Ủy ban Về các vấn đề xã hội: Thể chế hóa đầy đủ quyền được bảo đảm an sinh xã hội - quyền mới của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp

03/03/2014 09:21 AM


Hiến pháp 2013 đã ghi nhận một quyền mới của công dân, đó là, quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Tại tọa đàm do Ủy ban Về các vấn đề xã hội vừa tổ chức, các chuyên gia cho rằng, việc ghi nhận quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân trong Hiến pháp mới đã thêm một lần nữa khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên, để thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp thì cần thiết phải xác định rõ nội hàm khái niệm an sinh xã hội, phải thống nhất cách hiểu trong quá trình rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an sinh xã hội.

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận quyền về an sinh xã hội của công dân tại Điều 34: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Theo nguyên Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh, Điều 34 Hiến pháp 2013 là tuyên ngôn rõ ràng, minh bạch và bao quát cho tất cả công dân Việt Nam về quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Quy định này còn thể hiện một bước phát triển mới trong việc bảo đảm thực hiện các quyền công dân của Nhà nước. Nếu Hiến pháp năm 1992 mới chỉ hiến định những chính sách chủ yếu đối với những đối tượng nhất định, nghĩa là chưa đủ khả năng vật chất để che chắn cho mọi thành viên trong xã hội thì với Hiến pháp năm 2013, dù thực tế nền kinh tế vẫn đang bộn bề khó khăn nhưng Hiến pháp vẫn quy định an sinh xã hội thành một hệ thống, bao phủ cho mọi đối tượng trong xã hội. Điều quan trọng là, hiện thực hóa hệ thống an sinh xã hội này như thế nào?

Khái niệm an sinh xã hội đã được sử dụng chính thức trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Và trên thực tế, thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách an sinh xã hội cụ thể, góp phần bảo đảm đời sống cho người dân. Tuy nhiên, theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội Nguyễn Hữu Dũng, dù được nhắc đến khá nhiều nhưng hiện nay, cách hiểu và tiếp cận đối với an sinh xã hội vẫn chưa thống nhất. Vì thế, cần phải xác định thật rõ nội hàm của khái niệm an sinh xã hội và làm rõ, hệ thống an sinh xã hội bao gồm những tầng nấc như thế nào thì mới có thể thể chế hóa đầy đủ quyền hiến định của công dân.

Theo Gs.Ts Trần Ngọc Đường, an sinh xã hội được hiểu là một hệ thống duy trì thu nhập do Nhà nước quản lý nhằm tránh cho mọi người rơi vào tình trạng nghèo hoặc cứ nghèo mãi. Như vậy, quyền hiến định của công dân về an sinh xã hội tức là công dân được bảo đảm có thu nhập tối thiểu nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo đói khi không có việc làm hoặc không có thu nhập. Đây cũng là cơ sở để Nhà nước xây dựng một hệ thống duy trì thu nhập do Nhà nước quản lý nhằm bảo đảm cho công dân được hưởng quyền về an sinh xã hội. Tuy nhiên, Ts Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Khoa học, Lao động và Xã hội) cho rằng, cách hiểu này chưa phản ánh hết nội hàm khái niệm an sinh xã hội. Cần hiểu khái niệm an sinh xã hội ở phạm vi rộng hơn. Theo đó, quyền được bảo đảm an sinh xã hội phải được hiểu là quyền được Nhà nước và xã hội hỗ trợ, bảo đảm an toàn thu nhập ở mức tối thiểu khi không may gặp phải các rủi ro liên quan đến nhu cầu cơ bản của con người như rủi ro về sức khỏe, thiếu hoặc mất việc làm, tuổi già, trẻ em, tàn tật... dẫn đến không có thu nhập tạm thời hoặc vĩnh viễn so với mức tối thiểu đủ sống. Với cách hiểu này, việc thể chế hóa quyền an sinh xã hội sẽ gồm 4 nhóm chính sách cơ bản là: nhóm chính sách việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu; nhóm chính sách bảo hiểm xã hội; nhóm chính sách trợ giúp xã hội và nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tăng cường cho người dân tiếp cận hệ thống dịch vụ cơ bản ở mức tối thiểu. Theo Nguyên Viện trưởng Nguyễn Hữu Dũng, an sinh xã hội cần phải được hiểu là một hệ thống thống nhất với những cấu phần có quan hệ chặt chẽ tạo ra nhiều tầng hỗ trợ nhau; trong đó quan trọng nhất là thị trường lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ – TW về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 chủ trương đổi mới hệ thống chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, trong đó nêu rõ, xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chất chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, bảo đảm bền vững, công bằng.

Cơ bản tán thành các quan điểm trên, nguyên Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh nêu rõ: Hiến pháp 2013 đã quy định hệ thống an sinh xã hội như một mạng lưới có các tầng nấc để bảo đảm mọi thành viên trong xã hội đều nằm trong diện bao phủ của mạng lưới đó. Cụ thể, tầng thứ nhất gồm nhóm chính sách tạo mọi điều kiện tới mức tối đa để công dân, người có sức lao động hoặc còn một phần khả năng lao động tham gia thị trường lao động, tham gia công việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để có việc làm, có thu nhập bảo đảm cuộc sống cho mình và gia đình. Đây là nhóm chính sách cơ bản, lớn nhất trong hệ thống an sinh xã hội, mang tính động viên của Nhà nước và tính chủ động của công dân. Các chính sách thuộc tầng này hoàn toàn bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân trong hoạt động lao động, phù hợp với năng lực, trình độ, sở thích, hoàn cảnh của mỗi người và được bảo đảm các điều kiện theo hiến định. Thực hiện có hiệu quả nhóm chính sách này chính là thực hiện chức năng chủ động phòng ngừa rủi ro. Tầng thứ hai, gồm các chính sách đối với người, gia đình có công với đất nước. Tầng thứ ba, gồm nhóm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm bù đắp phần thu nhập bị giảm sút hoặc bị gián đoạn; khắc phục tình trạng suy giảm sức khỏe vì bệnh tật, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thực thi tốt nhóm chính sách này cũng chính là việc chủ động thực hiện chức năng giảm thiểu rủi ro cho công dân. Tầng thứ tư gồm các nhóm chính sách bảo trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường cơ hội tiếp nhận các dịch vụ xã hội, trợ giúp vượt qua những rủi ro khó lường, ngoài tầm kiểm soát. Nguyên Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh nhấn mạnh, khối lượng nhóm chính sách thuộc tầng thứ tư này rất lớn nhưng cũng là nhiệm vụ tất yếu để thực thi chức năng quan trọng của mạng lưới an sinh xã hội là khắc phục các rủi ro cho công dân.

Ghi nhận quan điểm của các chuyên gia về nội hàm của khái niệm an sinh xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ: hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta hiện nay cũng đang được thực hiện theo 3 nhóm chính sách. Một là, nhóm chính sách phòng ngừa rủi ro, tập trung vào việc làm bền vững, với 3 yếu tố chủ yếu là có tay nghề, thu nhập hợp lý (mức làm phải đúng với mức hưởng) và an toàn (có nhiều yếu tố để bảo đảm an toàn, như người lao động thất nghiệp có bảo hiểm thất nghiệp, người lao động ốm đau có bảo hiểm y tế...). Hai là nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro, gồm hai trụ cột là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Ba là nhóm chính sách khắc phục rủi ro, bao gồm chính sách trợ cấp xã hội. Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, nên thống nhất cách hiểu và cách tiếp cận như trên để rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an sinh xã hội, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền đã được hiến định của công dân. Thống nhất quan điểm này, một số chuyên gia cũng nêu thực tế, việc triển khai các chính sách an sinh xã hội thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc, nhiều chính sách được ban hành nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, chưa tương xứng với nguồn lực, còn có tình trạng chồng chéo giữa các chính sách, đối tượng thụ hưởng chính sách... Vì thế, một nguyên tắc cần được quán triệt trong việc rà soát và thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân là phải xác định rõ phạm vi các chính sách, chế độ, đối tượng tham gia, tiêu chí, điều kiện tham gia, quyền lợi thụ hưởng và những điều kiện ràng buộc; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách; sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng và thị trường trong việc tổ chức thực hiện và cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội.

Nguồn: Đại biểu nhân dân