BHYT - biện pháp hiệu quả đảm bảo chăm sóc sức khoẻ lao động di cư

29/04/2014 03:57 AM


Tại nhiều tỉnh, thành phố có ngành công nghiệp phát triển, lao động di cư đã và đang đóng vai trò là lực lượng lao động quan trọng. Tuy nhiên việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này chưa được quan tâm, thực hiện nhiều. Tham gia BHYT là phương thức tốt nhất giúp nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho lao động di cư.


Lao động di cư chiếm tỷ lệ ngày càng lớn tại các khu công nghiệp

Cuộc sống di cư ngày càng khó khăn

Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, trong 10 năm (từ năm 1999 - 2009), số dân di cư giữa các tỉnh, thành phố tăng từ 02 triệu lên 3,4 triệu người. Tại TP. HCM tỷ lệ số dân di cư chiếm 31% dân số, thậm chí, 07/24 quận/huyện của thành phố có 50% dân số là người di cư. Tại Hà Nội số dân di cư chiếm tới 10% dân số; tại Đà Nẵng con số này là 6,4%. Di cư từ nông thôn ra thành phố, tìm việc làm tại các khu công nghiệp, khu đô thị - đó là xu hướng di cư chủ yếu trong các năm gần đây. Đa số lao động di cư thường có trình độ học vấn hạn chế, khả năng tìm kiếm việc làm ổn định vì thế cũng rất thấp. Theo khảo sát của Tổ chức phi Chính phủ ActionAid (AAV), 62% người nhập cư làm việc trong khu vực phi chính thức, tức làm các công việc tự do (buôn bán hàng rong, giúp việc gia đình…) không được ký hợp đồng lao động. Khoảng 38% số còn lại được ký hợp đồng lao động, thường là công nhân, làm việc tại các khu công nghiệp nhưng mức lương được trả cũng khó đảm bảo cuộc sống của họ. 45% người di cư nói rằng họ gặp phải nhiều khó khăn vì không có nơi ở thích hợp, thiếu điện, thiếu nước, việc làm (Theo Điều tra di cư Việt Nam, 2004). Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc làm, thu nhập của lao động nhập cư không được ổn định; chi phí thuê nhà, sinh hoạt tại các khu đô thị cũng rất đắt đỏ khiến cuộc sống của họ thêm khó khăn.

BHYT - biện pháp hiệu quả đảm bảo chăm sóc sức khoẻ lao động di cư

Có thể thấy lao động di cư đã và đang trở thành lực lượng lao động quan trọng, đóng góp một phần rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế của các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố đang phát triển mạnh công nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...

Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhóm đối tượng này chưa được quan tâm, thực hiện. Thu nhập không ổn định, cuộc sống bấp bênh tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt – đó là những yếu tố khiến sức khoẻ của người di cư bị ảnh hưởng rất lớn. Đáng chú ý hơn, nữ giới đang chiếm tỉ lệ khá cao trong số những người di cư. Theo nghiên cứu của AAV nữ giới chiếm khoảng 67,6%; Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 cũng cho thấy thực trạng tương tự, nữ giới chiếm khoảng 50% trong số 3,4 triệu người di cư. Nữ giới di cư thường có xu hướng mang theo con nhỏ, hoặc mang thai khi sinh sống tại vùng nhập cư. Thực tế này khiến nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người họ ngày càng lớn. Ngoài việc khám, chữa bệnh của bản thân, người di cư còn có nhu cầu khám thai định kỳ, khám, chữa bệnh cho con nhỏ ốm đau…Nhu cầu ngày càng lớn nhưng thực tế vẫn chưa được đáp ứng nhiều, đặc biệt là với người nhập cư làm việc trong khu vực phi chính thức, lao động tự do. Thống kê của AAV cho thấy: chỉ 19,2% số này khám sức khỏe định kỳ; tại các khu đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ này còn thấp hơn (13,4%). Có thể thấy, do thu nhập thấp, không ổn định, không có khả năng tích luỹ tài chính là nguyên nhân khiến nhóm đối tượng này “ngại” đi khám, chữa bệnh.

Tham gia BHYT là biện pháp khả thi nhất đảm bảo chăm sóc sức khoẻ lao động di cư. Có BHYT lao động di cư sẽ giảm được một phần đáng kể chi phí khám, chữa bệnh; bệnh tật, ốm đau không còn là nỗi lo nặng gánh với họ. Tuy nhiên hiện tại, mức độ bao phủ BHYT với nhóm này khá thấp. Chỉ những người nhập cư được ký hợp đồng lao động mới tham gia BHYT theo diện bắt buộc. Số còn lại, tỷ lệ tham gia BHYT rất thấp.Theo khảo sát của AAV, tại TP. HCM chỉ có 9,4% lao động di cư (làm việc trong khu vực phi chính thức, không được ký hợp đồng lao động) tham gia BHYT. Theo quy định của Luật BHYT, đây là nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHYT tự nguyện. Tuy nhiên nhận thức hạn chế, khả năng tài chính có hạn là nguyên nhân khiến tỷ lệ tham gia BHYT tự nguyện của nhóm này ở mức rất thấp.

Để phát triển mở rộng diện tham gia BHYT của lao động di cư, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho nhóm đối tượng này, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm lao động này cũng là đảm bảo tình hình an ninh trật tự, qua đó đảm bảo nguồn lực phát triển sản xuất cho địa phương. Muốn vậy, chính quyền địa phương phải thay đổi nhận thức, coi việc di cư là một xu hướng tự nhiên của quá trình phát triển; cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ số lượng, nhân khẩu nhập cư, từ đó có các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, mở rộng diện tham gia BHYT nhóm này. Chính quyền địa phương cũng phải có tác động mạnh mẽ hơn nữa đến các doanh nghiệp trên địa bàn, tăng cường trách nhiệm, đảm bảo an sinh xã hội của các doanh nghiệp với công nhân, lao động di cư./.

Nguồn TC BHXH