Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương trường tồn, tỏa sáng muôn đời

08/04/2022 07:48 AM


Giỗ tổ Hùng Vương từ lâu đã đi vào tiềm thức người dân Việt Nam với ý nghĩa là lễ hội về cội nguồn dân tộc, biểu tượng của tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết Việt Nam; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng dựng nước. Như thông lệ cứ ngày đến ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch, cả nước lại hướng về Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ), nơi diễn ra lễ Giỗ tổ Hùng Vương với tất cả lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ.
 
Lễ dâng hương dịp Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm tại Đền thờ Âu Lạc (Khu du lịch thác Prenn - Đà Lạt). Ảnh: Hoàng Anh
Lễ dâng hương dịp Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm tại Đền thờ Âu Lạc (Khu du lịch thác Prenn - Đà Lạt). Ảnh: Hoàng Anh
 
Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt từ bao đời nay đã hình thành trong tâm thức của mình: Vua Hùng là vị vua Thủy Tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế, từ xa xưa đến nay, vượt qua thời gian, vượt lên các thể chế chính trị, Giỗ tổ Hùng Vương luôn có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt; là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành nòi giống; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước. 
 
Vượt lên những giá trị lịch sử, tâm linh, Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành điểm hội tụ của lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao tâm thức dân tộc và lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn nhất cả nước. 
 
Từ truyền thuyết về mối lương duyên huyền thoại của Lạc Long Quân và Âu Cơ (cha Rồng - mẹ Tiên) và bọc trăm trứng, một cách lý giải đầy thuyết phục của người xưa về thủy tổ dân tộc Việt Nam. Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long Quân, gây dựng nên Nhà nước Văn Lang, trải qua 18 đời, với hơn 2.000 năm trị vì đất nước (Theo sử liệu, từ năm 2879 TCN – 258 TCN, 15 bộ lạc Âu Việt và Lạc Việt ở miền xuôi và miền ngược tập hợp lại cùng thống nhất với nhau dựng nên nhà nước Văn Lang, đứng đầu là Vua Hùng). 
 
Thời đại Hùng Vương gắn liền với các cuộc đấu tranh sinh tồn, chinh phục thiên nhiên và gây dựng Nhà nước Văn Lang, đặt nền móng ban đầu cho sự ra đời của một quốc gia, dân tộc lớn mạnh sau này. Trong tiến trình lâu dài và đầy thử thách khắc nghiệt chống chọi với thiên tai, địch họa để tồn tại, phát triển, dân tộc Việt Nam đã hình thành và vun đắp nên truyền thống yêu nước, lòng nhân ái - khoan dung, tinh thần vượt khó, đức hy sinh, bản tính cần cù, sáng tạo... ngày càng bền vững. Những phẩm chất này luôn tuôn chảy trong huyết quản mỗi con người Việt Nam, hình thành ý thức hệ đan kết, xoắn xuýt bền chặt - sức mạnh nội sinh lớn lao, đưa đất nước ta, dân tộc ta vượt qua bao thăng trầm lịch sử để có được một cơ đồ như ngày hôm nay. 
 
Với một cội nguồn rất đáng tự hào như vậy, nên đối với người Việt, Giỗ tổ Hùng Vương - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ lâu đã trở thành “tín ngưỡng gốc” và cũng từ đó hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - một nét bản sắc độc đáo, giàu giá trị nội sinh của văn hóa Việt Nam, hiếm nơi nào trên thế giới có được. 
 
Và chính sự gắn kết giữa “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” với “tục lệ thờ cúng tổ tiên”, nên Giỗ tổ Hùng Vương mới có được sức sống mãnh liệt, bền lâu và được mọi người hướng về, trân trọng gìn giữ, trao truyền một cách tự nguyện; trở thành một biểu tượng cao đẹp ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt; trở thành nơi cội nguồn linh thiêng của dân tộc - điểm kết nối quan trọng, không thể thiếu trong mối quan hệ gia đình, làng, nước. 
 
Một điều độc đáo, đặc biệt hiếm có, đó là xưa cũng như nay, Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương không biểu thị là Giỗ tổ của riêng dân tộc nào mà là của 54 dân tộc anh em trải dài khắp đất nước Việt Nam, cũng như người Việt Nam ở nước ngoài và Giỗ tổ là một dịp biểu thị nghĩa “đồng bào” với cùng chung một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, vượt qua mọi không gian và thời gian để tồn tại cho đến ngày nay và mãi mãi về sau. 
 
Có thể nói, Giỗ tổ Hùng Vương - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi gian nan, thử thách để chiến thắng thiên tai và kẻ thù xâm lược. 
 
Như vậy, xét ở nhiều phương diện, Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương không chỉ mang giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, đạo đức, tinh thần mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương, trước hết là một ngày Quốc lễ - lễ hội văn hóa lớn nhất cả nước, góp phần giáo dục và khơi dậy lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, tình đoàn kết, tinh thần cộng đồng trách nhiệm cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngoài ra, đối với nhiều người còn là một ngày sinh hoạt tâm linh với lòng cầu mong những điều tốt lành cho bản thân, gia đình và cộng đồng; cầu mong cho quốc thái, dân yên. 
 
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia UNESCO, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Điều này có nghĩa là, các giá trị riêng có của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương hay Giỗ Tổ Hùng Vương vừa mang tính đặc sắc riêng có vừa mang tính phổ biến của các dân tộc khác. 
 
Vì vậy, ngày 6/12/2012, Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Sau 10 năm kể từ ngày UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa thế giới, chúng ta càng nhận ra sức mạnh của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang được phát huy trong hiện tại và hướng tới tương lai. Đền Hùng - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương càng trở nên linh thiêng và sức lan tỏa sâu rộng, trở thành điểm quy tụ, sơi dây tập hợp, đoàn kết các thế hệ người dân Việt Nam sinh sống ở mọi miền đất nước, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. 
 
Và bất kỳ là ai, mỗi khi về với Đền Hùng, nơi trung tâm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đang được về nơi cội nguồn dân tộc, về với hồn thiêng đất nước, một hành động nhân văn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và lòng biết ơn công lao dựng nước của các vua Hùng. 
 
Tổ chức ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm thực sự là dịp để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã kiên cường đấu tranh chống chọi thiên tai, địch họa để bảo tồn, phát triến đất nước, giống nòi; để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đồng thời, đây cũng là dịp quan trọng để quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của cả dân tộc Việt Nam. 
 
Giỗ tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 được gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, quy mô, nội dung của Ngày Giỗ tổ tuy được điều chỉnh nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, nhưng tính linh thiêng, sự ngưỡng mộ, sức lan tỏa… không hề suy giảm. 
 
Ngày Giỗ tổ năm nay, sau 10 năm UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, đúng đắn tầm vóc dân tộc và nhân loại của di sản mang bản sắc độc đáo này. Từ đó, càng trân trọng, tự hào và ra sức bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát triển để di sản Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng vương trường tồn, tỏa sáng muôn đời. 
 
Nhiệm vụ của thế hệ hôm nay là biến truyền thống vốn đã thấm rất sâu trong lòng mỗi người, thành những giá trị sống tốt đẹp, những hành động cụ thể để cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
 
LINH NHÂN

Báo Lâm Đồng