Vươn mình đưa tơ lụa Bảo Lộc bay xa

08/04/2022 07:56 AM


Thành lập năm 2008 - những năm tháng khó khăn của ngành Tơ lụa Bảo Lộc, nhưng, với một tầm nhìn lâu dài và tư duy sáng tạo, công ty TNHH Xe tơ dệt lụa Hà Bảo (TP Bảo Lộc) đã vượt qua những khó khăn, thách thức, từng ngày định vị được giá trị thương hiệu tơ lụa Hà Bảo nói riêng và Bảo Lộc nói chung trên thị trường trong và ngoài nước.
 
Mọi quy trình xe tơ, dệt lụa đều được Công ty Hà Bảo chú trọng
Mọi quy trình xe tơ, dệt lụa đều được Công ty Hà Bảo chú trọng
 
Tốt nghiệp ngành Dệt, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cộng với hơn 15 năm mài dũa kinh nghiệm thực tế từ một công ty dâu tằm tơ ở Bảo Lộc, bà Hà Thị Hoa - Giám đốc Công ty TNHH Xe tơ dệt lụa Hà Bảo, nhận thấy chất lượng tơ Bảo Lộc đặc biệt nổi trội, thậm chí không thua kém chất lượng tơ từ những quốc gia có truyền thống và sản lượng lớn. Tuy nhiên, “nếu chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu tơ thô thì ngành Tơ lụa Bảo Lộc khó khẳng định thương hiệu, dẫn đến hàm lượng giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng thấp”.
 
Sau giai đoạn thăng hoa của ngành Tơ lụa Việt Nam (1985-1995), sự phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp ngành Dâu tằm tơ Việt Nam đã chững lại. Cùng lúc đó, kinh tế thế giới lại bước vào một cuộc suy thoái từ năm 2008 đến năm 2010. Nhiều doanh nghiệp, công ty dâu tằm tơ phải sản xuất cầm chừng, giảm thiểu quy mô để tồn tại. Dành tâm huyết cho ngành Dâu tằm tơ, bà Hoa không khỏi xót xa cho tình cảnh này!
 
“Nhờ những thay đổi về cơ chế công ty cổ phần, khuyến khích kinh tế tư nhân của Nhà nước lúc bấy giờ” - bà Hoa nhìn ra cơ hội phát triển sản xuất, khẳng định chất lượng tơ lụa Bảo Lộc mà bà trăn trở bấy lâu. Năm 2008, được nhượng lại dàn máy cũ từ một nhà máy thua lỗ, bà quyết tâm xây dựng công ty xe tơ dệt lụa cho riêng mình. 
 
Từ 12 cỗ máy cũ đó và vài công nhân ban đầu, nay công ty đã có hơn 60 máy hiện đại. Trong đó có 4 máy dệt Jacquard cao cấp của Hàn Quốc được công ty đầu tư với số vốn 2 tỷ đồng và số tiền 300 triệu đồng viện trợ không hoàn lại của Quỹ Khuyến công quốc gia. Ngày đầu, công ty chỉ sản xuất được vài chục ngàn mét lụa thu về hơn 2 tỷ đồng mỗi năm, nay Công ty Hà Bảo sản xuất được hơn 600 ngàn mét lụa tơ tằm các loại, thu về hơn 100 tỷ đồng năm - giải quyết công ăn việc làm cho hơn 60 lao động. Không còn phải lân la các hội chợ để quảng bá sản phẩm và miệt mài tinh chỉnh máy móc để đạt được yêu cầu chất lượng của đối tác, nay Hà Bảo đã tự tin xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Brazil... 
 
Nhưng, đằng sau những thành quả đó, Công ty Xe tơ dệt lụa Hà Bảo cũng đã phải vượt qua những giới hạn cấu trúc ngành, của chuỗi cung ứng tơ tằm nói chung. Ngành Dâu tằm tơ mang những đặc điểm của một chuỗi giá trị hoàn toàn khác biệt - kết hợp giữa nhiều lĩnh vực khác nhau từ nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp đến thương mại. Trong đó, nhiều công đoạn nằm ngoài sự kiểm soát của bản thân doanh nghiệp. “Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành thuộc quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết nên thiếu sức cạnh tranh khi ra thị trường thế giới” - bà Hoa trăn trở. Hà Bảo cũng đã nhiều lần lao đao vì giá kén dao động mạnh - do nông dân phải nhập trứng giống từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên không chủ động được nguồn cung và chất lượng. Mới đây, dịch bệnh COVID đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng khiến doanh thu công ty giảm sút, trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. “Để giữ chân người lao động và duy trì sản xuất, công ty vẫn nỗ lực, cố gắng đảm bảo thu nhập và quyền lợi cho anh chị em” - bà Hoa nhớ lại.
 
Để vượt qua những hạn hẹp và khó khăn đó, Công ty Hà Bảo đã không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư trang thiết bị tiên tiến, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực. Luôn khảo sát, nắm bắt thị hiếu khách hàng, từ đó thay đổi mẫu mã, màu sắc phù hợp theo đặc trưng của từng vùng miền, lãnh thổ và thời điểm khác nhau. Hơn hết, nhờ xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp “Công ty có nhiều thuận lợi trong việc nắm bắt các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó định hướng và phát triển doanh nghiệp” - bà Hoa chia sẻ và cho biết thêm, khi doanh nghiệp gặp trở ngại có thể nhờ sự trợ giúp, tư vấn từ chính quyền địa phương. Ngoài ra, 9 đảng viên thuộc Chi bộ Công ty Hà Bảo luôn là người đi đầu gương mẫu và trách nhiệm trong công việc. 
 
Khi nói về hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp, bà Hoa cho rằng “ngoài duy trì và phát triển sản xuất, công ty sẽ đẩy mạnh thị trường nội địa” bởi, với mức giá trung bình 400 đến 500 nghìn đồng mỗi mét vải thì không quá cao đối với những người có thu nhập trung bình trở lên ở nước ta. Vấn đề là cần phải “đẩy mạnh truyền thông do nhiều người có tâm lý cho rằng lụa tơ tằm là hàng xa xỉ, khó giặt và khó bảo quản”. Mặt khác, Công ty Hà Bảo sẽ tích hợp tạo thành chuỗi - từ công đoạn xe tơ đến dệt lụa hoàn chỉnh, thiết kế thời trang và tiếp thị sản phẩm. Đặc biệt, kết hợp với các doanh nghiệp thương mại và du lịch trên địa bàn để giới thiệu và quảng bá tơ lụa đến với du khách trong và ngoài nước.
 
Tất cả định hướng chiến lược trên đều hướng vào mục đích để “Công ty Xe tơ dệt lụa Hà Bảo xây dựng và phát triển chuỗi giá trị bền vững; không những phát triển kinh tế, mang lại lợi nhuận cho nông dân mà còn lưu lại nghề truyền thống cho các thế hệ nối tiếp” - bà Hoa chia sẻ. 
 
NHẬT QUỲNH

Báo Lâm Đồng