Ký hợp đồng lao động cho người giúp việc: Chưa dễ thực hiện
08/05/2014 09:49 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Còn chưa đầy 1 tháng nữa Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình có hiệu lực (ngày 25-5-2014). Theo đó, người thuê lao động phải ký hợp đồng lao động cho người giúp việc nhà, thực hiện chế độ lương, thưởng, nơi ăn nghỉ, số giờ và ngày nghỉ, đóng bảo hiểm xã hội... Thế nhưng đến nay, cả người sử dụng lao động và người lao động giúp việc nhà vẫn đang… bỡ ngỡ!
Chủ nhà phỏng vấn người giúp việc tại một trung tâm giới thiệu việc làm ở quận 10
Giúp việc nhà: Chưa phải là nghề?
Hợp đồng lao động thường sử dụng đối với công việc được coi là nghề chính thống, quyền và nghĩa vụ có trong hợp đồng đòi hỏi cả 2 bên phải tuân thủ nghiêm túc. Tuy nhiên, thực tế xã hội vẫn chưa thực sự coi giúp việc nhà là một nghề và bản thân người giúp việc cũng mang tâm lý “làm tạm”, dẫn đến việc cả 2 phía ngại ký hợp đồng lao động.
Chị Trần Thị Thanh Vân (ngụ đường D2, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Thực ra bản thân tôi rất hoan nghênh việc ký hợp đồng lao động đối với người giúp việc nhà nhưng khi tâm họ chưa yên, chưa muốn gắn bó với nghề thì chủ nhà khó ký hợp đồng. Bởi lẽ những người giúp việc phần nhiều trình độ thấp, quen nếp nghĩ chỉ là nghề làm tạm, ưng thì làm, không thì nghỉ”. Có lẽ vì thế, hiện nay các công ty cung cấp lao động giúp việc nhà hầu hết chỉ dừng lại ở vai trò trung gian môi giới, chưa quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn.
Chị Nguyễn Thị Thúy (quê ở Ninh Bình) đang làm giúp việc cho một gia đình ở hẻm 527 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) tâm tình: “Tôi chỉ làm vài ba năm để nuôi con ăn học. Giúp việc nhà tuy lương ổn định nhưng khi con cái đến tuổi lập gia đình thì phải kiếm việc khác để con không bị mất mặt, bản thân mình cũng dễ nói chuyện với sui gia nên tôi cũng không quan tâm tới hợp đồng lao động gì cả”. Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều người giúp việc.
Đã từng nhiều năm làm công nhân trong các khu công nghiệp, chị Đỗ Sương Việt (quê Thanh Hóa), đang giúp việc cho một gia đình ở quận 9, đã được chủ nhà ký hợp đồng và đóng bảo hiểm ngay sau 6 tháng làm việc. Chị Việt cho biết: “Việc ký hợp đồng và đóng bảo hiểm đều là thủ tục giúp người làm như chúng tôi cảm thấy mình được coi trọng và chuyên tâm làm việc còn chủ nhà cũng yên tâm. Về các điều khoản trong hợp đồng thì có thể du di tùy vào thỏa thuận hai bên”.
Đào tạo người giúp việc chuyên nghiệp
Lâu nay, nghề giúp việc nhà có hai dạng, một là giúp việc toàn thời gian (ở lại nhà chủ) và hai là giúp việc theo giờ. Do khó kiếm người giúp việc nhà ưng ý, nhiều chủ nhà tự tìm người giúp việc theo kiểu nhờ người nhà, người quen ở quê giới thiệu nên chuyện làm hợp đồng trở thành… xa lạ.
Chị Nguyễn Hồng Nhung (ngụ đường Phan Văn Hớn, quận 12) kể: “Ba năm qua, tôi nhờ một người bà con xa ở quê lên trông nom nhà cửa để vợ chồng yên tâm đi làm. Đọc báo thấy Nghị định 27 sắp có hiệu lực, tôi rất mừng nên dự định sẽ ký hợp đồng và đóng bảo hiểm cho cô, hy vọng sau này cô có chút tiền dưỡng già. Vậy mà khi vừa nói ra chuyện ấy thì cô đùng đùng nổi giận, đòi về quê vì bảo vợ chồng tôi không coi cô như người thân trong nhà. Tôi đành phải hứa từ giờ không nhắc đến chuyện hợp đồng nữa thì cô mới chịu”.
Chị Huyền, đại diện Công ty TNHH SX TM DV Hưng Gia Khánh (quận 5) - công ty chuyên cung cấp lao động giúp việc nhà, cho biết: “Đối với người giúp việc theo giờ, công ty có các chế độ như ngày nghỉ, lương, thưởng và một vài chế độ khác. Còn người giúp việc toàn thời gian phải do chủ nhà và người lao động tự thỏa thuận. Về việc đóng bảo hiểm, công ty đóng theo nhu cầu của mỗi người, nhiều người vì tiếc vài trăm ngàn đồng mỗi tháng nên không đồng ý đóng bảo hiểm”.
Thực tế, nhiều công ty, trung tâm giới thiệu việc làm vẫn chưa quan tâm đến Nghị định 27 như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Lộc Phong (quận Bình Thạnh), Công ty TNHH MTV Gia Quý (quận 3), Trung tâm Giới thiệu việc làm Hải Nguyên (quận 10)... Họ cho rằng những vấn đề đó hoàn toàn thuộc về chủ nhà, họ chỉ là bên trung gian nên không quan tâm đến các quy định sắp triển khai.
Thực tế, các cơ quan quản lý rất khó quản được gia đình nào có thuê người giúp việc nhà nên việc quản lý hợp đồng cho người lao động cũng là điều không dễ thực hiện. Thiết nghĩ, để nghị định, quy định đi vào cuộc sống, trước hết cần xây dựng mô hình đào tạo nghề giúp việc để cung cấp theo hình thức chuyên nghiệp. Các công ty cung cấp lao động việc nhà phải có trách nhiệm đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ và những quyền lợi cho người lao động thời vụ, lao động theo giờ và lao động toàn thời gian.
Theo Báo SGGP
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...