Lằng nhằng xã hội hóa y tế
28/10/2013 03:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ban đầu, chủ trương xã hội hóa vào ngành y ít nhiều mang lại lợi ích trong điều kiện nguồn vốn nhà nước còn hạn chế, nhưng những sai phạm liên tiếp trong tổ chức dịch vụ xã hội hóa tại các bệnh viện công thời gian gần đây khiến dấy lên những mối lo rất lớn.
Nhà xác cũng kêu... lỗ vốn
Là BV đa khoa hạng 1, Thanh Nhàn có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển thành một BV có tầm ở khu vực nam Hà Nội. Nhưng từ ngày 1-8-2013, nhiều bệnh nhân đến đây cấp cứu đã kêu trời vì phải lên xe cấp cứu để đi... chụp chiếu, chẩn đoán hình ảnh ở BV khác, trong khi nhiều thiết bị chẩn đoán hình ảnh (của đơn vị liên kết đầu tư) đang... đắp chiếu để đấy. Đây đơn giản là hệ quả của một quá trình dài “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa đơn vị đầu tư trang thiết bị xã hội hóa và BV Thanh Nhàn. Nguyên do là trước đó BV này đã ký hàng loạt hợp đồng với đối tác theo hướng bất lợi thuộc về... BV. Những hợp đồng này khiến BV Thanh Nhàn tổ chức hàng loạt dịch vụ xã hội hóa, bệnh nhân đông... nhưng nguồn thu của BV lại cực kỳ eo hẹp, đời sống cán bộ nhân viên vào loại thấp nhất ở Hà Nội. Các hợp đồng hợp tác vô lý đến mức dịch vụ nhà xác của BV cũng... lỗ vốn. Ông Hà Hào Hiệp, nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, bức xúc: “Làm gì có ai đi mặc cả giá nhà xác mà nhà xác cũng lỗ vốn, tôi không thể hiểu nổi kiểu hợp tác này”?!
Đầu tháng 10, trao đổi với TTCT, chị Hoàng Thị Nguyệt, người đưa ra ánh sáng vụ “nhân bản” xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), cho biết ngay sau khi vụ việc tại BV này bị phanh phui, vị giám đốc mới về BV (tháng 8/2013) đã yêu cầu sửa thiết bị xét nghiệm sinh hóa do Nhà nước đầu tư đang bị đắp chiếu vì hỏng bóng đèn dây bơm, trong khi thiết bị “xã hội hóa” do BV đi “mượn” về thì làm không hết việc. Theo chị Nguyệt, chỉ sửa chữa một chút thì từ đó đến nay, máy do Nhà nước đầu tư hoạt động rất tốt. Theo giải trình của chi nhánh đông dược - vật tư y tế (Công ty dược Hà Tây), công ty này phải đi thuê máy cho BV Đa khoa Hoài Đức mượn, mục đích là để bán hóa chất.
Chuyện “máy nhà nước” đắp chiếu vì hỏng hóc nhỏ, “máy xã hội hóa” hoạt động hết công suất (với phí dịch vụ cao hơn hẳn) đang diễn ra tại rất nhiều BV. Tại BV K trung ương từng có hiện tượng “máy xã hội hóa” phải làm việc cả đêm. Tại một BV ở Sơn Tây (Hà Nội), hiện hầu hết thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm đều của tư nhân đầu tư, nhân viên công ty tư nhân này vào BV làm việc luôn ở vị trí người sử dụng máy. Trong khi đó, một thiết bị xét nghiệm sinh hóa do Nhà nước đầu tư thì thỉnh thoảng “sở về mới dùng”, nại lý do hóa chất xét nghiệm quá đắt!
Ai được hưởng lợi?
Trong cùng một BV công như BV Nhi trung ương, đất đai nhà cửa đều xây dựng từ vốn nhà nước, nhưng lại có sự phân cấp về giá dịch vụ giữa những khu vực khác nhau. Ngoài khu vực khám chữa bệnh thông thường, BV này xây dựng thêm ba khu tự nguyện A, B, C với giá dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn nhiều lần. Tại khu tự nguyện A, giá dịch vụ cao gấp hàng chục lần so với khu vực khám chữa bệnh thông thường: chi phí khám (chưa kể xét nghiệm, chụp chiếu) đã là 580.000 đồng và 680.000 đồng tùy khám đa khoa/chuyên khoa. Giá một số dịch vụ “nhỏ” khác cũng ở mức giật mình: thay băng 290.000 đồng/lần, truyền dịch 195.000 đồng/lần, khâu vết thương dưới năm mũi là 720.000 đồng, khâu trên năm mũi tới 1,26 triệu đồng... Giá giường điều trị ở đây rẻ nhất là phòng dành cho bệnh nhân lưu dưới 24 giờ là 600.000 đồng/ngày, phòng dành cho bệnh nhân hậu phẫu lần 1 tới hơn 4,1 triệu đồng/ngày. BV quảng cáo rất hấp dẫn, chất lượng hàng đầu, do giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ khám chữa, trang thiết bị y tế hạng nhất... Nhưng thực tế hoàn toàn khác, như một phụ huynh bệnh nhi mô tả: “Tôi đóng 580.000 đồng tiền khám, lấy số thứ tự 73, bắt đầu chờ lúc đèn báo số 66 nhưng đợi cả tiếng đồng hồ đèn báo mới nhảy lên số 69 vì có hàng chục lượt cháu khác chen ngang. Cuối cùng, tôi đành chịu thua, đưa con ra phòng khám tư”.
Cơ sở 1 của BV K trung ương có ba máy xạ trị gia tốc là A, B, D có giá trị khoảng 1 triệu USD/máy, trong đó máy A lắp đặt năm 2000 bằng nguồn vốn nhà nước, hai máy còn lại là từ nguồn vốn xã hội hóa do BV liên kết với một công ty thiết bị y tế. Mặc dù có đến ba máy đang hoạt động nhưng theo ông Bùi Công Toàn - giám đốc BV, những máy này không đáp ứng đủ nhu cầu xạ trị của bệnh nhân, BV thường xuyên phải chuyển bệnh nhân sang nhiều BV khác để xạ trị. Bệnh nhân được điều trị bằng máy A đóng ít tiền hơn nhiều so với bệnh nhân điều trị bằng các “máy xã hội hóa”, nhưng lại mất tới 2-2,5 tháng cho một đợt xạ trị, trong khi nếu thực hiện trên “máy xã hội hóa” thì thời gian một đợt điều trị được rút ngắn xuống còn 1-1,5 tháng. Thời gian chênh lệch tương ứng với thời gian hỏng máy vì máy A bao giờ cũng có tỉ lệ hỏng hóc cao hơn hẳn so với các loại máy xã hội hóa khác.
Không phải bệnh nhân nào cũng được tư vấn để chọn ngả “Nhà nước” hay “xã hội hóa”. Nhiều người bệnh bất ngờ khi phải đóng thêm khoản chênh lệch do sử dụng dịch vụ trên “máy xã hội hóa”. Khi bức xúc không hiểu vì sao giá niêm yết của BV cho dịch vụ chụp CT scan là 500.000 đồng mà mình lại phải trả 900.000 đồng, ông N.Đ.H. (Phú Thọ) được bác sĩ giải thích “do ông đã sử dụng dịch vụ thiết bị xã hội hóa”. Chuyện liên doanh, liên kết đầu tư thiết bị y tế hiện đã bén rễ tới BV tuyến huyện. Ở các BV tuyến trên, hiện 100% máy PET CT, hầu hết máy chụp 64-256 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ, máy xạ trị gia tốc, dao gamma... đều là thiết bị xã hội hóa. Nên đã có chuyện do BV liên kết đặt máy đo loãng xương, bệnh nhân đang cấp cứu, người nhà được yêu cầu ký cam kết để đi chụp chiếu, thật ra là đi đo... loãng xương.
Sẽ hạn chế dần việc liên doanh, liên kết
“Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới đã khảo sát 18 BV công cả trung ương và địa phương. Nếu không có chủ trương xã hội hóa, các BV khó có thể triển khai được những kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ cán bộ y tế cũng không thể được như hiện nay. Tuy nhiên đã xảy ra tiêu cực, sai phạm trong xã hội hóa y tế mà cơ quan pháp luật phải điều tra, xử lý, gần nhất là vụ gian lận xét nghiệm ở BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) - một việc rất đáng tiếc và vi phạm nghiêm trọng”. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết.
* Những sai phạm liên tiếp đó cho thấy chính sách hiện hành chưa đủ để “quản” những biến tướng đã và sẽ xảy ra xung quanh hoạt động liên doanh, liên kết ở BV công. Về mặt chính sách, ông thấy chỗ nào còn hổng?
- Về các văn bản pháp luật liên quan đến xã hội hóa, tôi cho rằng khá đầy đủ. Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang chuẩn bị đánh giá để thay đổi phương thức thanh toán, chuyển dần sang thanh toán theo định suất, thanh toán theo trường hợp bệnh, thay thế phương thức thanh toán theo phí dịch vụ. Tôi cho là khi chuyển đổi phương thức thanh toán sẽ kiểm soát được tình trạng chỉ định quá mức cần thiết ở một số dịch vụ hiện nay. Và nếu các hội đồng chuyên môn BV làm đúng quy chế, bình bệnh án thường xuyên sẽ phát hiện ngay bác sĩ nào chỉ định dịch vụ, kê đơn thuốc quá mức.
* Điều gì đang xảy ra với dịch vụ xã hội hóa, thưa ông?
- Theo quy định, khi triển khai xã hội hóa thì đơn vị phải có đề án, đề án phải được thống nhất trong Đảng ủy, ban giám đốc, hội nghị cán bộ công nhân viên chức. Chúng tôi phát hiện sai phạm thường xảy ra ở các đơn vị không tự kiểm tra, giám sát thường xuyên và thực hiện đầy đủ các quy định theo quy chế chuyên môn, cơ quan quản lý cấp trên cũng chưa thực hiện đúng mức việc kiểm tra, giám sát các đơn vị thuộc diện quản lý. Hiện tỉ lệ đơn vị có những vi phạm xã hội hóa đang được thống kê lại. Nhưng qua kiểm tra tại 18 đơn vị năm 2011 thì các vi phạm thường gặp là tăng chỉ định dịch vụ, đặc biệt là xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh, chưa công khai giá cả ở vị trí người bệnh dễ nhìn...
* Bộ Y tế sẽ mua áo mới nào cho dịch vụ xã hội hóa ở BV công, thưa ông?
- Theo nghị định 85, ngành y tế sẽ chuyển dần sang thanh toán theo trường hợp bệnh và theo định suất. Tuy nhiên cái này không làm nhanh được. Nhưng kiểm soát hạn chế, tiêu cực trong thực hiện xã hội hóa là việc cần làm ngay, như nâng cao trình độ cán bộ, y tế để họ có đủ kiến thức, kỹ năng lẫn đạo đức khi chỉ định dịch vụ. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường khâu kiểm tra, giám sát, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Dư luận lâu nay cho rằng thực hiện xã hội hóa là do công tư lẫn lộn. Thật ra Chính phủ đã cho phép thí điểm và đang nghiên cứu ban hành nghị định quy định về đầu tư, theo hình thức đối tác công tư để huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
* Như vậy, ông có cho là nên thay đổi hình thức xã hội hóa hiện nay bằng hình thức khác an toàn hơn, tức là vừa đảm bảo có vốn đầu tư vừa tránh được các biến tướng?
- Giai đoạn hiện nay, ngân sách nhà nước còn hạn chế, trong khi đó khoa học kỹ thuật y tế phát triển rất mạnh, nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng cao, phải tiếp tục tăng đầu tư để phát triển kỹ thuật y tế. Vì vậy ngoài việc tiếp tục đề nghị Chính phủ tăng đầu tư cho y tế từ ngân sách, vẫn phải huy động các thành phần kinh tế tham gia. Bộ Y tế sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong thời gian vừa qua để có những điều chỉnh. Trước mắt là xây dựng cơ chế tài chính (thế chấp, giá dịch vụ) để cho phép và khuyến khích các đơn vị vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng để đầu tư; xây dựng tiêu chí và chỉ cho phép các đơn vị có đủ tiêu chí mới được liên doanh, liên kết.
Theo Tin247
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...