Một năm nỗ lực vượt khó

31/12/2021 01:54 PM


Năm 2021 là năm tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, sáng tạo; sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, Lâm Đồng đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là 1 trong 36 địa phương tăng thu trong năm 2021.
 
Lâm Đồng đón người dân từ vùng dịch trở về quê trong những ngày các tỉnh miền Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.
Lâm Đồng đón người dân từ vùng dịch trở về quê trong những ngày các tỉnh miền Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.
 
 NỖ LỰC CHỐNG DỊCH
 
Ngày 2/7 có thể nói là ngày “đặc biệt” của Lâm Đồng khi lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 kể từ khi có dịch COVID-19. Ngay khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 tại huyện Đạ Tẻh và xác định ca nhiễm có liên quan đến Chợ đầu mối Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, để phòng COVID-19, tỉnh đã có các chính sách mới thay đổi nhằm thích ứng với tình hình phòng, chống dịch trên một số địa bàn mặc dù trước đó, do dịch bệnh phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, tỉnh cũng đã lập một loạt các chốt kiểm dịch. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong tỉnh cũng đồng loạt vào cuộc rất quyết liệt với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; nâng cấp độ phòng, chống dịch, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và những diễn biến ở những tỉnh, thành lân cận.
 
Có thể nói rằng, trong giai đoạn đó, chưa cần phát động nhưng toàn dân cũng đã nâng cao ý thức, tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
 
Phát huy tinh thần đồng lòng và đoàn kết của cán bộ, Nhân dân, tỉnh quyết tâm, khắc phục khó khăn và có nhiều cách làm, sự sáng tạo để vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, từ đó đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo đảm sự bình yên cho Nhân dân.
 
Nhìn lại suốt giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch của tỉnh, bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế, lực lượng quân đội, công an, thì ngành Giao thông vận tải cũng đã có những đóng góp nhất định và đã có nhiều tham mưu quan trọng, sáng tạo trong việc quản lý các phương tiện, người lái để góp phần vào công tác phòng, chống COVID-19 hiệu quả. Song song đó cũng có những sáng tạo trong đảm bảo hoạt động vận chuyển nhu yếu phẩm và hàng hóa phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội không chỉ cho riêng tỉnh Lâm Đồng mà cả nhiều tỉnh, thành khác. Giai đoạn dịch bệnh hoành hành ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành các văn bản kịp thời để hướng dẫn các đơn vị vận tải và các hộ kinh doanh cá thể tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động vận chuyển an toàn, thông suốt, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch cho lái xe, phụ xe và không để lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, bởi giai đoạn đó lái xe, phụ xe thường xuyên ra vào vùng tâm dịch, tiếp xúc với những nơi có khả năng lây nhiễm cao mà vẫn chưa được tiêm vắc xin. Cụ thể, Sở GTVT phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm để quản lý hành trình của xe và quản lý lái xe, phụ xe (quanlylaixe.lamdong.gov.vn), quản lý xe ra vào địa bàn tỉnh bằng cách khai báo trước khi vận chuyển để tiện cho công tác truy vết nguồn lây. Trong giai đoạn các tỉnh, thành phía Nam và một số tỉnh miền Trung, miền Bắc thực hiện Chỉ thị 16, để đảm bảo hoạt động vận tải hàng hóa được kết nối thông suốt với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách; Sở GTVT Lâm Đồng đã tham mưu đề xuất kết nối luồng xanh của tỉnh vào luồng xanh quốc gia; công bố luồng xanh nội tỉnh; cấp thẻ nhận diện ưu tiên mã QR Code cho xe vận tải hoạt động trên luồng xanh. Việc cấp mã nhận diện QR Code kịp thời, đúng quy định đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh cá thể lưu hành trên các luồng xanh quốc gia một cách thuận lợi tại từng thời điểm, việc vận chuyển hàng hóa vì thế cũng đã đáp ứng được nhu cầu cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho các địa phương vùng dịch và địa bàn Lâm Đồng. Sở GTVT cũng đã kêu gọi các đơn vị kinh doanh vận tải, hợp tác xã vận tải, các hộ kinh doanh cá thể cùng chung tay để hỗ trợ công tác thiện nguyện; phối hợp với Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... vận chuyển các mặt hàng rau, củ, quả đến các tỉnh, thành phía Nam và miền Trung đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để hỗ trợ người dân.
 
 
 1 TRONG 36 ĐỊA PHƯƠNG TĂNG THU TRONG NĂM 2021
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tỉnh đã xây dựng kế hoạch điều hành phát triển kinh tế theo diễn biến dịch bệnh COVID-19 để tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công... phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất. 
 
Việc chủ động phòng, chống và kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy phục hồi kinh tế của tỉnh. 
 
Đặc biệt, sau gần 2 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tỉnh cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch COVID-19, từng bước khôi phục thị trường lao động, sản xuất, thu hút đầu tư; khôi phục du lịch; công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, tăng cường. Tỉnh cũng ban hành và thực hiện linh hoạt các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp với các cấp độ dịch ở từng địa phương, từng khu vực theo từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh. Các địa phương từng bước mở cửa cho các hoạt động đi lại, giao thương, phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống dân sinh, phòng, chống dịch trong tình hình mới.
 
Dù đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức, song năm 2021, kinh tế của tỉnh có những chuyển biến rất tích cực. Thành công nhất phải kể đến đó là hoạt động phát triển kinh tế ở các địa phương, trừ một số lĩnh vực như vận tải hành khách, du lịch bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 thì hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư xây dựng, chế biến... vẫn đảm bảo và không chỉ dừng lại ở đó mà trong giai đoạn nhiều địa phương gặp khó khăn, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hỗ trợ nhiều đợt hàng hóa, nông sản, nhu yếu phẩm và hỗ trợ cả về nhân lực phòng, chống dịch cho các địa phương khác chống dịch. Lần đầu tiên địa phương thu ngân sách đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng, lọt tốp 36 tỉnh vượt thu trong năm 2021, vượt chỉ tiêu thu ngân sách Trung ương giao.
 
Dẫu biết rằng năm 2022 sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, và những khó khăn của vùng Tây Nguyên, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của người dân, tin rằng cái khó cũng sẽ biến thành dễ, cái “không thể” sẽ trở thành “có thể”, để khát vọng vươn lên trở thành tỉnh có thu nhập khá, dần dần thoát khỏi “bao cấp” ngân sách của Trung ương sẽ sớm được hiện thực hóa, và cuộc sống no ấm, tươi đẹp sẽ hiện hữu khắp mọi nẻo của tỉnh Lâm Đồng.
 
NGUYÊN TH

Báo Lâm Đồng