Bảo đảm An sinh xã hội trong quá trình hội nhập
12/01/2015 02:39 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2015, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Liệu Cộng đồng kinh tế ASEAN có mang lại những thay đổi tích cực cho Việt Nam hay không, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách thị trường lao động, mở rộng hệ thống An sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Có thể thấy năm 2014 vừa qua, cùng với việc tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, Việt Nam đã có sự chuẩn bị để tham gia vào quá trình hội nhập này.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động
Theo thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam gần 54 triệu người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động không có nhiều biến động, duy trì ở mức 77,5%. Tuy nhiên, hơn 22 triệu người không có chứng chỉ bằng cấp đang làm những nghề đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật, điều này phản ánh nguồn cung lao động không đáp ứng yêu cầu chuyên môn kỹ thuật. Trái lại, 0,75 triệu người có trình độ đại học và trên đại học đang làm các nghề yêu cầu chuyên môn kỹ thuật thấp hơn. Khoảng 45% số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chưa qua đào tạo; chỉ có 18,38% số lao động có bằng cấp, chứng chỉ qua đào tạo (trong đó 7% là lực lượng lao động có bằng đại học trở lên)... Báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cho thấy, sự ra đời của AEC năm 2015 sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng việc làm tại Việt Nam thêm 10,5% và nhu cầu đối với việc làm tay nghề trung bình sẽ tăng ở mức 28%. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu này, cần phải có những thay đổi mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh các cơ sở đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động để nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Thực hiện nhiệm vụ của ngành, thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển dạy nghề 2011-2020, Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển 45 trường nghề chất lượng cao, trong đó có 10 trường đạt chuẩn quốc tế; Đề án đổi mới công tác dạy nghề trong giai đoạn hiện nay... Đồng thời, Luật Giáo dục nghề nghiệp với nhiều điểm mới cũng đã được thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa 13, đây chính là bộ khung pháp lý quan trọng để đẩy mạnh cơ sở đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Để làm được điều này, các trường nghề chất lượng cao phải tập trung vào các nghề trọng điểm, thiết lập khung trình độ kỹ năng quốc gia đủ mạnh để có thể công nhận kỹ năng tay nghề của người lao động trong khu vực, bảo đảm chất lượng lao động cho các chủ sử dụng lao động tiềm năng. Đồng thời, tăng cường hệ thống thông tin, phân tích và dự báo về thị trường lao động sẽ giúp các cơ sở giáo dục và đào tạo có thể đáp ứng về nhu cầu của các doanh nghiệp và các ngành kinh tế, đào tạo được nguồn lao động có tay nghề trong khối AEC.
Lộ trình tiền lương bảo đảm mức sống tối thiểu
iện nay, năng suất lao động và mức tiền lương của Việt Nam khá thấp so với các nền kinh tế ASEAN khác, như Malaysia, Singapore và Thái Lan. Tiền lương chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Theo lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu, song do tình hình kinh tế khó khăn nên số đông doanh nghiệp đề nghị kéo dài lộ trình đến năm 2020. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế, nhu cầu về lao động được dự báo sẽ ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, tiền lương của người lao động có được tăng hay không còn phụ thuộc vào năng suất và chất lượng của người lao động. Việt Nam đã có bốn lần cải cách tiền lương. Trong lần cải cách gần đây nhất từ năm 2004, chính sách tiền lương đã dựa trên nguyên tắc thị trường và hội nhập, tách bạch tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp (phụ thuộc ngân sách) và tiền lương đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Năm 2013, Hội đồng tiền lương quốc gia được thành lập, dựa trên cơ chế đối thoại ba bên: Chính phủ, người lao động và doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho công đoàn và đại diện của người sử dụng lao động được tham gia trực tiếp vào đàm phán thỏa thuận mức lương tối thiểu. Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục cải cách tiền lương theo cơ chế thị trường, có sự quản lý Nhà nước, tạo động lực tăng năng suất lao động. Cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế, Việt Nam sẽ tái cơ cấu nguồn lực lao động, chú trọng lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động. Tiền lương tối thiểu tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình bảo đảm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Đồng thời, Hội đồng tiền lương quốc gia tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường và tăng cường thương lượng tiền lương, đây sẽ là cơ sở bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Báo cáo Tiền lương Toàn cầu mới nhất của ILO cho thấy, trong năm 2013, số lao động làm công ăn lương chỉ chiếm 34,8% trong tổng số lao động có việc làm tại Việt Nam (tăng cao so với mức 16,8% của năm 1996), thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình hơn 50% của thế giới, nhưng tỷ lệ này được dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Giám đốc ILO tại Việt Nam cho rằng, chính sách và thể chế xác lập tiền lương cần được cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đang thay đổi và bảo đảm rằng việc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, xác lập mức lương tối thiểu và thương lượng tập thể là hai công cụ quan trọng, bổ trợ cho nhau trong hệ thống điều chỉnh tiền lương của một nền kinh tế thị trường. Trong khi mức lương tối thiểu bảo vệ những người lao động nghèo nhất, thì thương lượng tập thể đem lại cơ hội điều chỉnh tiền lương cho những người có thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu. Việc phát triển quan hệ lao động hài hòa có thể giúp doanh nghiệp và người lao động thích ứng với những thay đổi do hội nhập sâu rộng hơn ở cấp khu vực và toàn cầu mang lại. Tuy nhiên, việc đổi mới chính sách tiền lương cần phải đồng bộ, cùng với việc xây dựng chính sách tiền lương đối với khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cũng cần xem xét và đổi mới chính sách tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp. Việc đổi mới chính sách tiền lương khu vực này cần xem xét, tính toán tới việc tinh giản bộ máy hưởng lương từ ngân sách nhà nước để hoạt động hiệu quả, đồng thời bảo đảm mức sống của cán bộ công chức, viên chức.
Bảo đảm An sinh xã hội cho người dân
Năm 2014, đã có 1,2 triệu lao động được tạo việc làm, khoảng 105 nghìn lao động được đưa đi làm việc tại nước ngoài, đạt hơn 110% so với kế hoạch đề ra, ước cả năm khoảng 1,6 triệu lao động có việc làm mới. Số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt hơn 11,5 triệu người, trong đó có khoảng 190 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt khoảng 72% dân số. Chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả; các bộ, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản và đầu tư phát triển hạ tầng ở những địa bàn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cả năm giảm khoảng 1,8 - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%... Năm 2014, việc bảo đảm an sinh xã hội được thể hiện qua những con số tích cực, cùng với đó, việc một loạt các luật quan trọng được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, như Luật Việc làm, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, và Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/7/2015... sẽ là những khung pháp lý quan trọng để tiếp tục thực hiện các chính sách bảo đảm An sinh xã hội cho người dân. Trong đó, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH, với những giải pháp mạnh mẽ sẽ là hai luật quan trọng bảo đảm, mở rộng hệ thống an sinh xã hội cho người dân.
Theo KH&DT
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
LỄ TỔNG KẾT VÀ TRAO GIẢI CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Thông báo danh sách các cá nhân đoạt ...
Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm ...
Đà Lạt: Tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm với 250 doanh ...
Lạc Dương phát động ra quân tuyên truyền vận động người dân ...