Lạc Dương: Thích ứng an toàn, đảm bảo ''mục tiêu kép''

03/01/2022 02:16 PM


Với mục tiêu kiểm soát tốt dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lạc Dương đã triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
 
Năm 2021, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống; tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ, quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan, đơn vị, của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, huyện Lạc Dương đã triển khai có hiệu quả nhiệm vụ thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch.
 
Vùng trồng hoa hồng dưới chân núi Lang Biang, huyện Lạc Dương đang dần khôi phục sản xuất sau khi trở lại trạng thái bình thường mới
Vùng trồng hoa hồng dưới chân núi Lang Biang, huyện Lạc Dương đang dần khôi phục sản xuất sau khi trở lại trạng thái bình thường mới
 
TỪNG BƯỚC KHÔI PHỤC SẢN XUẤT
 
Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, huyện Lạc Dương từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và đảm bảo công tác phòng, chống dịch phù hợp trong tình hình mới.
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài, địa phương đã thực hiện song song hai nhiệm vụ: kiểm soát tốt dịch bệnh và nỗ lực duy trì, khôi phục, phát triển sản xuất. Năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang từng bước được khôi phục và chuyển sang trạng thái bình thường mới. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh, các chuỗi sản xuất, cung ứng và lưu thông hàng hóa tại địa phương cơ bản được đảm bảo, không để bị đứt gãy, trong đó các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đảm bảo nhu cầu của người dân.
 
Với thế mạnh và phát triển kinh tế chủ yếu về nông nghiệp, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân, doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh. 
 
Trong đó, chuyển đổi một phần diện tích trồng hoa sang các cây trồng khác phù hợp, tập trung trồng các mặt hàng rau, củ, quả ngắn ngày phục vụ, cung ứng, hỗ trợ cho các tỉnh, thành trong vùng dịch. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai hỗ trợ rau, củ, quả cho Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, huyện Lạc Dương đã chủ động thành lập Tổ công tác và triển khai được khoảng 505 tấn, với tổng kinh phí thực hiện trên 3,1 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã kịp thời phối hợp với một số doanh nghiệp tại các tỉnh, thành để thực hiện cung cấp được thêm khoảng 83 tấn rau, củ, quả cho các địa phương vùng dịch với số tiền thực hiện giao dịch khoảng hơn 1 tỷ đồng, vừa giúp người dân vùng dịch đảm bảo thực phẩm vừa hỗ trợ người dân địa phương tiêu thụ hàng hóa nông sản.
 
Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP để đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu thích ứng với mọi điều kiện khắc nghiệt. Hiện huyện Lạc Dương đã được đánh giá, xếp hạng, cấp giấy chứng nhận 19 sản phẩm OCOP và đã đưa toàn bộ 19 sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử. 
 
NHIỀU CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI QUAN TRỌNG ĐẠT VÀ VƯỢT
 
Mặc dù trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, tuy nhiên, năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 188,3 tỷ đồng, vượt 59% dự toán; phần huyện thu 126,3 tỷ đồng, vượt 91% dự toán. Công tác đầu tư công được quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên. Tổng vốn xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch vốn năm 2021 đã phân bổ trên địa bàn huyện hơn 260 tỷ đồng/73 công trình, hạng mục công trình; đã giải ngân trên 167 tỷ đồng, đạt 64,29% kế hoạch. Toàn huyện có 68 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6.500 tỷ đồng, đã thực hiện đầu tư với giá trị 4.569 tỷ đồng, đạt 70% tổng vốn đăng ký. 
 
Một trong những kết quả nổi bật năm 2021 của huyện Lạc Dương là công tác giảm nghèo. Huyện đã tập trung thực hiện nguồn vốn hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, đôn đốc, kiểm tra và hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình được đầu tư năm 2020 thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2021, do không có nguồn vốn Trung ương và tỉnh hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo, UBND huyện đã trình HĐND huyện phân bổ từ nguồn vượt thu ngân sách năm 2020; đồng thời, chủ động vận động nguồn xã hội hóa và huy động đối ứng Nhân dân để thực hiện chương trình giảm nghèo. Tổng nguồn kinh phí giảm nghèo đã thực hiện hơn 2,8 tỷ đồng (ngân sách huyện 797 triệu đồng, người dân đối ứng 214 triệu đồng, nguồn xã hội hóa 1,8 tỷ đồng). Đến nay, số hộ nghèo toàn huyện còn 55 hộ, chiếm tỷ lệ 0,7%, giảm 77 hộ (kế hoạch giảm 68 hộ), đạt 113,2%, tỷ lệ giảm chung 1,2%; trong đó, hộ dân tộc thiểu số 53 hộ, chiếm tỷ lệ 1,1%, giảm 76 hộ (kế hoạch giảm 68 hộ), đạt 111,8%, tỷ lệ giảm nghèo hộ dân tộc thiểu số 1,6%. Đến nay, xã Lát và xã Đạ Sar là 2 địa phương không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
 
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành, các xã quan tâm triển khai đảm bảo phù hợp với tình hình và nguồn lực hiện có. Trong năm 2021, huyện tập trung nguồn lực hỗ trợ xã Đưng K’Nớ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới để đạt các tiêu chí theo quy định. Kết quả đến nay đã hoàn thành hồ sơ 19/19 tiêu chí và trình tỉnh thẩm định, xem xét quyết định công nhận xã Đưng K’Nớ đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021; các xã còn lại thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Qua đó, chuẩn bị kế hoạch xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2022.
 
TUẤN HƯƠN

Báo Lâm Đồng