Phớt lờ an toàn lao động

06/12/2013 09:15 AM


Mỗi năm, cả nước có hàng ngàn lao động chết và bị thương vì tai nạn lao động, tỉ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng...


Công nhân Công ty Cổ phần Găng tay Khải Hoàn (Bình Dương) luôn được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động.

Ông Đỗ Trần Hải - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ lao động Việt Nam - cho rằng trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhiều nghề, nhiều công đoạn sản xuất với công nghệ mới, sử dụng các loại hóa chất độc hại làm phát sinh nhiều yếu tố nguy hiểm đối với an toàn và sức khỏe người lao động (NLĐ). Thế nhưng, công tác an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) chưa được coi trọng đúng mức. Nhận định trên được ông Hải đưa ra tại hội thảo về chiến lược khoa học công nghệ trong lĩnh vực AT-VSLĐ tổ chức ở TP HCM mới đây.

Ý thức các bên còn kém

Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong nhiều năm liên tiếp, các tỉnh - thành phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM… luôn đứng đầu cả nước về số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) và số vụ TNLĐ gây chết người. Đơn cử như tại Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 1.001 vụ, Bình Dương 199 vụ... Riêng tại TP HCM, 9 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 76 vụ TNLĐ làm chết 78 người, tăng 12 người so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do NLĐ và người sử dụng lao động thiếu ý thức chấp hành công tác AT-VSLĐ.

Bà Mai Thị Kim Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tây Ninh, cho biết trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể chủ yếu là về vấn đề tiền lương, thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi…, chứ chưa hề có cuộc tranh chấp nào do NLĐ đòi được bảo đảm về AT-VSLĐ, môi trường làm việc, mặc dù những vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của họ. Điều đó chứng tỏ nhận thức của NLĐ về an toàn lao động rất hạn chế. Qua kiểm tra, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp (DN) ở Tây Ninh có huấn luyện AT-VSLĐ theo quy định; các vụ tai nạn chết người từ năm 2007 đến nay xảy ra chủ yếu do NLĐ chưa được huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đúng về AT-VSLĐ.

Theo ông Dương Chí Thạch, Phó Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Dương, nhiều DN ở địa phương này “quên” hẳn việc đầu tư cho công tác AT-VSLĐ. “Qua kiểm tra cho thấy tình trạng môi trường lao động bị ô nhiễm về ánh sáng, tiếng ồn chiếm tỉ lệ cao, đặc biệt là hơi khí độc. 100% mẫu đo kiểm tại các DN sản xuất liên quan đến bụi chì đều vượt chuẩn” - ông Thạch nói.

Nhân lực vừa thiếu vừa yếu

Đa số các đại biểu cho rằng hiện đang rất thiếu cán bộ có chuyên môn về AT-VSLĐ. Theo bà Mai Thị Kim Hoa, hiện tỉnh Tây Ninh chưa thể biên soạn được quy trình AT-VSLĐ cho từng công việc, máy móc thiết bị và khâu sản xuất. Việc huấn luyện cho NLĐ cũng không làm đến nơi đến chốn vì thiếu cán bộ am hiểu về AT-VSLĐ. Bà Nguyễn Thúy Lan Chi, quyền Trưởng Khoa Môi trường và Bảo hộ lao động Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết nhu cầu nhân lực về ngành AT-VSLĐ rất lớn, minh chứng là 100% sinh viên của khoa tốt nghiệp đều có việc làm, thậm chí nhiều sinh viên được DN tuyển dụng ngay trong thời gian thực tập.

Thực tế là vậy nhưng theo các đại biểu, công tác đào tạo hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, sinh viên học chay, không có phòng thí nghiệm, không được đi tham quan, thực tập; cán bộ không có kiến thức bao quát mà chỉ biết một lĩnh vực hoặc là bảo hộ lao động hoặc môi trường. Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Trần Hải, hầu hết đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ chuyên môn cao như tiến sĩ, thạc sĩ đều ở độ tuổi 51 đến ngoài 60. Sau đội ngũ này coi như bị hẫng một thế hệ vì không có lớp kế cận. Trong khi đó, hằng năm, nhà nước đều dành kinh phí cho cán bộ trẻ đi học tập ở nước ngoài nhưng không tìm ra người đủ tiêu chuẩn.

Xây dựng văn hóa an toàn lao động

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cho rằng để bảo đảm AT-VSLĐ, nguyên tắc phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu. Mỗi DN nên xây dựng văn hóa an toàn lao động như một bộ phận cơ bản, chính yếu của văn hóa DN. Xây dựng văn hóa an toàn lao động là thực hiện trách nhiệm xã hội của DN về an toàn và sức khỏe cho NLĐ - một trong những điều kiện quan trọng để DN hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Theo Người lao động