TP. Hồ Chí Minh: Gian nan xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội
17/01/2013 09:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(NDO) - Cùng với sự khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), thậm chí một số đơn vị mất khả năng chi trả. Ðiều này đã ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của người lao động. Nguyên nhân vì sao?
Doanh nghiệp làm thủ tục nộp BHXH tại BHXH thành phố Hồ Chí Minh
Nhiều DN nợ BHXH kéo dài
Theo BHXH thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2012 đến nay, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã gửi văn bản đến gần 1.400 đơn vị để "nhắc nhở" nộp tiền BHXH với số tiền nợ hơn 187 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện cũng mới có gần 400 DN khắc phục, nhiều DN khác do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên "khất nợ" nhiều lần, thậm chí chấp nhận nộp phạt hoặc bị kiện ra tòa. Trong bốn năm qua (2008-2011), toàn hệ thống BHXH thành phố đã khởi kiện 265 DN với số nợ 120 tỷ đồng, thu hồi 57% tổng số tiền nợ với hơn 70 tỷ đồng, thì chỉ trong năm 2012, số DN bị BHXH khởi kiện đã vượt con số 300 với số tiền hơn 137 tỷ đồng. Ðáng nói, nếu trước đây, tình trạng nợ lớn, chây ỳ, dây dưa nợ BHXH thường diễn ra ở DN tư nhân, liên doanh thì thời gian gần đây một số DN nhà nước cũng rơi vào tình trạng tương tự. Khó khăn của nền kinh tế hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp. Ðiều này cũng tỷ lệ thuận với tình trạng dây dưa trong việc đóng BHXH của các DN. Ðó là chưa nói đến tình trạng nhiều DN trốn đóng hoặc chủ DN đóng cửa ngừng hoạt động mà không thông báo với các cơ quan chức năng, khiến việc thu hồi nợ đọng càng trở nên khó khăn hơn. Một số DN lớn như năm công ty của Tập đoàn Mai Linh nợ gần 30 tỷ đồng, hay Công ty Ilshin Woomo, đóng trên địa bàn Củ Chi nợ 4,6 tỷ đồng suốt gần 60 tháng qua, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Theo BHXH thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng nợ BHXH kéo dài khiến nhiều quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó người lao động không những không được hưởng các quyền lợi trước mắt như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, trợ cấp thất nghiệp mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi hưu trí sau này. Nhắc nhở nhiều không khắc phục nên BHXH thành phố đã quyết định kiện các doanh nghiệp này ra tòa nhằm thu hồi nợ đọng, cũng như đòi lại quyền lợi cho người lao động.
Cần có chế tài nghiêm khắc
Thời gian qua, BHXH thành phố cũng đã thực hiện một số giải pháp để xử lý nợ đọng như: phối hợp Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng quy trình phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố trong giám sát thực hiện Luật BHXH; phối hợp với Cục Thi hành án dân sự thành phố trong việc thực thi các vụ kiện đòi nợ BHXH; tiếp nhận danh sách các DN mới thành lập để quản lý thu BHXH, phối hợp với ngành thuế trong việc thống kê tất cả các DN đang hoạt động có sử dụng lao động để thực hiện quy định về thu BHXH; khởi kiện các đơn vị cố tình vi phạm về Luật BHXH. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập nên việc phối hợp này chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Mới đây, để khẩn trương thu hồi số nợ đọng từ các DN, BHXH thành phố chỉ đạo BHXH các quận, huyện từ nay đến cuối năm phải hoàn tất hồ sơ khởi kiện 200 DN nợ BHXH trên sáu tháng với số tiền hơn 300 triệu đồng hoặc nợ hơn 100 triệu đồng từ 12 tháng trở lên. Theo thống kê, từ đầu năm 2012 đến nay, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gần 1.520 tỷ đồng, tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2011 hơn 725 tỷ đồng. Với tình trạng nợ đọng kéo dài, BHXH đã tiếp tục hướng dẫn quy trình xử lý đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế để các đơn vị BHXH quận, huyện thống kê chi tiết danh sách các DN nợ BHXH từ ba tháng trở lên và DN không liên lạc với cơ quan BHXH từ sáu tháng trở lên, để có hướng xử lý thích hợp.
BHXH thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện số lượng thanh tra viên quá ít so với doanh nghiệp trên địa bàn, nên công tác thanh kiểm tra không được tổ chức thường xuyên, khiến DN có tâm lý đối phó, trốn tránh. Ðiều này dẫn đến hệ lụy, một số DN lúc đầu chỉ đóng BHXH với số tiền nhỏ, nhưng do không được thực hiện nghiêm túc nên số nợ tăng dần, dẫn đến mất khả năng chi trả. Khi đơn vị BHXH kiện ra tòa thì DN tuyên bố phá sản hoặc bỏ trốn. Một bất cập nữa trong công tác khởi kiện là tòa án xử lý hồ sơ khởi kiện quá chậm, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Cụ thể, những DN nợ BHXH quá sáu tháng trở lên, cơ quan BHXH sẽ lập hồ sơ khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, quá trình thụ lý hồ sơ của tòa còn chậm, đòi hỏi nhiều thủ tục nên thường mất từ hơn một năm vụ kiện mới được thực hiện. Trong hoàn cảnh đó, số nợ của DN càng tăng thêm và mất khả năng chi trả. Ðó là chưa nói đến nhiều trường hợp, khi có quyết định của tòa án nhưng DN cũng không chi trả, khiến công tác thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, đơn cử như việc các DN chấp hành quyết định xử phạt chưa nghiêm và lãi suất chậm nộp quy định thấp hơn lãi vay ngân hàng (trả lãi nợ BHXH hiện nay là 14,2%, bảo hiểm y tế là 9,5%), các ngân hàng thương mại chưa thực hiện việc trích từ tài khoản của DN nợ BHXH để đóng BHXH theo quy định, đã tạo kẽ hở để một số DN cố tình trốn tránh, chây ỳ đóng BHXH. Có thể thấy, việc chiếm dụng BHXH lợi hơn rất nhiều so với đi vay tiền ngân hàng, vậy nên có tình trạng nhiều DN sẵn sàng chiếm dụng tiền BHXH của người lao động sử dụng vào mục đích khác và chịu phạt lãi suất do chậm nộp... Ngoài ra, do chế tài xử phạt vi phạm hành chính hiện nay chỉ 30 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm nên không làm các DN "sợ". Việc thu hồi nợ đọng do BHXH thực hiện, nhưng cơ quan này lại không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt gây mất thời gian và lãng phí. Trong công tác khởi kiện, cần có quy định liên tịch thống nhất từ trung ương trong việc ưu tiên xét xử, thi hành án nhanh các vụ kiện đòi nợ BHXH. Bổ sung tội danh chiếm dụng quỹ BHXH vào Bộ luật Hình sự đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động, nhưng không nộp BHXH và cần xử lý hình sự đối với các cá nhân vi phạm nhiều lần. Ngoài ra, cần linh hoạt hơn trong việc quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH đối với các DN nợ đọng, tối thiểu cũng bằng mức lãi suất tiền vay quá hạn của ngân hàng thương mại quy định tại từng thời điểm tính lãi. Ðối với một số DN khó khăn thật sự, Chính phủ cần xem xét về khía cạnh an sinh xã hội và cho phép DN được giãn nợ BHXH.
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...