Thụ hưởng tiện ích y tế ngay tại quê nhà
27/02/2014 09:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Xây dựng nền y tế gần dân, vì dân đem lại những lợi ích thiết thực cho dân là mục tiêu chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước mà ngành y tế đã, đang quyết tâm thực hiện. Xác định y tế cơ sở là gốc rễ của ngành y, là tuyến gần dân nhất, đảm bảo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhiều năm qua, với các chỉ đạo từ Bộ Y tế cùng sự hợp lực từ các địa phương, nhiều chương trình hành động hướng về cơ sở được triển khai rộng khắp, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân ngay tại địa phương.
Siêu âm ở gần nhà
Đã 3 năm nay, khi gặp vấn đề về sức khỏe là chị Nguyễn Thị My Duyên ở ấp Thới Hiệp, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ không còn phải lặn lội lên Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ để khám bệnh mà chị đến ngay trạm y tế xã để được khám bệnh và siêu âm. Chị Duyên chia sẻ, từ ngày máy siêu âm về xã, có bác sĩ và nhân viên y tế tận tình nên chị hoàn toàn tin tưởng và chủ động đến khám sức khỏe định kỳ tại đây. Không chỉ chị Duyên mà nhiều bà con trong làng cũng tin tưởng gắn bó với trạm y tế. Tương tự như vậy, ở Trạm Y tế thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, mỗi ngày, Trạm Y tế cũng đón tiếp từ 50 - 70 bệnh nhân trên địa bàn và một số vùng lân cận đến khám chữa bệnh tại đây. BS. Bùi Văn Đầy - Trạm trưởng Trạm Y tế phấn khởi cho biết: “Trạm y tế được trang bị tương đối đầy đủ các thiết bị như máy siêu âm, máy điện tim, máy đo đường huyết... Đặc biệt, có máy siêu âm là niềm mong mỏi không chỉ của chúng tôi nhiều năm nay mà còn rất nhiều bệnh nhân... vì vậy, đã thu hút đông bệnh nhân. Từ khi có máy siêu âm, một số bệnh lý như đau bụng cấp, sỏi thận, viêm túi mật, sỏi túi mật... kịp thời được phát hiện và điều trị”. Các nhân viên y tế của trạm cho biết, nhiều trường hợp qua khám siêu âm, các thầy thuốc phát hiện bệnh nhân bị một số bệnh lý cấp cần được cấp cứu, xử trí kịp thời và chuyển lên điều trị tại tuyến trên. Vì vậy mà nhiều người đã được cứu sống.
Triển khai phẫu thuật nội soi tiêu hóa tại BVĐK Hải Hậu, Nam Định (ảnh do BV cung cấp)
BS.CKII. Bùi Thị Lệ Phi - Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, hướng mạnh về cơ sở và để có kinh phí mua sắm trang thiết bị, năm 2011, ngành đã phát động Lễ đi bộ với khẩu hiệu “Ngành y tế Cần Thơ hướng về cơ sở” nhằm vận động các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành y tế ủng hộ mua trang thiết bị cho y tế xã, phường. Trong 4 năm, ngành đã vận động được trên 4,2 tỉ đồng cùng nhiều hiện vật để mua máy siêu âm, điện tim, máy đo đường huyết... cấp cho các trạm y tế. Số thiết bị này được ưu tiên cấp cho trạm y tế vùng xa trung tâm quận, huyện đông dân và chỉ trang bị máy khi đã có người biết sử dụng...
Câu chuyện về y tế gần dân cũng tương tự như vậy tại Trạm Y tế xã Thành Công, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Hiện nay, người dân xã Thành Công đã không còn hờ hững với trạm y tế. Chị Lê Thị Chuyền (một người dân đang chờ khám tại trạm) nói: Trước đây, chúng tôi không mấy khi đến trạm để khám, chữa bệnh, nếu có vấn đề gì về sức khỏe thì đi thẳng lên BV huyện hoặc các bệnh viện lớn trong tỉnh. Nhưng từ ngày trạm y tế được đổi mới nhân lực cán bộ cũng như đầu tư cơ sở vật chất nên bà con tin tưởng đến trạm y tế khám chữa bệnh ban đầu ngày một nhiều hơn. Theo Sở Y tế Thái Nguyên, chỉ riêng giải pháp đầu tư trang thiết bị cho y tế cơ sở, tại thời điểm tháng 8/2013 đã có: 79/181 trạm y tế được trang bị máy siêu âm. Bên cạnh đó đã đầu tư 131 máy điện tim; 114 máy xét nghiệm nước tiểu; 123 máy doppler tim thai; 26 kính hiển vi... cho các trạm y tế. Tại các trạm được đầu tư máy siêu âm và các thiết bị kể trên, số lượng bệnh nhân đến KCB tăng lên rõ rệt, số bệnh nhân điều trị tại trạm theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật cũng tăng theo. Người dân tin tưởng hơn với các dịch vụ y tế được cung cấp tại tuyến cơ sở, từ đó đã góp phần giảm bớt tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí cho người bệnh, đồng thời nâng cao chất lượng CSSK cho nhân dân.
Chạy thận nhân tạo ở tuyến huyện
Từ tháng 5/2012, BVĐK huyện Hải Hậu, Nam Định đưa vào sử dụng máy chạy thận nhân tạo, nhiều bệnh nhân bị suy thận như anh Trần Ngọc Đặng ở xã Hải Trung, huyện Hải Hậu không còn phải lặn lội 30km lên TP.Nam Định để chạy thận nữa mà chỉ mất khoảng vài phút đi xe máy đến BV huyện. Chị Nguyễn Thị Nga (vợ anh Đặng) chia sẻ, chồng chị bị suy thận đã 4 năm nay, trước đây, khi ở tuyến huyện chưa có máy chạy thận nhân tạo, nhiều bệnh nhân như chồng chị phải lên BVĐK tuyến tỉnh. Từ khi bệnh viện triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, không chỉ riêng gia đình chị mà nhiều bệnh nhân phải chạy thận rất phấn khởi vì được chữa bệnh ở tuyến huyện rất thuận lợi về đi lại cũng như giảm đáng kể chi phí khác. Hơn nữa, các y bác sĩ nhiệt tình, chu đáo nên chúng tôi rất yên tâm.
Điện tim cho bà con ngay tái trạm y tế. Ảnh: N.Hồng
BS.CKI. Hoàng Mạnh Việt - Giám đốc BVĐK huyện Hải Hậu cho biết, phòng chạy thận nhân tạo của bệnh viện hiện có 10 máy chạy thận, đảm bảo chạy thận cho khoảng 36 bệnh nhân an toàn với chi phí thấp. Với mong muốn người dân trong huyện và một số địa phương lân cận được tiếp cận với những kỹ thuật cao với chi phí thấp phù hợp với hoàn cảnh, lãnh đạo BV đã luôn luôn trăn trở để tìm hướng đi đột phá trong công tác khám chữa bệnh nhằm phục vụ bà con nhân dân ngày một tốt hơn nữa. Theo đó, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao, bệnh viện còn đào tạo để nhiều cán bộ thực hiện thành thạo các kỹ thuật chuyên môn để duy trì các kỹ thuật mới như phẫu thuật nội soi tiêu hóa, chụp cắt lớp, xét nghiệm tế bào tìm ung thư, thực hiện kỹ thuật giảm đau trong đẻ...
BVĐK huyện Hải Hậu là một trong hàng trăm bệnh viện tuyến huyện trong cả nước đã có sự thay đổi mạnh mẽ từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình những năm gần đây, các bệnh viện tuyến huyện thực hiện khám cho 60 triệu lượt người; 65% số lượt người điều trị ở tuyến huyện là người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Từng bước giảm tải cho tuyến trên. Điều đáng mừng, từ năm 2008, bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, 594 bệnh viện tuyến huyện được đầu tư 12.548 tỷ đồng để xây mới hoặc nâng cấp, bổ sung trang thiết bị và đào tạo cán bộ. Việc đầu tư đó đã tạo nên bộ mặt mới cho bệnh viện tuyến huyện và tạo được lòng tin của người dân địa phương. Các bệnh viện được cải tạo, nâng cấp, góp phần cải thiện điều kiện phục vụ người bệnh. Ngoài ra, các bệnh viện tuyến huyện đã được trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết cho chuyên môn như máy siêu âm, Xquang, máy thở, bàn mổ, các bộ dụng cụ mổ, máy nội soi các loại, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học... là điều kiện cần thiết để cán bộ y tế triển khai các kỹ thuật, nâng cao tay nghề, bước đầu đã khuyến khích bác sĩ về công tác.
Mổ tim ở BV tuyến tỉnh
Can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim là những kỹ thuật khó, chuyên sâu, đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn và trang thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều BVĐK tuyến tỉnh đã vươn lên làm chủ kỹ thuật khó tưởng chỉ BV tuyến Trung ương mới làm được. Trong số đó phải kể đến là BVĐK tỉnh Kiên Giang, theo BS. Phạm Minh Huệ - Giám đốc BVĐK tỉnh Kiên Giang, từ năm 2009, với sự giúp sức của BV Chợ Rẫy, BVĐK tỉnh Kiên Giang đã trở thành BV đầu tiên trong khu vực ĐBSCL thực hiện mổ tim hở. Từ đây đã mở ra một bước ngoặt mới không chỉ của y tế trong vùng mà người dân và hàng trăm trái tim đau đã vui trở lại.
Siêu âm chẩn đoán bệnh tại Trạm Y tế xã Đông Thắng, Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ
Đến với khu vực Trung Trung Bộ, từ tháng 4/2013, các thầy thuốc của BVĐK tỉnh Bình Định đã làm việc độc lập, từ khám, chỉ định đến trực tiếp phẫu thuật cho các bệnh nhân mắc bệnh tim. Và cũng từ thời điểm này, mổ tim hở đã chính thức là kỹ thuật thường quy tại BV sau 2 năm nhận sự giúp đỡ chuyển giao kỹ thuật từ BV Việt Đức. Với những thành công bước đầu, lãnh đạo BVĐK tỉnh Bình Định quyết tâm đến cuối năm 2014 sẽ thực hiện đề án tách đơn nguyên Ngoại Lồng ngực - tim mạch thành Khoa Ngoại Lồng ngực - tim mạch. Bên cạnh đó, sẽ đào tạo thêm nguồn nhân lực chuyên ngành. Đây là những điều kiện cần thiết để nâng cao kỹ thuật mổ tim hở, chữa được các chứng bệnh phức tạp.
Hiện chưa có một con số thống kê chính xác, nhưng ước tính số bệnh nhân chờ được phẫu thuật tim trên cả nước lên đến hàng ngàn người. Thành tựu về phẫu thuật tim đã và sẽ được bồi đắp ở nhiều bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước. Và như thế, niềm vui có được những con tim khỏe mạnh sẽ gõ cửa nhiều gia đình...
Lời kết
Y tế cơ sở là niềm tự hào của y tế Việt Nam, góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đến nay, 98,9% số xã trên toàn quốc đã có trạm y tế; 80% số xã, phường đã đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã, gần 80% trạm y tế có bác sĩ làm việc; 95,3% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi... Đặc biệt, nhiều trạm y tế được xây dựng khang trang, sạch đẹp, bảo đảm đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Một số trạm y tế được cấp máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm máu, nước tiểu, xét nghiệm sinh hóa, máy đo đường huyết, ghế răng đơn giản... Trung bình trong toàn quốc, tỷ lệ khám chữa bệnh tại tuyến xã chiếm 30 - 50% tổng số lượt khám chữa bệnh; khoảng 80% số trạm y tế đã triển khai khám chữa bệnh BHYT và khoảng 20% số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã. Với mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã đạt hiệu quả đáng khích lệ, Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế.
Nguồn SK&ĐS
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...