Hà Nội góp ý về Luật BHYT sửa đổi

06/03/2014 08:40 AM


Đa số ý kiến cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật BHYT cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Sáng 4/3, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Đại diện các sở ban ngành, quận huyện và các bệnh viện tại Hà Nội tham gia góp ý vào dự thảo luật.

Tại hội nghị, đa số ý kiến cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật BHYT cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhằm thực hiện BHYT toàn dân.

Góp ý vào các điều khoản trong dự thảo luật, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội nêu ý kiến, trong dự thảo luật có quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập danh sách, xác định đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn chậm nhất 12 tháng kể từ ngày trẻ sinh ra là quá dài, nên rút ngắn xuống còn 6 tháng để đảm bảo công bằng, giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Hòa cũng cho rằng, quy định trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến lên bệnh viện tuyến Trung ương, bảo hiểm chỉ chi trả 20% cho bệnh nhân ngoại trú và 30% cho người bệnh nội trú là không công bằng giữa người khám bệnh nội trú và ngoại trú.

“Tôi đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội nghiên cứu và có ý kiến về vấn đề này”, ông Nguyễn Đức Hòa nói.


Hội nghị góp ý Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT (Ảnh VOV)

Góp ý khoản 1, điều 2, dự thảo luật, có ý kiến đề nghị nên quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật chứ không nên quy định người dân có trách nhiệm tham gia. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại, nếu quy định như vậy sẽ khó thực hiện trong điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay. Vấn đề khám chữa bệnh bằng BHYT cho người bị tai nạn giao thông, trong dự thảo luật vẫn chưa có điều khoản cụ thể, gây khó khăn cho cơ sở y tế và việc chi trả của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bà Lưu Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị: “Hiện chưa có quy định cụ thể trong khám chữa bệnh cho người bị tai nạn giao thông. Quy định hiện nay cũ, không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội. Đề nghị cần nghiên cứu thêm vấn đề này để bổ sung vào luật”.

Để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, bà Đào Hồng Chinh - Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Long Biên đề nghị cho phép người đăng ký khám chữa bệnh ở tuyến quận, huyện có thể khám chữa bệnh ở tuyến xã.

Theo bà Chinh, hiện nay, hầu hết trạm y tế đã có bác sĩ và có thể khám chữa các bệnh thông thường. Về quy định danh mục thuốc BHYT, một số ý kiến đề nghị không nên hạn chế danh mục thuốc BHYT mà nên quy định mức tối đa chi trả để dành quyền kê đơn thuốc cho bác sĩ nhằm tránh tình trạng kê nhiều thuốc nhưng thuốc không có hiệu quả điều trị cao nhất.../.

Theo Lan Hương (VOV)