Tăng tuổi nghỉ hưu kiểm sát viên VKSND tối cao

18/03/2014 09:34 AM


Sáng nay 13/3, tại phiên họp thứ 26 của ủy ban thường vụ quốc hội, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Ông Nguyễn Hoà Bình - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao cho biết, đa số ý kiến đề nghị tăng tuổi làm việc của Kiểm sát viên VKSND tối cao thành 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.


Ông Nguyễn Hoà Bình- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao (Ảnh: Tuổi trẻ)

“Các Kiểm sát viên VKSND tối cao có trách nhiệm quyết định hoặc cho ý kiến về những vấn đề lớn và quan trọng của toàn ngành Kiểm. Đây chính là đội ngũ cán bộ “tinh túy” của ngành Kiểm sát, vì vậy, nếu áp dụng chế độ nghỉ hưu theo quy định chung sẽ là sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực có chất lượng cao”, ông Nguyễn Hòa Bình lý giải.

Khoản 3 Điều 187 Bộ luật lao động năm 2012 đã có quy định về cơ chế kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có chất lượng cao như sau: “Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này”. Căn cứ vào quy định này, có thể quy định ngay trong Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSND tối cao.

Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị áp dụng quy định chung về tuổi nghỉ hưu đối với tất cả các ngạch Kiểm sát viên để tạo ra cơ hội công bằng cho các Kiểm sát viên phấn đấu.

Việt Nam đang được đánh giá là bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động rất lớn, cần có sự kế thừa liên tục để phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ kế cận.

Đối với Kiểm sát viên VKSND tối cao, nếu cần thiết thì nên áp dụng cơ chế sử dụng chuyên gia theo tinh thần Khoản 3 Điều 55 của Dự thảo Luật.

Loại ý kiến này cũng cho rằng hiện đang có xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu của các công chức nhà nước, vấn đề này cần có sự nghiên cứu tổng thể của cơ quan có thẩm quyền và do Chính phủ thống nhất quy định.

Về nhiệm vụ của Kiểm sát viên, đa số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi nhiệm vụ của Kiểm sát viên, không chỉ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp mà còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Viện trưởng.

Ý kiến này cũng cho rằng việc mở rộng phạm vi nhiệm vụ của Kiểm sát viên là thống nhất với phương án mà hiện nay dự thảo Luật đang đề xuất là giao cho Viện trưởng VKSND tối cao có thẩm quyền quyết định biên chế, số lượng, cơ cấu Kiểm sát viên của các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao và các VKSND cấp dưới.

Khi quyết định những vấn đề này, Viện trưởng VKSND tối cao phải dựa trên số lượng Kiểm sát viên các ngạch mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định.

Vì vậy, phương án này bảo đảm cho Viện trưởng VKSND tối cao chủ động trong việc sử dụng cán bộ và cũng không gây quan ngại về việc bổ nhiệm Kiểm sát viên một cách tùy tiện.

Một số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định Kiểm sát viên chỉ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm xác định đúng nhiệm vụ của chức danh tư pháp, gắn với vị trí việc làm, đề cao vai trò, trách nhiệm của chức danh Kiểm sát viên.

VKSND cần xác định cho đúng, rõ và đầy đủ các công tác thuộc nội hàm của chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp để bố trí lực lượng Kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Về thẩm quyền quyết định biên chế; số lượng, cơ cấu kiểm sát viên, điều tra viên, viên chức và nhân viên của VKSND, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về thẩm quyền quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với tổng biên chế, số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên của VKSND theo quy định tại Điều 47 Luật tổ chức VKSND năm 2002.

Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội không quyết định số lượng, cơ cấu, tỷ lệ các ngạch Kiểm sát viên ở mỗi cấp Viện kiểm sát như hiện nay mà nên giao thẩm quyền này cho Viện trưởng VKSND tối cao.

Viện trưởng VKSND tối cao là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Quốc hội về toàn bộ hoạt động của ngành Kiểm sát, việc mở rộng thẩm quyền quyết định cho Viện trưởng VKSND tối cao đối với vấn đề số lượng, cơ cấu cán bộ của VKSND các cấp trong toàn ngành Kiểm sát nhằm bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong công tác cán bộ.

Một số ý kiến đề nghị quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tổng biên chế, số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao, Điều tra viên của VKSND. Số lượng, cơ cấu các ngạch Kiểm sát viên khác ở mỗi cấp do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định.

Theo VTC.vn