòng của mình. Cái thứ hai là sự kiên trì, nhẫn nại. Nếu mình không có sự kiên trì thì không làm gì được. Sự kiên trì của mình nó rất lớn và tấm lòng thì phải rất rộng”, cô giáo Hán Thị Đạo chia sẻ. 
 
Trở lại thầy giáo Doãn Đức Đạt, không chỉ đủ duyên gắn bó yêu nghề nơi mái trường này 11 năm nay, mà ngay chính nơi này đã trở thành mối lương duyên thầy Đạt và cô giáo Lê Thị Bích Hạnh nên duyên vợ chồng vào năm 2016. Mái ấm của họ nay đã có 4 thành viên với con đầu học lớp 1, con thứ hai gần 2 tuổi. Một nghề dạy có vô vàn kỉ niệm như là hành trang của cuộc đời... Nhọc nhằn khi học sinh không làm chủ được bài tiết hay các hành vi tăng động...; hạnh phúc khi học sinh hiểu dần được các loại quả thông qua việc thầy giáo tự mua trái cây về cắt ra hay ép nước cho học sinh dùng và làm giáo cụ trực quan... Vâng, trái tim người thầy đặt nơi trẻ yếu thế!
 
MINH ĐẠO

Báo Lâm Đồng