Đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn và phát triển giống trà hoa vàng

24/05/2022 08:09 AM


Quần thể trà hoa vàng được phát hiện ở huyện Đạ Huoai có giá trị kinh tế và y dược rất cao. Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai) không chỉ thu hái hoa của cây trà hoa vàng từ rừng mà còn bảo tồn loại cây này ngay tại các vườn sầu riêng, vườn điều và thành công trong việc nhân giống bằng phương pháp chiết cành.
 
Ông K’ Nôm bên những gốc trà hoa vàng mà gia đình đã bảo tồn dưới tán cây ăn quả
Ông K’ Nôm bên những gốc trà hoa vàng mà gia đình đã bảo tồn dưới tán cây ăn quả
 
Xã Phước Lộc có tổng diện tích rừng trên 6.218 ha; số hộ nhận giao khoán, bảo vệ rừng là 143 hộ. Thời gian qua, chính quyền địa phương phối hợp cùng các chủ rừng, các tổ hộ nhận khoán tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt hơn, quần thể trà hoa vàng quý hiếm được phát hiện ở rừng xã Phước Lộc được các cấp, ban, ngành và người dân bảo tồn một cách nghiêm ngặt vì những giá trị mà loài cây này mang lại.
 
Theo một cán bộ của UBND xã Phước Lộc thì trà hoa vàng sẽ nở hoa kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 trong năm. Khi đó, bà con đồng bào DTTS ở địa phương sẽ thu hái những búp, hoa vàng tươi để bán cho các thương lái ở địa phương. Những năm gần đây giá của 1kg búp, hoa tươi vào khoảng 200 nghìn đồng, mỗi ngày người dân có thể thu hái từ 2 đến 4 kg. Đây là một khoản thu nhập cho bà con đồng bào ở địa phương trong những lúc nông nhàn. 
 
Hiện nay, ở xã Phước Lộc có chừng 40 hộ dân thu hái trà hoa vàng khi cây nở hoa. Một người dân cho biết rằng, người dân ở đây tuyệt đối không có hành vi chặt phá cây vì những hiệu quả kinh tế mà nó đã mang lại giúp người dân. Mặt khác, những cây trà hoa vàng mọc ở rừng rất khó có thể sống nếu di dời đi nơi khác. Xã Phước Lộc là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, chính vì vậy người dân từ xa xưa đến nay đều dựa vào rừng, bảo vệ rừng, cộng sinh cùng rừng để phát triển. Nên việc bảo tồn loài trà hoa vàng quý hiếm mọc ở các khu rừng là nhiệm vụ mà chính quyền địa phương và người dân nỗ lực thực hiện. 
 
Không chỉ bảo tồn loài trà hoa vàng trong tự nhiên, hiện nay, một số hộ dân đồng bào DTTS còn bảo tồn loài cây quý hiếm này ngay trong chính vườn điều, vườn sầu riêng của gia đình mình vì loài cây này có giá trị về kinh tế, y học. Qua những công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trà hoa vàng phòng, chống khối u, ngăn ngừa ung thư hiệu quả, hỗ trợ điều trị những khối u ác tính; giảm cholesterol, giảm các bệnh lý về tim mạch, ổn định huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ....
 
Gia đình ông K’ Nôm (thôn Phước Dũng) hiện có khoảng 150 gốc trà hoa vàng dưới tán vườn sầu riêng. Là đồng bào người Mạ sinh sống ở mảnh đất này đã lâu nên ông biết những giá trị mà loài cây này mang lại. Trước khi nhóm chuyên gia phát hiện ra quần thể loài cây này ở xã Phước Lộc, gia đình ông giữ gìn những cây trà hoa vàng ở trong vườn của mình, sử dụng lá và hoa để dùng uống thường ngày. 
 
Ông K’ Nôm cho biết rằng, từ ngày sinh sống trên mảnh đất này, gia đình mình vẫn sử dụng cây trà hoa vàng này để uống như cây chè thông thường. Nhận thấy đây là một loài cây hữu ích nên gia đình mình đã giữ lại trong vườn nhà mà không phá bỏ đi. Đến bây giờ thì loài cây này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt vì một năm cho nguồn thu trên 100 triệu đồng. Vả lại, đây là loại cây rừng nên việc chăm sóc rất đơn giản, hầu như là để cây sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên. Hiện nay, tôi đã thực hiện việc chiết cành để nhân giống thành công, tỷ lệ cây được chiết cành sống trên 50 %. Thời gian tới, gia đình sẽ nhân rộng trà hoa vàng khắp diện tích dưới tán cây ăn quả để tăng thêm nguồn thu nhập.
 
Hiện nay, ở thôn Phước Dũng còn có gia đình ông K’ BRồm cũng là một hộ nông dân thực hiện việc bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Theo ông K’ BRồm thì đây là một loài cây rất quý hiếm nên mình phải biết bảo tồn và phát triển chúng.
 
Ông Nguyễn Duy Lực - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết: Là một xã có trên 80 % đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên việc bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập cho bà con, từ đó giúp bà con ổn định và phát triển kinh tế. Mặt khác, bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng đồng nghĩa với việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Tại các vườn đồi trồng sầu riêng, cây ăn quả một số hộ dân đang bảo tồn và thực hiện nhân giống cây trà hoa vàng để trồng trên diện rộng là tín hiệu đáng mừng.
 
ĐỨC TÚ

Báo Lâm Đồng