Quy định đóng BHXH cho lao động giúp việc gia đình: Băn khoăn tính khả thi

21/04/2014 09:45 AM


Nghị định 27 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết về một số điều của bộ Luật Lao động liên quan đến người giúp việc gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5 tới. Tuy nhiên, bên cạnh sự phấn khởi của người lao động giúp việc, nhiều gia chủ lại bày tỏ sự băn khoăn về một số vấn đề trong quy định như: quá ưu ái người giúp việc và có nhiều điều khó khả thi.


Theo quy định trong Nghị định 27, giữa người lao động giúp việc gia đình và người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng, nội dung ghi rõ thỏa thuận về tiền lương, điều kiện ăn ở của người giúp việc, trách nhiệm của lao động…

Trong đó, tiền lương bao gồm cả chi phí ăn ở của người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Người giúp việc gia đình cũng sẽ được trả thêm tiền lương nếu làm ngoài thời gian trong hợp đồng hay ngày lễ, tết.

Đặc biệt, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế cho lao động giúp việc gia đình để người lao động tự lo bảo hiểm. Đây là những bước tiến đáng mừng trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động và đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong xã hội.

Khi biết được thông tin này, nhiều người giúp việc tỏ ra rất phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Phương ở Phú Xuyên, Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất mừng vì nghề giúp việc cũng được coi là một nghề mà không bị ai coi thường. Vì những người như chúng tôi đi làm nghề này thường bị mọi người dị nghị, coi là người ở, là ôsin. Nhưng từ nay trở đi, chúng tôi rất vui vì được tham gia bảo hiểm, khi về già được hưởng lương, không phải nhờ đến con cháu”.

Ngoài quy định về mức lương tối thiểu, Nghị định còn quy định chi tiết thời gian làm việc và nghỉ ngơi đối với người lao động giúp việc gia đình. Theo đó, người giúp việc gia đình cần phải được nghỉ ít nhất 8 tiếng/ngày, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục. Mỗi tuần, người giúp việc phải được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục hoặc bình quân ít nhất 4 ngày trong một tháng.

Trái ngược với sự phấn khởi của người lao động giúp việc, nhiều gia chủ tỏ ra băn khoăn về một số quy định, nhất là về thời gian nghỉ ngơi của người giúp việc. Chị Nguyễn Thị Kim Dung ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm cho biết, ngoài chi phí ăn ở, quần áo, tàu xe và tiền thuốc khi người giúp việc ở nhà chị bị ốm, thì mỗi tháng chị trả cho người giúp việc 3 triệu đồng. So với quy định, mức ưu đãi này đã cao hơn. Tuy nhiên, nếu phải trả thêm tiền cho người giúp việc đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, chi phí chị phải trả thêm hàng tháng sẽ bị đội lên rất nhiều. Đồng thời, việc quy định thời gian nghỉ mỗi tuần của người giúp việc sẽ gián tiếp gây khó khăn cho gia chủ.

Bên cạnh đó, trong Nghị định quy định thử việc trong 6 ngày là quá ngắn, giữa gia chủ và người giúp việc chưa hiểu rõ về nhau mà đã ký hợp đồng là khó.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung nói: “Bản thân người giúp việc họ đi làm là để giúp việc cho gia chủ. Chúng tôi thuê người giúp việc là cũng muốn mình đỡ đần được công việc trong nhà. Tuy nhiên, quy định giúp việc nghỉ ít nhất mỗi tháng 4 ngày, thì ví dụ thứ 7, chủ nhật, muốn dành thời gian cho con cái thì họ nghỉ, thì mình lại phải làm tất cả công việc từ cơm nước, lau dọn như thế thì rất mệt. Thuê giúp việc mà những ngày nghỉ lại không được nghỉ ngơi thì tính chất công việc không còn nữa”.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển (tổ chức đã tích cực vận động cho quyền của lao động giúp việc gia đình) Nghị định ra đời là bước ngoặt lớn nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như công nhận giúp việc gia đình là một nghề.

Song nhiều quy định tại Nghị định còn chung chung, không chỉ làm khó cho người sử dụng lao động mà còn khiến cơ quan quản lý gặp lúng túng, như chủ nhà phải ký hợp đồng với người lao động và thông báo với chính quyền sở tại, nếu không ký kết hợp đồng bằng văn bản sẽ bị phạt hành chính. Tuy nhiên, Nghị định lại không nêu rõ ai là người kiểm tra, giám sát nên rất khó có thể kiểm soát và đưa quy định này vào thực tiễn.

“Việc gia chủ phải trả một phần cùng với lương để người lao động tự mua bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, nếu chúng ta chỉ quy định, nói thế thôi thì sẽ không bao giờ thực hiện được. Người lao động không biết mua ở đâu, thủ tục như thế nào, việc mua bảo hiểm đối với người giúp việc mà chúng tôi khảo sát cho thấy quá xa xỉ. Bởi bản thân gia đình họ đang rất nghèo, thiếu tiền. Họ có tiền sẽ chi dùng ngay chứ không nghĩ tới việc mua bảo hiểm để được hưởng chế độ bảo hiểm. Vì thế trong vấn đề này cần sự hướng dẫn rất cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước”, nà Ngô Thị Ngọc Anh cho biết thêm.

Nghị định 27 của Chính phủ ra đời là bước tiến lớn nhằm đảm bảo quyền lợi cho người giúp việc, tránh được những rủi ro như người giúp việc bị gia chủ hành hạ, coi như người ở... Song nếu không có các chế tài cụ thể, cơ chế giám sát thì khó đi vào thực tiễn. Người dân mong chờ Nghị định này sẽ không bị buông lỏng giống như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, quy định phạt 1 triệu đồng nếu vợ chửi chồng hoặc chồng chửi vợ, cấm nghe điện thoại tại cây xăng./.

Theo VOV