Trốn đóng bảo hiểm xã hội: Cần tăng cường chế tài

30/10/2013 06:48 AM


Doanh nghiệp trốn đóng BHXH, người thiệt hại duy nhất chính là người lao động (NLĐ). Nhưng về lâu dài, sẽ gây ra bất ổn lớn cho an sinh xã hội. Câu hỏi đặt ra, vì sao tình trạng trốn đóng BHXH lại ngày càng trầm trọng và giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?


Doanh nghiệp thường né tránh nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động (ảnh minh họa). Ảnh: V.Lâm

Trốn vì dễ hơn vay ngân hàng

Theo quy định, DN chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên sẽ phải trả lãi bằng với lãi suất đầu tư của BHXH VN, hiện là 0,988%/tháng, tương ứng khoảng 11,8%/năm. So với vay ngân hàng, thì mức lãi này vẫn còn “dễ chịu”, chính vì vậy, nhiều DN cứ ỳ ra, vì chậm  đóng BHXH sẽ có lợi hơn đi vay.

Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ Hà Nội - cung cấp thông tin: “Việc chiếm dụng quỹ BHXH dễ hơn nhiều so với việc làm các thủ tục để vay ngân hàng (không cần giấy tờ, không cần thế chấp, không thẩm định...), nên DN tận dụng nguồn này để sản xuất, kinh doanh!”.

Còn kiện DN trốn đóng BHXH được xem như là giải pháp cứu cánh, thì cũng chẳng mấy hiệu quả. Ông Trần Văn Minh – Giám đốc BHXH TP.Cần Thơ - cho biết, đã kiện 29 DN trốn đóng BHXH 34,54 tỉ đồng, tuy nhiên, số tiền thu hồi được chỉ 5,715 tỉ đồng. 9 tháng đầu năm 2013, BHXH tỉnh Hải Dương đã khởi kiện 5 DN trốn đóng trên 19,2 tỉ đồng. May mắn, việc khởi kiện phần nào có tác dụng, trong thời gian tòa án đang thụ lý, cả 5 DN đã tự giác tạm nộp gần 9 tỉ đồng.

Còn BHXH TP.Hà Nội, từ năm 2010 đến nay, đã khởi kiện 152 DN trốn đóng hơn 187 tỉ đồng. Tòa đã xét xử 53  vụ, thu hồi được gần 43,2 tỉ đồng, đạt 23,08%.

Kiện đã vất vả, nhưng thi hành án còn khốn khổ hơn. Nhiều DN trông thì có tài sản, nhưng thực tế đã cầm cố, thế chấp ngân hàng. Một số DN lại “chày bửa” bằng cách yêu cầu cơ quan BHXH lấy sản phẩm của DN để cấn trừ”.

Phó giám đốc BHXH một quận ở TPHCM kể, có DN trốn đóng hơn 1 tỉ đồng BHXH, khi đến xác minh tài sản để thi hành án, DN này chỉ ngay những chiếc ghế trong phòng làm việc của DN rồi nói, mỗi cái trị giá 30 triệu đồng, BHXH chỉ cần lấy 40 cái là đủ. Thậm chí, DN này còn “gạ” hay là BHXH lấy bức tranh trước đây DN này đấu giá ủng hộ từ thiện giá 3 tỉ đồng để cấn trừ số tiền còn nợ. Rồi ông này hài hước: “May mà DN này không làm... tiểu sành, chứ có mà đòi cấn trừ thì khốn nạn!”.

Tăng lãi suất chậm đóng

Ông Trần Quốc Vũ - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.Cần Thơ - nhận xét, các DN khấu trừ tiền lương của NLĐ hằng tháng, nhưng sử dụng nguồn tiền này, là việc làm cố tình. Vì vậy, cần có chế tài xử phạt nặng, để răn đe cũng như bắt buộc các DN đóng BHXH cho NLĐ theo đúng quy định.

Cũng theo ông Vũ, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho NLĐ, đặc biệt là Luật BHXH, để tránh trường hợp họ bị DN lợi dụng khai mức lương thấp, để giảm tiền đóng BHXH, gây thiệt hại về lâu dài. Trong trường hợp này, CĐCS có vai trò rất quan trọng, vì là tổ chức gần gũi và sâu sát với quyền lợi của NLĐ tại DN đó.

Ông Trần Văn Minh - Giám đốc BHXH TP.Cần Thơ - kiến nghị, cần có sự phối hợp liên ngành BHXH và ngành thuế. Hai ngành này phải có sự thông tin cho nhau để nắm được quỹ lương đóng thuế và quỹ lương đóng BHXH, từ đó có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Việc làm này còn giúp tránh tình trạng thất thu thuế và thất thu BHXH.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó ban Chính sách - Pháp luật CĐ Dệt - May VN - kiến nghị, Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh, chẳng hạn như việc tăng mức lãi chậm đóng BHXH cao hơn lãi suất vay ngân hàng để buộc DN phải đóng BHXH cho NLĐ.

Một lãnh đạo LĐLĐ TP.Hà Nội cho rằng, phải xác định trốn đóng BHXH là vi phạm pháp luật, phải xử lý hình sự giống như hành vi trốn nộp thuế...

Phó ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP.Hà Nội Nguyễn Vinh Quang nhấn mạnh: “Hiện chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì cố tình trốn tránh việc thi hành án BHXH. Vì vậy, phải xử lý nghiêm việc này mới có thể giảm được tình trạng DN không thi hành bản án do tòa án đã tuyên”.

Nguồn Báo Lao động