Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng lên 1.318.000 đồng

24/02/2015 08:55 AM


Theo quy định mới của Chính phủ, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ tăng từ 1.220.000 đồng lên 1.318.000 đồng.

Nghị định số 101/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo lộ trình cải cách tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng của Chính phủ đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Tuy nhiên, do chỉ số giá tiêu dùng tăng nên đã ảnh hưởng đến đời sống của người có công và thân nhân trong gia đình. Vì vậy, để góp phần cải thiện đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân của họ, Chính phủ đã ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2013/NĐ-CP theo hướng tăng mức trợ cấp, phụ cấp. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ tăng từ 1.220.000 đồng lên 1.318.000 đồng.

Cụ thể, mức phụ cấp, trợ cấp của một số đối tượng người có công như sau: Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là 1.318.000 đồng/tháng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ là 2.636.000 đồng/tháng; đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên, mức trợ cấp là 3.954.000 đồng/tháng; trợ cấp tiền tuất đối với vợ hoặc chồng liệt sỹ lấy chồng hoặc lấy vợ khác (diện không hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng) là 1.318.000 đồng/tháng. Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ như trên và hưởng phụ cấp 1.105.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp đối với người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình là 1.318.000 đồng/tháng.Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng trợ cấp 1.105.000đồng/tháng. Liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng 500.000 đồng/năm. Trợ cấp ưu đãi đối với con của người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục mầm non là 200.000 đồng/năm; tại cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 250.000 đồng/năm; tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học, phổ thông dân tộc nội trú là 300.000 đồng/năm...

7 đối tượng chính sách xã hội được miễn, giảm giá vé tàu

Theo Nghị định số 14/2015/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành, có 7 đối tượng chính sách xã hội được hưởng chế độ miễn, giảm giá vé đi tàu, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng; Trẻ em dưới 6 tuổi.

Cụ thể, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được giảm 90% giá vé. Các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc màu da cam; người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được giảm 30% giá vé. Việc giảm giá vé được áp dụng theo giá vé bán thực tế của loại chỗ, loại tàu mà hành khách sử dụng.

Miễn vé áp dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi đi cùng người lớn. Trẻ em được miễn vé phải sử dụng chung chỗ của người lớn đi cùng. Mỗi người lớn được kèm không quá 2 đối tượng miễn vé đi cùng. Trường hợp đối tượng chính sách xã hội đi tàu được hưởng từ 2 chế độ giảm giá vé trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ giảm giá vé cao nhất. Người được miễn, giảm giá vé tàu phải xuất trình giấy chứng nhận thuộc đối tượng quy định cùng giấy tờ tùy thân khi mua vé và khi đi tàu.

Theo ĐCSVN