EU thành lập quỹ 3,8 tỷ euro trợ giúp người nghèo

13/03/2014 02:51 AM


Hội đồng Bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua việc thành lập Quỹ châu Âu trợ giúp người nghèo (FEAD).


FEAD nhằm trợ giúp nỗ lực của các quốc gia thành viên trong việc giúp đỡ những người dân châu Âu dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - xã hội, có ngân sách 3,8 tỷ euro cho giai đoạn 2014-2020. Đối với các chương trình quốc gia, các nước thành viên EU đóng góp 15% chi phí, 85% chi phí còn lại sẽ được trích từ nguồn quỹ này. Theo Ủy viên EU phụ trách việc làm và các vấn đề xã hội, Laszlo Andor, việc Nghị viện châu Âu và Hội đồng Bộ trưởng thống nhất thành lập FEAD là một việc làm đáng hoan nghênh, ước tính quỹ này sẽ trực tiếp giúp đỡ khoảng 4 triệu người dân châu Âu đang gặp khó khăn.

FEAD sẽ hỗ trợ các biện pháp do các quốc gia thành viên đưa ra nhằm cung cấp các dịch vụ trợ giúp về vật chất như lương thực, thực phẩm, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, cũng như các nhu yếu phẩm của cuộc sống hàng ngày. Theo quy định, việc cung cấp giúp đỡ vật chất sẽ phải đi kèm với các biện pháp hòa nhập xã hội, đặc biệt các dịch vụ tư vấn và trợ giúp những người nghèo khó nhất để họ thoát ra được tình trạng khó khăn của mình. Quỹ cũng đưa ra một cơ chế linh hoạt cho các quốc gia thành viên trong việc trợ giúp, có thể bằng vật chất hoặc không bằng vật chất, tùy theo tình hình và truyền thống của mỗi nước, cũng như phương thức phân phát lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

Việc thành lập quỹ FEAD đóng góp vào việc triển khai chiến lược châu Âu 2020, theo đó, EU sẽ giảm ít nhất 20 triệu người nghèo. Năm 2012, gần 125 triệu người, khoảng 25% dân số châu Âu bị rơi vào cảnh nghèo đói hoặc bị sống ngoài lề xã hội. Gần 50 triệu người sống trong cảnh thiếu thốn vật chất. Hiện nay, phương tiện chủ yếu của EU để chống lại nghèo đói và thúc đẩy hội nhập xã hội là Quỹ xã hội châu Âu (FSE). Quỹ này đầu tư trực tiếp vào năng lực con người nhằm giúp họ tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, một số người thuộc đối tượng dễ bị tổn thương nhất, sống trong tình trang nghèo đói tột cùng nên bị cắt đứt hoàn toàn đối với thị trường lao động, đồng thời không được hưởng các biện pháp hòa nhập xã hội của FSE.

Năm 1987, Chương trình phân phát lương thực, thực phẩm cho người dân nghèo châu Âu (PEAD) được thành lập. Đây là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng cho các tổ chức có liên hệ trực tiếp với những người nghèo. Tuy nhiên, do nguồn quỹ lương thực cạn kiệt cũng như do việc cải tổ các chính sách nông nghiệp chung, chương trình PEAD đã kết thúc vào cuối năm 2013. Việc hình thành quỹ FEAD là sự tiếp nối của PEAD.

Italy: Cứ 4 cử nhân thì 1 người không tìm được việc làm

Cuộc suy thoái kinh tế kéo dài và nặng nề nhất ở Italy kể từ sau Thế chiến II tiếp tục tác động nghiêm trọng và tiêu cực lên mọi giai tầng của đất nước này, trong đó có thanh niên nói chung và những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường nói riêng. Báo cáo mới nhất của AlmaLaurea, một tổ chức tập hợp số liệu về các cử nhân của 64 trường đại học ở Italy, cho biết, kể từ 2008, năm khởi đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế, số sinh viên ra trường không tìm được việc làm cho đến nay đã tăng gấp ba lần. Năm 2013, trung bình có 25,7% số cử nhân vẫn thất nghiệp dù đã ra trường ít nhất một năm. Trong khi đó, vào thời điểm năm 2008, chỉ có 10% số cử nhân không tìm được việc làm sau khi đã tốt nghiệp.

Thống kê của AlmaLaurea, dựa trên những phân tích trong 6 năm liên tiếp, từ 2008-2013, cũng cho thấy sự khác biệt giữa các thế hệ tốt nghiệp của năm 2008 và 2013 trên mức độ thu nhập. Năm 2008, nếu như một cử nhân nhận mức lương khởi điểm trung bình 1.300 euro, thì năm ngoái, nhiều trong số những người mới ra trường phải chấp nhận mức lương thấp hơn thế 20% và "không dám đòi hỏi thêm nữa" để có việc làm. Những thống kê này cho thấy bức tranh u ám của xã hội Italy trong thời kì khủng hoảng kinh tế. Báo chí nước này đã viết rất nhiều về việc năm ngoái, hơn 100 nghìn người, trong đó có tới gần 20% là sinh viên tốt nghiệp loại khá và giỏi, đã phải rời bỏ Italy ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT), trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 3 cho biết, trung bình cứ 10 thanh thiếu niên Italy tuổi từ 15 đến 24, thì có tới 4 người không đi học hoặc không đi làm. Tỷ lệ này cao nhất ở miền nam Italy, với những vùng nghèo nhất đất nước, khi lên tới hơn 50%. Sau khi lên nắm quyền vào cuối tháng 2, tân Thủ tướng Matteo Renzi đã tuyên bố, một trong những ưu tiên hàng dầu của chính phủ là đưa ra những cải cách về hợp đồng lao động nhằm bảo vệ những người lao động trẻ, trong đó có sinh viên mới tốt nghiệp, và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên. Theo dự kiến, gói cải cách này, được báo chí Italy gọi là Job Act, sẽ được trình Quốc hội vào giữa tháng này.

Theo Tin tức, Vietnamplus