Quốc hội thảo luận ở tổ về Điều 60, Luật BHXH (sửa đổi): Có nhất thiết phải sửa?
25/05/2015 09:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Điều 60 của Luật BHXH (sửa đổi). Đây là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận và đông đảo NLĐ. Vì vậy, nội dung này đã có nhiều đóng góp ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội.
Điều 60 là tiến bộ, phù hợp
Phát biểu ý kiến thảo luận ở các tổ, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật thì một luật hoặc một phần của văn bản luật khi triển khai áp dụng vào thực tiễn mà không phù hợp, hoặc lạc hậu thì việc phải sửa đổi là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, trong trường hợp Điều 60 chưa có hiệu lực thi hành mà phải sửa là việc chưa có tiền lệ. Quốc hội cần cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định sửa hay không sửa bởi vì Điều luật này không có gì sai, làm thiệt hại cho NLĐ mà nó hoàn toàn tiến bộ, đem lại lợi ích lớn hơn cho NLĐ và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Hơn nữa, cũng chỉ có một bộ phận NLĐ không đồng tình, trong khi chúng ta còn chưa thực thi Luật BHXH (sửa đổi) nên chưa thể có đánh giá tác động toàn diện được.
Từ góc độ của một người có kinh nghiệm nhiều năm thực tế làm việc trực tiếp với NLĐ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (đoàn Thanh Hóa) chia sẻ, tại công trường xây dựng công trình thủy điện Sông Đà, thời điểm đầu những năm 1990, có hàng chục ngàn công nhân đã nhận chế độ trợ cấp BHXH một lần theo Quyết định 176 của Hội đồng bộ trưởng. Nhưng sau đó rất nhiều NLĐ sau khi tiêu hết số tiền trợ cấp thì cuộc sống rất khó khăn, nhiều người tiếp tục đi làm việc nhưng không được cộng nối thời gian đóng BHXH do đã “trót” nhận chế độ một lần. Hậu quả là việc giải quyết vấn đề “hậu Sông Đà” rất dai dẳng, lâu dài.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho biết: Khi thông qua Luật BHXH (sửa đổi), Quốc hội đã thể hiện ý chí toàn dân. Tôi cho rằng phương án đó rất là tốt, đảm bảo lợi ích quyền lợi sau này cho những người tham gia BHXH. Chúng ta phải nhìn nhận là, trong khi hầu hết các tỉnh khác không có chuyện đó, các KCN khác cũng không xảy ra, mà chỉ riêng khu vực đó (một số công nhân ở TP.HCM, Long An- PV) mới xảy ra vấn đề này. Vấn đề ở đây chủ yếu là do công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa tốt, chưa sát tới NLĐ.
“Theo tôi, chủ trương của Đảng và Nhà nước đảm bảo an sinh cho NLĐ là tốt và rất đúng rồi. Do đó, cần phải tuyên truyền giáo dục cho NLĐ hiểu. Cá nhân tôi luôn bảo lưu ý kiến chủ trương đường lối rất sáng suốt đó, nó sẽ đảm bảo cuộc sống an sinh về lâu về dài. Bởi, sau này nếu NLĐ hết tuổi lao động mà không có lương hưu thì sẽ rất khó khăn cho chính cuộc sống của họ”- Đại biểu Khánh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) cho rằng: Chúng ta phải khẳng định, Điều 60 đã thể hiện sự ưu việt, sự chăm lo của Nhà nước đối với công tác ASXH và với chính sách này đã tạo cơ hội cho những NLĐ không có điều kiện để tham gia BHXH thường xuyên có điều kiện tích lũy, cộng dồn, để có điều kiện hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi nhận định, chỉ một bộ phận NLĐ không tán thành Điều 60, những người này có thời gian đóng BHXH ngắn, sau khi nghỉ việc thì không tiếp tục tham gia vào thị trường lao động và không có khả năng và nguyện vọng tiếp tục đóng BHXH. Tuy nhiên, trong số này cũng có những người do chưa hiểu chính sách, chưa hiểu được tính ưu việt của chính sách, cho nên có phản ứng tự phát.
"Chính vì vậy, đặt ra vấn đề, đó là tại sao Điều này đáp ứng quan điểm của Đảng và phù hợp với Hiến pháp thì tại sao phải sửa? Và nếu sửa thì cái được là gì? Hệ lụy là gì? Tác động là gì? Tôi thấy, nếu sửa điều này thì chỉ được điều duy nhất là giải quyết được khó khăn trước mắt cho một bộ phận NLĐ, còn tác động lâu dài đối với chính sách là không tốt. Với việc này thì số người hưởng trợ cấp một lần sẽ tăng lên, số người về già không có lương hưu tăng, NSNN cũng phải tăng chi hỗ trợ cho những người không có lương hưu. Và điều này sẽ làm mất đi tính đúng đắn của chính sách BH hưu trí và không phải là đảm bảo ASXH nữa”- Đại biểu Nhi thẳng thắn.
Giải pháp nào?
Đưa ra giải pháp xử lý đối với kiến nghị của công nhân về Điều 60, Đại biểu Đinh Xuân Thảo- Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, cho biết: Tốt nhất là chúng ta không nên sửa, vì điều này là đúng rồi. Tuy nhiên, nếu cần thiết, Quốc hội có thể ra Nghị quyết về lộ trình thực hiện Điều này, để sau này không cần sửa luật nữa.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cũng kiến nghị không sửa Điều 60 bởi những lo ngại sửa việc Luật sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra đến năm 2020 có 50% lao động tham gia BHXH và ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống các chính sách đang rất đồng bộ hiện nay như chính sách BH thất nghiệp, giải quyết việc làm.
Nhìn lại quá trình thẩm tra, lấy ý kiến tiếp thu, chỉnh lý và thông qua Luật BHXH (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son (đoàn Hà Nội) cho rằng, Quốc hội đã thực hiện đúng quy trình quy phạm pháp luật, được lấy ý kiến rộng rãi từ tất cả các đối tượng liên quan. Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần đầu, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét thông qua. Tuy nhiên, chính NLĐ, là người bị tác động của Luật, lại không hiểu rõ chính sách là do công tác tuyên truyền không đầy đủ.
Đại biểu Nguyễn Bắc Son cho rằng, Luật chưa thi hành đã sửa đổi là không nên mà Quốc hội nên ra nghị quyết cho NLĐ vẫn được hưởng BHXH một lần nhưng vẫn giữ được tính ổn định của pháp luật, bảo đảm thực thi trong tương lai. “Chính sách ưu việt nhưng không phù hợp thực tiễn. Nhưng lúc này không nên sửa mà nên ra Nghị quyết và có lộ trình thực hiện. Nếu luật chưa thi hành đã sửa bây giờ, nhiều thế lực thù địch sẽ lợi dụng điều này đấu tranh, chống phá chúng ta”- Đại biểu Son nói.
Trong khi đó đại biểu Đinh La Thăng nhấn mạnh: Chúng ta cần tuyên truyền, phổ biến để cho NLĐ hiểu được Quốc hội làm Luật này là vì lợi ích lâu dài của người dân, chứ không phải là do Quốc hội chưa nghiên cứu thấu đáo, chưa rõ ràng mà Luật chưa áp dụng đã phải kiến nghị sửa.
Theo ông Thăng, không nên sửa Luật, nếu cần thiết thì Quốc hội có thể ra Nghị quyết giao cho Chính phủ điều chỉnh, hướng dẫn lại Điều 60, sao cho phù hợp, hài hòa hơn.
Còn đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi thì đưa ra giải pháp: Quan điểm cá nhân tôi là không sửa Điều 60. Trước tiên, từ nay đến 1/1/2016, thời điểm Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, chúng ta tiếp tục làm thật tốt công tác tuyên truyền phổ biến Luật, nhất là phần BH hưu trí. Cơ quan BHXH cũng cần có nhiều ví dụ cụ thể chứng minh cho việc tham gia BHXH để hưởng lương hưu có lợi hơn so với hưởng trợ cấp một lần, qua đó giúp cho NLĐ hiểu rõ chính sách. Chính phủ cũng nên có giải pháp hỗ trợ những khó khăn trước mắt cho NLĐ, như: Chế độ thôi việc, BH thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo dạy nghề và tìm việc làm cho NLĐ…; đồng thời, tuyên truyền để NLĐ có điều kiện nghiên cứu kỹ Luật, qua đó sáng suốt lựa chọn. Đặc biệt, cần giao cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền thật tốt Luật BHXH, để tạo đồng thuận từ NLĐ.
Từ nhìn nhận hiện nay, điều kiện sống và làm việc của một bộ phận lao động ở khu vực phi chính thức còn bấp bênh, có nguyện vọng nhận lại số tiền tham gia BHXH, Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (đoàn Quảng Ninh) đồng tình với quan điểm có thể điều chỉnh theo hướng trước mắt mở rộng điều kiện cho phép NLĐ lựa chọn nhận chế độ BHXH một lần. Song, cần xây dựng điều kiện để NLĐ thấy trách nhiệm tham gia BHXH, không chỉ đòi quyền lợi trước mắt mà không nghĩ đến trách nhiệm, quyền lợi lâu dài. Cùng với đó, nên nghiên cứu các điều kiện cụ thể để được nhận BHXH một lần và tích lũy lại để hưởng lương hưu.
Đại biểu Nguyễn Văn Danh (đoàn Tiền Giang) thì nhấn mạnh việc nếu giải quyết cho hưởng BHXH một lần chỉ là biện pháp tình thế, chỉ đáp ứng cho một bộ phận NLĐ. Vì vậy, cần đánh giá đầy đủ, mọi góc độ, khía cạnh và điều quan trọng là phải giảm dần số người không có lương hưu khi về già, giảm bớt gánh nặng cho nhà nước và cho xã hội.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (đoàn Thanh Hóa) cho biết: Trong quá trình tham vấn ý kiến xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) đều không có ý kiến phản đối Điều 60. Qua thảo luận và thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7, thứ 8, cũng không có phản đối, chỉ có một số ý kiến đóng góp kiến nghị thì đã được tiếp thu đưa vào chỉnh lý.
Vì vậy, đại biểu Lợi đề nghị Quốc hội lấy ý kiến từng đại biểu Quốc hội về việc sửa hay không sửa Điều 60, Luật BHXH (sửa đổi).
Theo Báo BHXH (baobaohiemxahoi.vn)
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Thông báo danh sách các cá nhân đoạt ...
Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm ...
Đà Lạt: Tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm với 250 doanh ...
Lạc Dương phát động ra quân tuyên truyền vận động người dân ...
Cuộc thi “Tìm hiểu chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y ...