Lâm Đồng vào top 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số

10/08/2022 07:48 AM


Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vừa công bố xếp hạng Chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021. Tỉnh Lâm Đồng tăng 3 bậc, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố.
 
Tỉnh Lâm Đồng đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ
Tỉnh Lâm Đồng đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ
 
Theo Ủy ban chuyển đổi số quốc gia, việc xác định chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI cấp bộ, tỉnh và quốc gia nhằm theo dõi, đánh giá một cách thực chất và công bằng kết quả chuyển đổi số hằng năm của các bộ, ngành, địa phương và quốc gia cùng các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
 
Tỉnh Lâm Đồng xếp vị trí 20/63 với tổng điểm là 0,4626 điểm, cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đều tăng. Trong đó, xếp hạng chỉ số Xã hội số cấp tỉnh đứng vị trí thứ 10/63 với giá trị là 0,4950, tiếp đó chỉ số Kinh tế số xếp thứ 13/63 có giá trị 0,4794 và chỉ số Chính quyền số xếp thứ 14/63 có giá trị 0,5187.
 
 Năm 2021, DTI cấp tỉnh được đánh giá gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần tập trung vào 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. 9 chỉ số chính được phân thành Nhóm chỉ số nền tảng chung và Nhóm chỉ số về hoạt động. Trong đó, Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 6 chỉ số chính: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Đô thị thông minh. Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 3 chỉ số chính: Hoạt động chính quyền số, Hoạt động kinh tế số, Hoạt động xã hội số.
 
Trong trụ cột Chính quyền số có 7 chỉ số chính, trong đó gồm 6 chỉ số chính thuộc Nhóm chỉ số nền tảng chung và chỉ số Hoạt động chính quyền số. Trụ cột Kinh tế số có 7 chỉ số chính, trong đó gồm 6 chỉ số thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung và chỉ số Hoạt động kinh tế số. Trụ cột Xã hội số có 7 chỉ số chính, trong đó gồm 6 chỉ số thuộc Nhóm chỉ số nền tảng chung và chỉ số Hoạt động xã hội số.
 
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông đến tháng 6/2022, ở trụ cột Xã hội số, tỉnh xếp vị trí thứ 10, được đánh giá là có những bước tiến quan trọng, thực chất, đã đưa chuyển đổi số vào phục vụ các mặt đời sống xã hội của người dân. Số lượng người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) toàn tỉnh là 782.250 người, đạt 59%. Tỷ lệ thanh niên sử dụng điện thoại đạt 96,6% (trong đó có 84,6% sử dụng smartphone); tỷ lệ thanh niên sử dụng máy tính đạt 64,36%; tỷ lệ thanh niên sử dụng Internet đạt 92,24%. Nhiều nền tảng được phát triển để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí, đời sống của người dân như: ứng dụng liên lạc (Zalo, Viber, Facebook...); ứng dụng gọi xe, giao hàng (Grab, Vill...); ứng dụng phục vụ xem truyền hình (VTV Go); ứng dụng sức khỏe điện tử (VssID, sổ sức khỏe điện tử...); ứng dụng phục vụ giáo dục (Mobiedu, Vnedu, K12online...); ứng dụng phục vụ mua sắm (Postmart.vn; Voso.vn; Shopee; Lazada...).
 
Ở trụ cột Kinh tế số, Lâm Đồng xếp hạng 13/63. Toàn tỉnh hiện có hơn 11.000 doanh nghiệp; trong đó, có hơn 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động và kê khai thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 54%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số (số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT) khoảng 500 doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 0,45%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghệ số chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh mua bán thiết bị công nghệ thông tin, gia công phần mềm. Phần lớn các doanh nghiệp đều sử dụng nền tảng số trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn sử dụng các dịch vụ, ứng dụng của mạng xã hội để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ, sản xuất, kinh doanh (như zalopay, zalo connect, zaloshop, zaloAds...) 
 
Đặc biệt, chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng diễn ra mạnh mẽ, số lượng thẻ nội địa trên địa bàn tỉnh là 1,1 triệu thẻ chiếm 83% dân số tỉnh. Số thanh niên có tài khoản tại ngân hàng là 318.802 người, chiếm 61% trong tổng số thanh niên từ 15 đến 39 tuổi. Thương mại điện tử (TMĐT) cũng là lĩnh vực được chú trọng ở Kinh tế số, tỉnh hiện có 12 sàn giao dịch TMĐT đã được Bộ Công thương xác nhận; tuy nhiên, chỉ có 1 sàn TMĐT là https://dalatproducts.com/ hoạt động trong lĩnh vực nông sản. Đang xây dựng và thực hiện các thủ tục với Bộ Công thương để đăng ký hoạt động cho trang http://nongsandalatlamdong.vn.
 
Trụ cột thứ 3 là Chính quyền số. Hiện tại, 100% cơ quan Đảng, các đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã kết nối mạng LAN và Internet tốc độ cao. Mạng truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã kết nối cho 100% các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện. 100% đảng ủy cấp xã được đấu nối lên huyện và kết nối vào mạng diện rộng của Đảng bằng đường truyền Mega, WAN, VPN.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh đã được xây dựng và hoạt động ổn định tại địa chỉ http://lgsp.lamdong.gov.vn/login. Đã hoàn thành kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, khai thác 8/13 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia. Đã phối hợp cơ quan chuyên môn Bộ Công an (Cục 05, 06) hoàn thành đánh giá an toàn an ninh thông tin đảm bảo kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh và Cổng dịch vụ công của tỉnh. 
 
Một số ứng dụng công nghệ thông tin kết nối đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống báo cáo thông tin kinh tế xã hội của tỉnh; Trục liên thông văn bản điện tử; Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống họp trực tuyến; Cổng thông tin điện tử, trang tin điện tử... Hiện nay, công nghệ số đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong một số ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường... Các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin được thực hiện đồng bộ.
 
Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được xây dựng thống nhất, liên thông 4 cấp từ cấp xã lên cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương. Hoàn thành việc kết nối, liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Tích hợp 148 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng dịch vụ công Quốc gia dùng chung cơ chế xác thực với Cổng dịch vụ công quốc gia, đăng nhập một lần; Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (dichvucong.lamdong.gov.vn): Cung cấp tổng số 1.935 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, có 186 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (chiếm 13%); 301 dịch vụ công trực tuyến 4 (chiếm 15%), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính.
 
Riêng Đô thị thông minh, tỉnh hiện có 2 Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh (IOC) tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương, với nhiều dịch vụ đô thị thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp với mục đích vừa phát triển đô thị, thành phố thông minh, vừa thực hiện chuyển đổi số tại địa phương; triển khai nhân rộng mô hình (IOC) tại thành phố Đà Lạt với ứng dụng Kết nối người dân và chính quyền cho các huyện Đạ Tẻh, Lâm Hà.
 
Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết: Kết quả đánh giá chuyển đổi số hằng năm chỉ ra những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục và cung cấp thông tin hỗ trợ cho bộ, tỉnh và các cơ quan chức năng áp dụng giải pháp phù hợp để hoàn thành các mục tiêu. Năm nay là lần thứ 2, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xác định và công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. So với lần đánh giá đầu tiên, bộ tiêu chí đánh giá đã được cập nhật, bám sát hơn với chương trình chuyển đổi số quốc gia và các chiến lược phát triển Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Trước những kết quả đã đạt được, tỉnh Lâm Đồng đã và đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, theo đúng lộ trình mà Nghị quyết của Tỉnh ủy đã đề ra về chuyển đổi số đến năm 2030. 
 
DIỄM THƯƠNG

Báo Lâm Đồng