Tháo gỡ khó khăn cho người lao động

28/02/2014 08:12 AM


Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp từng bước khắc phục nợ đọng BHXH, đồng thời giải quyết chế độ cho người lao động, BHXH TP đồng ý để doanh nghiệp đóng trước cho những người đã nghỉ việc để chốt sổ cho họ. Ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết như vậy.

Phóng viên: Hiện có một số doanh nghiệp (DN) không trả sổ BHXH cho người lao động (NLĐ) khi họ nghỉ việc do còn nợ BHXH. NLĐ đã khởi kiện và được tòa xử thắng nhưng DN vẫn không thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp này, NLĐ phải làm gì để được được bảo đảm quyền lợi?

- Ông Đỗ Quang Khánh: Hiện nay, nhiều DN thực sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên nợ BHXH, dẫn đến tình trạng khi NLĐ nghỉ việc, không thể chốt sổ BHXH được. BHXH TP đồng ý để DN đóng trước cho  những NLĐ đó để chốt sổ cho họ. Theo đó, DN sẽ đóng số tiền nợ và tiền lãi chậm đóng phát sinh của những NLĐ đó, đồng thời đóng bổ sung số nợ quỹ BHYT (4,5%) và nợ quỹ BHXH ngắn hạn (4%) để có thể gia hạn thẻ BHYT, bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh cho những NLĐ đang làm việc. Do vậy, NLĐ đã nghỉ việc có thể yêu cầu DN giải quyết đóng trước theo phương án này để được nhận sổ BHXH và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kịp thời.


Công nhân Công ty Kyung Sung Vina (huyện Hóc Môn, TP HCM) lo lắng không chốt được sổ BHXH sau khi chủ bỏ trốn Ảnh: HỒNG NHUNG

NLĐ đã đóng BHXH nhiều năm ở đơn vị cũ, nay chuyển sang đơn vị mới và muốn tiếp tục tham gia BHXH, đơn vị mới yêu cầu phải nộp sổ cũ mới cho đóng tiếp nhưng do đơn vị cũ còn nợ BHXH nên NLĐ chưa lấy được sổ. Vậy NLĐ phải làm sao?

- Theo quy định, mỗi NLĐ chỉ được cấp 1 sổ BHXH duy nhất nên khi chuyển sang đơn vị mới, NLĐ phải nộp sổ cho đơn vị mới quản lý để đăng ký tham gia BHXH tiếp. Trường hợp chưa chốt được sổ ở đơn vị cũ thì trước mắt phải thông báo số sổ để đơn vị đăng ký với cơ quan BHXH, đồng thời yêu cầu đơn vị cũ nhanh chóng giải quyết để được nhận sổ theo quy định. Nếu đơn vị quá khó khăn thì có thể đề nghị đóng trước tiền nợ cho cá nhân theo phương án đã nêu ở trên.

Có trường hợp DN sau mở sổ mới và đóng BHXH cho NLĐ trong khi DN trước chưa chốt sổ BHXH nên có khoảng thời gian đóng BHXH trùng nhau. Cả 2 sổ hiện nay đã được chốt và 2 DN đều từ chối hỗ trợ giải quyết. Vậy NLĐ phải làm thế nào để gộp 2 sổ làm một?

- Đối với trường hợp này, NLĐ có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH, nơi quản lý quá trình tham gia BHXH sau cùng của mình, để đề nghị gộp 2 sổ thành một; trên cơ sở đó, cơ quan BHXH sẽ thanh toán lại số tiền đã đóng trùng.

Nhiều NLĐ không được hưởng BHTN vì thủ tục hưởng BHTN yêu cầu NLĐ phải có quyết định thôi việc và sổ BHXH nhưng DN không chịu trả sổ vì nợ BHXH. Nếu NLĐ có thời gian đóng BHTN trên 12 tháng (không tính thời gian nợ) và chỉ có quyết định thôi việc thì  cơ quan BHXH linh động giải quyết cho NLĐ để họ bớt thiệt thòi?

- Như trên đã trao đổi, BHXH TP đã có văn bản hướng dẫn giải quyết  nhiều vướng mắc xung quanh việc DN nợ BHXH để chốt sổ và bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Tuy nhiên, việc tháo gỡ để giải quyết như trên đây chỉ được áp dụng trong trường hợp DN thực sự gặp khó khăn, đồng thời bản thân DN cũng phải nỗ lực hết sức để lo cho NLĐ. Trong trường hợp DN không tích cực phối hợp cùng ngành BHXH để tháo gỡ, giải quyết thì NLĐ bắt buộc phải nhờ thanh tra lao động, thậm chí kiện ra tòa để được hỗ trợ giải quyết. Cơ quan BHXH chỉ có thể thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp đơn vị cũ giải thể và không trả sổ cho NLĐ, nay NLĐ sẵn sàng chấp nhận chịu mất đi số thời gian đã đóng BHXH trước đây, ông Đỗ Quang Khánh khuyên NLĐ liên hệ trực tiếp cơ quan BHXH, nơi quản lý đơn vị, để đề nghị chốt sổ. Cơ quan BHXH sẽ giải quyết chốt thời gian tham gia BHXH cho họ đến thời điểm đơn vị đã đóng bảo hiểm. Trường hợp sổ thất lạc thì cơ quan BHXH sẽ cấp lại và chốt thời gian tham gia BHXH cho họ.

Báo Người lao động