42% nông dân không hài lòng với cuộc sống

16/07/2013 07:54 AM


Theo báo cáo “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn Việt Nam (Ipsard) vừa công bố, có tới 42% nông dân cho rằng họ không hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.


Hội thảo công bố báo cáo của Ipsard - Ảnh: Thùy Dung

Một trong những nguyên nhân khiến người nông dân không hài lòng, theo báo cáo, là do thu nhập không tương xứng với kết quả lao động mà họ bỏ ra.

Đây là cuộc điều tra do Ipsard thực hiện 2 năm một lần từ 2006 đến nay trên 12 tỉnh của cả 3 miền về đời sống của 3.000 hộ nông dân.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách (Ipsard), mức độ thu nhập, chi tiêu và hiệu quả sản xuất nông nghiệp đều khá lên trong những năm điều tra nhưng không đều nhau. Các tỉnh như Hà Tây, Long An, Lâm Đồng khá lên nhưng Lào Cai lại có xu hướng giảm.

Việc tích tụ ruộng đất rất chậm, trung bình nhiều hộ chỉ có 0,7 héc ta, ở miền núi có hộ ruộng cách nhau từ 10-15 km.

“Riêng đi bộ một ngày cũng hết thời gian, không thể làm được ruộng thứ hai” – ông Tuấn nói.

Trong khi đó, rủi ro tăng cao nên các hộ dân nông thôn rất khó để đầu tư mở rộng sản xuất. Về ngành nghề nông thôn, khả năng chuyển đổi ngành nghề còn chậm, tiền công, tiền lương, từ khu vực phi chính thức cũng không ổn định, rủi ro tăng.

Theo báo cáo, tiết kiệm của hộ gia đình nông thôn hiện nay rất thấp, chỉ vào khoảng 5-8 triệu đồng/hộ/năm, chiếm từ 10-15% thu nhập của mỗi hộ. Lý do đơn giản là hộ nông thôn còn quá nghèo.

Phần lớn tiết kiệm của họ (khoảng 80%) được giữ dưới dạng vàng hoặc tiền mặt và sử dụng cho mục đích dự phòng khi có rủi ro xảy ra về thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, tuổi già. Rất ít tiết kiệm được giữ cho mục đích đầu tư (chỉ chiếm 15% tổng số hộ điều tra).

Ngoài thu nhập và tích lũy thấp, báo cáo còn cho thấy có tới 50% số hộ gia đình nông thôn chịu các cú sốc về thu nhập, bao gồm cú sốc tập thể, tức là khi xảy ra cả làng, cả huyện, cả tỉnh cùng bị như thiên tai, bão, lũ lụt, dịch bệnh, giá cả bất ổn…và cú sốc cá nhân, chỉ gia đình bị, xảy ra khi có người chết, người ốm, kinh doanh thua lỗ, thu hồi đất…

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, các loại cú sốc có xu hướng tăng, nhất là cú sốc tập thể. Như thiên tai nhiều hơn, bão thường xuyên xảy ra, mức độ tàn phá cũng mạnh hơn; giá cả đầu vào tăng, nông sản, chăn nuôi, thủy sản làm ra không bán được hoặc bán dưới giá thành sản xuất….

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay, khả năng chống chịu của hộ gia đình nông thôn đối với cú sốc cũng giảm, hoặc có tăng được thì phải tiêu hết tiền tiết kiệm, đặc biệt là hộ nghèo, khả năng chống chịu chỉ có cách duy nhất là “thắt lưng buộc bụng”.

Bức tranh u ám là vậy, song theo cảm nhận của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bức tranh đời sống nông dân nông thôn còn xám hơn nhiều so với báo cáo đưa ra. Tuy nhiên, báo cáo này có cơ sở số liệu rõ ràng với những thông điệp chính sách lớn. Theo đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ thực tế không giúp được người dân bao nhiêu, họ phải nhờ nhiều hơn tới sự hỗ trợ của cộng đồng, vào nỗ lực bản thân, người thân và các kênh khác.

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard cho hay, những năm qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp và nông dân. Song, những chính sách này chưa đủ sâu, chưa đủ mạnh và chưa đúng cách. Mặt khác, có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, phát triển nông thôn vẫn chưa được khai thác.

“Trên cơ sở báo cáo này, Ipsard sẽ nghiên cứu để đề xuất chính sách mới, đổi mới đầu tư công để mở rộng những hướng phát triển mới, đặc biệt trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay” – ông Sơn chia sẻ.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn