ASEAN tiến tới một thị trường lao động thống nhất
24/04/2015 03:04 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong 2 ngày (22 – 23/4), tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Ban Thư ký ASEAN, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đồng tổ chức hội thảo “Đối thoại chính sách khu vực về Nhân sự Đào tạo nghề”.
Hội thảo được tổ chức với mục đích tăng cường hợp tác khu vực và nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở Đông Nam Á cũng như thúc đẩy trao đổi giữa các đối tác khu vực và song phương, qua đó đặt nền móng cho hợp tác bền chặt; xây dựng căn cứ cho đối thoại kỹ thuật và các nhóm công tác về các đề tài liên quan tới đào tạo nghề, thống nhất các mục tiêu và các bước hành động tiếp theo trong tương lai. Các đại biểu từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã có mặt để cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan đến nhân sự dạy nghề - một chủ đề chưa có sự quan tâm thỏa đáng và chưa được coi là một chủ đề nóng ở các quốc gia. Với mục tiêu trở thành một cộng đồng kinh tế vững mạnh, đồng thời đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu, ASEAN đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới chương trình cải cách chất lượng dạy nghề do Chính phủ Đức tài trợ. Cụ thể, tại Hà Nội năm 2012, Chính phủ CHLB Đức đã phối hợp tổ chức một hội thảo khu vực đầu tiên về dạy nghề. Tiếp theo đó là hội nghị lần thứ 2 tại Indonesia năm 2014 với chủ đề “Đảm bảo chất lượng dạy nghề và chuẩn bị cho cộng đồng kinh tế ASEAN” và trong tháng 12 năm nay Lào sẽ là quốc gia đăng cai hội nghị lần thứ 3.
Theo Tiến sỹ Nils Geissler - Giám đốc Chương trình "Hợp tác Khu vực về Cải cách Đào tạo Nhân sự ngành Đào tạo nghề", "Đối thoại chính sách khu vực về Nhân sự Đào tạo nghề" gắn liền với các xu hướng đang diễn ra và các sáng kiến về dạy nghề tại Đông Nam Á. Có thể nói đây không chỉ là một cuộc đối thoại theo nghĩa thông thường, một cơ hội để tăng cường giao lưu nghiệp vụ mà quan trọng hơn là nỗ lực nhằm đưa các đối tác/các bên liên quan đến gần với nhau và đặt nền móng cho sự hợp tác cùng tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục và dạy nghề của khu vực ASEAN. Các đại biểu cũng thống nhất rằng, đối thoại chính sách khu vực về nhân sự đào tạo nghề sẽ không bao giờ có thể giải quyết thông qua một khía cạnh, đặc biệt trong bối cảnh khu vực ASEAN với đặc điểm nổi trội là sự đa dạng về kinh tế và văn hóa xã hội. Thay vào đó để phù hợp với khẩu hiệu “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương” mỗi quốc gia cần phải giải quyết các cấp chính sách khác nhau. Trong đó bao gồm: những góc nhìn từ nội tại mỗi nước cho đến quá trình hội nhập kinh tế khu vực để thiết lập các điều kiện khung về đào tạo nhân sự dạy nghề.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên của mô hình đối tác công – tư với thực tế không có khối doanh nghiệp tư nhân thì các hệ thống dạy nghề sẽ không thể thực hiện đào tạo theo nhu cầu và như vậy có nghĩa là đào tạo không hiệu quả. Do đó, một thị trường lao động chung của khu vực sẽ hình thành với hơn 600 triệu dân, đòi hỏi sự tương đồng về chất lượng, thích nghi của người lao động giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, hiện nay, có một thực tế là hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn tập trung quá ít vào thị trường lao động. Các tổ chức giáo dục nghề nghiệp ở mỗi quốc gia hiện đang còn hạn chế trong năng lực về mặt số lượng cũng như chất lượng để đáp ứng cho thị trường lao động. Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến quá trình này là thiếu cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao và thiếu đội ngũ giáo viên dạy nghề có khả năng thực hiện các hoạt động giảng dạy chuyên nghiệp. Bài toán điều kiện để phát triển nguồn nhân lực và nội dung các chương trình bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề theo các nhu cầu của thị trường vẫn còn đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, Cộng đồng kinh tế chung ASEAN được hình thành vào cuối năm 2015 sẽ đem đến rất nhiều thay đổi cho khu vực. Một trong số đó là sự hình thành của một thị trường lao động lớn, đòi hỏi quá trình thích ứng của các quốc gia thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt cần sự hài hòa hơn nữa trong khu vực về các khía cạnh khác nhau của hệ thống đào tạo nghề, bao gồm các cơ chế đảm bảo chất lượng và phát triển nhân sự ngành đào tạo nghề. Với riêng Việt Nam, Thứ trưởng cho rằng: Chúng ta đã có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 và Chiến lược phát triển dạy nghề 2011 – 2020 nhằm mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, thiết lập lại mô hình tăng trưởng với mục tiêu phát triển đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao cho nguồn nhân lực. Chính vì vây, đối thoại chính sách khu vực về đào tạo nghề là một cơ hội rất tốt để Viêt Nam có dịp trao đổi với các quốc gia về giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, chúng ta có thể xây dựng tiêu chuẩn về chất lượng lao động để có thể cạnh tranh được với lao động nước ngoài trước thực tế trình độ lao động Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Sau khi hội thảo kết thúc, các nhóm công tác trong chương trình tiếp tục sẽ làm việc trong các tháng tiếp theo với các chủ đề: Tiêu chuẩn chung cho nhân sự ngành đào tạo nghề; Thách thức và cơ hội của việc thực hiện khung tham chiếu trình độ ASEAN liên quan tới nhân sự đào tạo nghề; Thông lệ quốc gia và khu vực cho trình độ nhân sự đào tạo nghề.
Theo NLĐO, ĐCSVN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Thông báo danh sách các cá nhân đoạt ...
Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm ...
Đà Lạt: Tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm với 250 doanh ...
Lạc Dương phát động ra quân tuyên truyền vận động người dân ...
Cuộc thi “Tìm hiểu chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y ...