Đà Lạt: Đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân

10/08/2022 07:57 AM


Hướng đến mục tiêu hơn 80% diện tích nông nghiệp trên địa bàn thành phố ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã tăng cường phối hợp với Hội Nông dân và các ban, ngành, đoàn thể khuyến khích, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Thông qua các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển đổi giống cây trồng gắn với nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm đã giúp nông dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững.
 
Nhiều nông dân đã chủ động đầu tư để đưa công nghệ mới vào sản xuất.
Nhiều nông dân đã chủ động đầu tư để đưa công nghệ mới vào sản xuất.
 
Đà Lạt hiện có hơn 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 7.000 ha (xấp xỉ 67%) sản xuất nông nghiệp cao. Với phương châm phát triển ngành Nông nghiệp thành phố theo hướng hiện đại, bền vững và an toàn sinh học, ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt cho biết, những năm qua, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương triển khai, tổ chức hiệu quả các lớp dạy nghề nông thôn, chương trình chuyển đổi giống cây trồng gắn với chương trình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cho bà con nông dân. 
 
Trong việc tổ chức các lớp dạy nghề nông thôn, theo ông Quang, đơn vị đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội khảo sát nhu cầu, tư vấn học nghề cho hội viên nông dân, từ đó, triển khai các lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng hoa, canh tác rau tiêu chuẩn VietGAP và chế biến hồng khô theo công nghệ Nhật Bản. 
 
Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 100 học viên tại các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành, Phường 9 được cấp giấy chứng nhận. Tại các lớp học, học viên được trang bị các kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, vừa lý thuyết, vừa thực hành. Nhờ đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
 
Bên cạnh các lớp dạy nghề, chương trình chuyển đổi giống cây trồng cũng được Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt chú trọng. Nhiều chương trình thử nghiệm, các mô hình sản xuất, trồng giống mới được đơn vị triển khai tại các xã, phường trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2021, Trung tâm đã thực hiện chương trình quản lý dinh dưỡng, phân tích mẫu đất theo các chỉ tiêu lý, hóa tại Phường 5, Phường 7 và xã Xuân Thọ. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu phát triển ghép cải tạo hồng ăn trái truyền thống Đà Lạt; xây dựng trồng các loại dâu tây giống mới như Akihime, Nhật cao, Samyong, bạch tuyết má hồng… Từ đó, góp phần đa dạng, phong phú các chủng loại giống dâu tây, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 
 
Ngoài ra, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt phối hợp cùng các đơn vị phát triển Mô hình Sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh với internet vạn vật (IoT) ở Phường 5 và xã Xuân Thọ với quy mô 2,8 ha; xây dựng mô hình kho lạnh bảo quản nông sản sau thu hoạch; mô hình lưới che nắng và điều chỉnh nhiệt độ canh tác hoa; áp dụng đề tài phòng trừ tổng hợp bệnh virus hại hoa cúc tại một số vùng trồng hoa cúc như Phường 7, Phường 12, TP Đà Lạt và triển khai Dự án Lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu cho các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
 
Ngoài những công tác trên, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển ngành Nông nghiệp được Trung tâm xem đây là nhiệm vụ quan trọng, giúp nông dân nắm bắt được những kiến thức, kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 
 
Ông Quang cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, hội thảo chuyên đề với hàng nghìn lượt nông dân tham dự. Tại các lớp học này, nông dân được tiếp cận với các kiến thức, kỹ thuật về chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cà phê; kỹ thuật trồng và chăm sóc rau theo chuẩn VietGAP; kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cao cấp; kỹ thuật nuôi heo nái sinh sản… Đơn vị còn tổ chức đưa nông dân ở các phường, xã trên địa bàn thành phố đi tham quan các mô hình dâu tây, trồng rau hoa theo hướng công nghệ cao; trồng chuối Laba; nuôi trùn quế trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh; trồng trà hoa vàng; chăn nuôi bằng đệm sinh học… “Riêng trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã mở các lớp học trực tuyến giúp nông dân tiếp cận được các kỹ thuật sản xuất mới” - ông Quang nói. 
 
Mặt khác, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt còn kết hợp với các công ty doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng rau, hoa nâng cao năng suất, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
 
Có thể thấy, thông qua các chương trình dự án, hội thảo và các lớp tập huấn, nhận thức về sản xuất của nhiều nông hộ đã chuyển biến tích cực. Nhiều nông dân đã chủ động đầu tư vốn, nhân lực để đưa công nghệ mới vào sản xuất. Hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động, công nghệ thông minh… được nông dân áp dụng đại trà trên nhiều vùng sản xuất. Đặc biệt, canh tác nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố đang chuyển dần theo hướng canh tác bền vững, bảo vệ môi trường. 
 
Trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Quang, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt sẽ tăng cường phối hợp với Hội Nông dân các cấp và UBND các phường, xã chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Cao đẳng Nghề, Phân viện sinh học Đà Lạt, Trung tâm Nghiên cứu Rau, Hoa và Khoai tây; Trung tâm Xúc tiến thương mại... để nghiên cứu, chuyển giao, trao đổi các thông tin về sản xuất, chế biến và hướng tiêu thụ nông sản cho nông dân. 
 
NHẬT QUỲN

Báo Lâm Đồng