Vì sao đình công gia tăng?

29/04/2014 03:54 AM


Đình công không còn là chuyện lạ đối với người lao động cũng như chủ sử dụng lao động. Trên các khu vực trong cả nước, từ Bắc bộ cho đến Trung bộ cũng như Nam bộ, tại thời điểm này thời điểm khác, đều đã có chuyện người lao động đình công. Bình quân mỗi năm có gần 250 cuộc đình công. Số cuộc đình công đang ở trong chiều hướng gia tăng, cho dù hầu hết số cuộc đình công đều tự phát, thậm chí là trái luật.


Từ 1995 đến nay, cả nước xẩy ra gần 4500 cuộc đình công, trong đó số cuộc đình công thực hiện đúng quy định của luật pháp chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí theo đánh giá của một vị Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, thời gian qua chưa có cuộc đình công nào đúng pháp luật.

Đình công xẩy ra tại nhiều nơi, ở nhiều loại hình doanh nghiệp, trong đó hệ thống doanh nghiệp FDI "dẫn đầu” với tỷ lệ chiếm hơn 80% trong tổng số các cuộc đình công. Doanh nghiệp trong nước cũng có hiện tượng đình công nhưng chỉ lác đác ở một số nơi, chiếm phần rất nhỏ cả về số cuộc đình công cũng như số người tham gia đình công. Chủ sử dụng lao động (nhất là doanh nghiệp FDI) không hề bất ngờ khi phải "đón tiếp” các cuộc đình công của người lao động.

Yêu cầu chủ sử dụng lao động phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, nội dung này chiếm gần 90% trong tổng số các cuộc đình công đã và đang diễn ra tại nhiều nơi. Thu nhập không tương xứng với công sức của người lao động. Làm thêm giờ vượt mức quy định, trong khi tiền công không tăng. Nợ tiền lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội. Nơi ăn, chốn ở quá nhếch nhác. Các công trình phúc lợi cũng như đời sống văn hóa ở nhiều khu công nghiệp chẳng khác nào... vùng sâu, vùng xa. Đó là "tổ hợp” vấn đề tạo ra bức xúc dẫn đến đình công của người lao động.

Một bộ phận chủ sử dụng lao động quá coi thường lợi ích chính đáng của người lao động. Vì thế, nguồn gốc sinh ra đình công nằm ngoài ý muốn của người lao động. Theo quy định hiện hành, luật pháp không cấm đình công nhưng phải thực hiện đúng trình tự pháp luật. Nếu làm đúng quy định, đình công là hợp pháp. Về lý lẽ, nhiều người lao động biết rõ điều đó. Thế nhưng thay vì đình công hợp pháp, số đông người lao động lựa chọn giải pháp "mỳ ăn liền” bằng cách đình công tự phát. Thay cho những thủ tục hành chính (để có cuộc đình công hợp pháp) người lao động chỉ nói miệng và "gật đầu” với nhau từ đó dẫn đến đình công theo kiểu tự phát.

Nhưng vì sao đình công tự phát không giảm mà vẫn tăng? Thật đơn giản vì số đông chủ sử dụng lao động đều phải nhượng bộ các yêu cầu chính đáng của người lao động. Đem lại kết quả thiết thực (cho dù mang tính nhất thời) đó là nguyên do cơ bản lý giải vì sao đình công tự phát không giảm mà còn gia tăng. Tuy thế, đã đến lúc người lao động cần nhận thức rõ vấn đề hơn, nhất là đại diện người lao động tại cá doanh nghiệp phải thực sự vì người lao động, khi đối diện với giới chủ.

Theo Báo Đại đoàn kết