Lĩnh lương “khủng” cũng cần BHTN

13/02/2014 07:06 AM


Một diễn biến mới của thị trường lao động, khá khác biệt so với nhiều năm trở lại đây chính là tình cảnh thất nghiệp không chừa một ai. Theo Phòng BHTN, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, thì từ những tháng giữa năm 2013 đến nay, thậm chí có những nhân sự cấp cao thuộc khối tài chính, ngân hàng, hưởng mức lương khủng hằng tháng từ 200 đến 400 triệu đồng, cũng đến làm thủ tục hưởng BHTN.


Lao động đăng ký thất nghiệp tại Phòng BHTN Hà Nội những ngày cuối năm

Số lao động đến làm thủ tục đăng ký hưởng BHTN cũng tăng dao động trên 2.000 người/tháng. Đáng chú ý nữa là để tìm kiếm một công việc mới đối với những lao động thất nghiệp này là vô cùng khó khăn. Đã là thời điểm ở những ngày cận kề Tết Nguyên đán, nhưng có mặt tại Phòng đăng ký BHTN tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội chiều 22/1, lượng người đến đăng ký thất nghiệp và những người đã hưởng BHTN đến khai báo tình trạng việc làm vẫn rất nhộn nhịp. Ông Lê Hải Anh, Phó trưởng Phòng BHTN Hà Nội cho biết, số lượng nhân sự cấp cao hưởng mức trợ cấp thất nghiệp kịch trần, gấp 20 lần mức lương tối thiểu, khoảng 12,9 triệu đồng/tháng có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê, thì số người hưởng mức BHTN cao từ trên 9 triệu đồng trở lên tăng từ 931 người (năm 2012) lên 1.287 người năm 2013. Về nhân sự cấp cao, TTGTVL Hà Nội khẳng định, hầu như không có dữ liệu về vị trí việc làm trống.

Ông Hải Anh cũng cho biết thêm, qua theo dõi sát tình trạng người đến đăng ký thất nghiệp và khai báo việc làm thì đối với nhân lực bậc trung trở xuống trong năm 2013 cơ hội việc làm cực kỳ khó khăn. Đến thời điểm này đã có người hưởng đến lần thứ hai, thứ ba do chưa tìm kiếm được việc làm mới. Chia sẻ về cơ hội tìm kiếm việc làm mới, rất nhiều lao động cho biết, để tìm kiếm một công việc mới với mức lương bằng ở DN trước đây họ làm, thật sự khó khăn do nhu cầu của DN giảm sút. Lao động Triệu Khắc Thiệp từng làm việc tại phòng dịch vụ sau bán hàng của Công ty Toyota Việt Nam cho hay, sau 6 tháng nghỉ việc, Thiệp đã gửi hồ sơ cho nhiều công ty nhưng hai bên đều không đi đến được thỏa thuận về điều kiện làm việc và thu nhập. Thiệp chia sẻ “em may mắn hơn các bạn khác là vừa tìm được công việc mới khá tốt do lãnh đạo công ty mới là người ở công ty cũ chuyển sang mời về làm. Em biết có bạn, thậm chí học ở Anh về, đã chấp nhận làm chỉ với mức lương 6 triệu đồng”.

Đối với lao động phổ thông, trong năm 2013 cũng không còn được “giá” như những năm trước. Phòng BHTN Hà Nội cũng cho biết, qua tìm hiểu những người đến đăng ký thất nghiệp thấy rõ xu hướng chuyển dịch lao động về nông thôn, tự tạo việc làm, chuyển sang khu vực dịch vụ, việc làm phi chính thức đang diễn ra khá phổ biến. Thực tế này tương đồng với báo cáo xu hướng việc làm 2014 vừa được Tổ chức Lao động quốc tế ILO công bố, chỉ ra nhu cầu cấp bách giúp thanh niên tham gia vào lực lượng lao động. Thất nghiệp đang có xu hướng tăng ở Việt Nam trong năm 2013 cùng với tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương cao hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm không thể cải thiện được thị trường lao động thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp thậm chí lớn hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp trong nước nói chung, ở mức 5,95% trong quý 4 năm 2013. Mặc dù tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều so với thế giới, tỷ lệ thất nghiệp trẻ ở khu vực thành thị tiếp tục ở mức cao, hơn 11%, trong giai đoạn này.

Theo thống kê của Ban Quản lý KCN, KCX Hà Nội ở 8 KCN ở Hà Nội cũng cho thấy có rất nhiều DN tạm dừng, chuyển đổi hoạt động trong năm 2013. Trước thực tế trên, Sở LĐ-TB&XH đang thực hiện cuộc điều tra về tình hình biến động lao động trong DN hằng tháng để có thể tìm kiếm giải pháp theo kịp diễn biến của thị trường lao động. Tăng tốc độ tạo việc làm và hỗ trợ các DN thực hiện điều này là một yêu cầu cấp thiết, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2014, đang là vấn đề nóng bỏng đặt ra, cần có sự cải tổ cả về chính sách và nỗ lực của các cơ quan chức năng.

Theo CAND