Hộ nghèo cả nước còn 7,8%

29/04/2014 03:50 AM


Theo báo cáo đánh giá thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2005-2013 của Bộ LĐTBXH, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% xuống còn 7,8%.


Nhìn chung, tỷ lệ giảm nghèo của cả nước trong giai đoạn này đạt 2%/năm (trong giai đoạn này, Chính phủ đã 1 lần nâng chuẩn nghèo vào năm 2010).

Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47% xuống còn 28,8% vào năm 2010 (chỉ tiêu đặt ra là 30%).

Giai đoạn 2005-2012, tổng số vốn huy động cho giảm nghèo là 864.050 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước (đầu tư gián tiếp hoặc trực tiếp) chiếm tới hơn 40%, còn lại là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn huy động từ doanh nghiệp và xã hội.

Nguồn tiền trên được sử dụng trong mọi lĩnh vực đời sống để hỗ trợ người nghèo, bao gồm: Chính sách khám chữa bệnh, hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục-đào tạo; hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chuyển giao khoa học kỹ thuật, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện và tín dụng ưu đãi.

Ngoài ra, Nhà nước đã có chính sách đặc thù áp dụng cho hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã biên giới, an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn miền núi.

Hiện Nhà nước cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo; tập huấn cho hơn 4.300 lượt cán bộ thôn, bản; đào tạo nghề cho hơn 10.000 lao động nghèo để tạo việc làm tại chỗ, ngoài địa bàn hoặc xuất khẩu lao động…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Phạm Mạnh Hùng đánh giá những công việc mà Chính phủ, các địa phương thực hiện đã khiến tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh trong những năm qua.

Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH nhìn nhận kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, nhất là tình trạng tái nghèo. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho biết cứ 3 hộ ra khỏi diện nghèo thì có 1 hộ tái nghèo hoặc phát sinh nghèo mới do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, tách hộ…

Bên cạnh đó, do có nhiều chính sách giảm nghèo đã làm nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa rõ nét (ví dụ mức hỗ trợ nhà ở, sản xuất khác nhau ngay trên một địa bàn). Việc chậm hướng dẫn, sửa đổi một số chính sách đã gây khó khăn cho các địa phương khi thực hiện. Người nghèo và thậm chí cả chính quyền một số địa phương còn tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nguyên nhân của những bất cập trên là do nhiều chính sách giảm nghèo chỉ mang tính chất hỗ trợ (y tế, giáo dục, nhà ở…), trong khi chính sách đầu tư, phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương chưa thường xuyên, nhất là trong xây dựng chính sách. Một số địa phương thiếu quan tâm chỉ đạo thực hiện giảm nghèo.

Bộ LĐTBXH cho biết giải pháp thực hiện chính sách giảm nghèo trong thời gian tới là kịp thời sửa đổi, lồng ghép các chính sách không còn phù hợp với thực tế, tránh lãng phí ngân sách để tăng hiệu quả giảm nghèo. Giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với một số nhóm đối tượng cụ thể, tăng hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm cho người nghèo.

Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn của các địa phương, đảm bảo chế độ, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất của Nhà nước đến với người dân đầy đủ, kịp thời, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm.

Bộ LĐTBXH cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo, đồng thời biểu dương điển hình thoát nghèo...

Theo Chinhphu.vn