Từng bước xây dựng thương hiệu mắc ca Di Linh

24/05/2022 08:07 AM


Mắc ca đã "bén duyên" với vùng đất Di Linh hơn 15 năm nay. Loại cây này đang phát triển đúng hướng và từng bước trở thành thương hiệu đáng tự hào của địa phương.
 
Công ty Mắc ca Việt (xã Hòa Trung) do ông Lưu Quốc Chính làm chủ đã không ngừng phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng kênh phân phối
Công ty Mắc ca Việt (xã Hòa Trung) do ông Lưu Quốc Chính làm chủ đã không ngừng phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng kênh phân phối
 
• PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU 4.000 HA
 
Giai đoạn 2017 - 2022 Di Linh phát triển được khoảng 2.900 ha mắc ca trồng thuần và trồng xen, trong đó, diện tích cho thu hoạch 400 ha, năng suất đạt 1.6 tấn/ha. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, đa phần diện tích mắc ca được trồng bằng giống cây ghép, hiện đã cho thu hoạch với năng suất 2 - 3 tấn/ha. Giá bán hạt mắc ca tươi từ 90 - 100 ngàn đồng/kg. Năng suất trung bình cây 10 năm tuổi ổn định khoảng 20 kg hạt/cây.
 
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh, cây mắc ca là loại cây trồng thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Nhiều diện tích mắc ca phát triển tốt, đã cho thu hoạch đạt năng suất cao. Do vậy, huyện định hướng đến năm 2025 tiếp tục vận động, cũng như hỗ trợ để người dân trồng xen 4.000 ha, tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn để hình thành nên chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp và cơ sở chế biến sản phẩm. Đồng thời, xây dựng một số chuỗi mắc ca với quy mô liên kết khoảng 300 hộ, sản lượng tiêu thụ theo hợp đồng liên kết đạt 300 tấn; 50% diện tích được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; sản phẩm được bán ở thị trường trong nước các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện ích… và thị trường xuất khẩu: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu….
 
Hiện, trên địa bàn huyện Di Linh, nông dân đang vào vụ thu hoạch mắc ca nên địa phương tuyên truyền cho các hộ nông dân chỉ thu hoạch những quả chín, đạt chất lượng, nâng cao hiệu quả thu nhập cho người dân. Mặt khác, Phòng Nông nghiệp huyện cũng nỗ lực phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân, từ đó tạo thành chuỗi liên kết sản phẩm. Với diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện ngày càng tăng, nhiều cơ sở chế biến hạt mắc ca được thành lập, thu mua quả tươi để rang sấy, đóng hộp bán ra thị trường…; có thể thấy đầu ra cho mắc ca đang dần ổn định. 
 
• ĐẦU TƯ CHẾ BIẾN TẠO THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ ỔN ĐỊNH
 
Hạt mắc ca dùng trực tiếp hoặc chế biến các loại bánh, kẹo, mỹ phẩm có giá trị; ngoài ra, vỏ mắc ca có thể được nghiền làm vật liệu hữu cơ… Với những lợi ích đó, trên địa bàn huyện đã có nhiều cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất như máy xay, máy sơ chế, phòng bảo quản để chế biến hạt mắc ca. Hiện, trên địa phương cũng đang có khoảng 10 thương hiệu mắc ca địa phương, trong đó, một số cơ sở cũng đã thiết kế bao bì, mẫu mã và mang sản phẩm đi đăng ký logo thương hiệu, xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… 
 
Một trong những người tiên phong trong việc đầu tư phát triển chế biến mắc ca tại Di Linh là ông Lê Văn Trường, Giám đốc HTX Liên kết Mắc ca - Macadamia Di Linh. Gia đình ông Trường hiện có hơn 300 cây mắc ca trồng xen trên diện tích 2 ha cà phê, mỗi năm thu về hơn 3 tấn quả. Mặc dù mắc ca ở đây có chất lượng tốt, nhưng đầu ra khá hạn chế, trong khi các sản phẩm nhập khẩu được bán với giá rất cao. Do đó, năm 2018, ông Trường bắt tay vào tìm hiểu công nghệ kỹ thuật, thị trường tiêu thụ và mua máy móc chế biến mắc ca. Đến đầu năm 2019, lô sản phẩm mắc ca sấy mang thương hiệu Mắc ca Macadamia Di Linh lần đầu tiên được tung ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Hiện nay, HTX của ông tiêu thụ gần 100 tấn mắc ca thành phẩm. Tất cả sản phẩm mắc ca này đã có tem truy xuất nguồn gốc, chỉ cần một thao tác người tiêu dùng có thể biết được sản phẩm mình sử dụng được sản xuất ở đâu, chất lượng sản phẩm ra sao. Bên cạnh bán trong nước, hiện tại sản phẩm của HTX được trồng theo hướng VietGAP, GlobalGAP cũng được xuất khẩu sang Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật….
 
Tương tự, Công ty Mắc ca Việt (xã Hòa Trung) đã không ngừng phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng kênh phân phối. Ông Lưu Quốc Chính, Giám đốc công ty, cho biết, trung bình mỗi năm, công ty thu mua khoảng 100 tấn mắc ca tươi,sau đó, chế biến và cung cấp cho các hệ thống phân phối trên toàn quốc, những sản phẩm này được khách hàng và đối tác đánh giá cao. Với tổng diện tích hơn 100 héc ta của 50 nông hộ tham gia liên kết, công ty yên tâm về nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời, bà con được đảm bảo bao tiêu sản phẩm. 
 
Ông Trần Nhật Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, cùng với các loại cây trồng cà phê, chè, trái cây thì sản phẩm mắc ca đã được huyện Di Linh tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu gắn với xây dựng phát triển các liên kết. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 03 sản phẩm mắc ca đạt tiêu chuẩn cấp OCOP.
 
Để phát triển cây mắc ca bền vững, bên cạnh sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, sạch, có chỉ dẫn địa lý, mã hoá vùng trồng, định danh sản phẩm, được cấp chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc thì huyện còn tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; thực hiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ triển lãm thương mại của khu vực và TP HCM; tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; thực hiện đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá kênh phân phối, mỗi phân khúc thị trường cần có sản phẩm đặc trưng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. 
 
Ngoài ra, vấn đề thu hút đầu tư được xác định là quan trọng và cần thiết đối với sản phẩm mắc ca của huyện. Về lâu dài, đến năm 2025, Di Linh xác định sẽ mở rộng cơ sở chế biến cũng đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư thêm nhà máy chế biến sản phẩm từ hạt và nhân mắc ca, nhà máy chế biến như tinh dầu, mỹ phẩm, dung môi… để tăng giá trị sản phẩm mắc ca. 
 
HOÀNG YÊN

https://baohiemxahoi.gov.vn