Gian nan giải quyết tranh chấp lao động

13/03/2014 02:08 AM


Thời gian qua, tình trạng tranh chấp lao động (TCLÐ) liên tục diễn ra và ngày càng phức tạp. Ðiều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) cũng như cuộc sống của người lao động (NLÐ). Giải quyết thật ổn thỏa tình trạng này nhằm bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLÐ là việc không hề đơn giản...


Công nhân Công ty giày Khải Hoàn (huyện Bình Chánh) trong giờ làm việc.

Tranh chấp lao động gia tăng

TP Hồ Chí Minh là nơi có nhiều DN hoạt động, lượng công nhân, NLÐ tập trung làm việc đông đảo và cũng là nơi có số vụ TCLÐ khá nhiều. Trong giai đoạn 2007-2012, toàn thành phố xảy ra 681 vụ TCLÐ, chiếm gần 22% tổng số vụ của cả nước. Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho thấy, riêng năm 2013, trên địa bàn thành phố xảy ra 98 vụ TCLÐ tập thể với sự tham gia của hơn 34.000 lao động, trong đó, số vụ TCLÐ diễn ra tại các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ lệ cao nhất.

Nguyên nhân chính của những vụ việc này xuất phát từ mức lương, các loại phụ cấp và thu nhập của NLÐ không đồng đều, từ đó tạo ra sự so sánh về thu nhập, mức sống giữa công nhân công ty này với công ty khác. Bên cạnh đó, nhiều DN chưa chấp hành tốt các quy định của luật pháp, ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLÐ, từ đó, thường xuyên xảy ra TCLÐ dẫn đến ngưng việc tập thể trong DN. Quan trọng hơn, tổ chức Công đoàn trong các DN, chỗ dựa của NLÐ, là "trọng tài" trong các cuộc TCLÐ, nhưng thực tế có đến gần phân nửa số DN chưa hình thành được. Do vậy, khi có tranh chấp xảy ra giữa DN và NLÐ, việc can thiệp, hòa giải không kịp thời. Theo Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza), tại nhiều DN, dù đã có tổ chức công đoàn, nhưng chưa phát huy và đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ. Việc đối thoại, thương lượng giữa lãnh đạo DN và NLÐ để tháo gỡ những khúc mắc chưa được quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, việc hiểu biết về pháp luật lao động của NLÐ cũng còn nhiều hạn chế, dẫn tới ý thức chấp hành Luật Lao động chưa cao; tác phong công nghiệp trong lao động của NLÐ còn nhiều yếu kém...

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn

Ðại diện Công đoàn Hepza cho biết, toàn thành phố hiện có 15 khu chế xuất, khu công nghiệp; một khu công nghệ cao với khoảng 270 nghìn công nhân đang làm việc. Ðây là một trong những nguồn nhân lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ðể xảy ra những vụ TCLÐ đã có những tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của không ít DN và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của NLÐ. Thời gian gần đây, tình trạng TCLÐ dẫn đến đình công không đúng trình tự pháp luật lao động có xu hướng gia tăng với quy mô lớn và kéo dài, mà nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ tiền lương, tiền thưởng, giờ làm thêm, chất lượng bữa ăn giữa ca, điều kiện làm việc...

Ðể từng bước giải quyết ổn thỏa tình trạng này, theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, NLÐ và DN phải nhận thức đúng mức tầm quan trọng của tổ chức công đoàn tại DN; việc thực hiện các chế độ, chính sách cần rõ ràng, công khai để NLÐ nắm bắt kịp thời. Vai trò của tổ chức công đoàn, nhất là ở cơ sở rất quan trọng, vì đây là địa chỉ đầu tiên được NLÐ tìm đến khi xảy ra các sự cố, tranh chấp trong DN. Thế nhưng, tại nhiều DN, nhất là các doanh nghiệp FDI, chỉ xem tổ chức công đoàn là "cầu nối" để thỏa thuận các chính sách với NLÐ. Mặt khác, Công đoàn các cấp phải liên kết chặt chẽ với nhau và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ như luật định, có như vậy mới tạo lập sự bình đẳng nhất định giữa DN với NLÐ.

Ngày 4-3 vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH Young Woo (100% vốn Hàn Quốc) đóng trên địa bàn xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn hơn 231 triệu đồng do có nhiều sai phạm về pháp luật lao động trong quá trình hoạt động. Theo đó, công ty này đã chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc cho công nhân; sử dụng lao động nước ngoài trái phép; xử lý kỷ luật lao động đối với công nhân trái luật... Trước đó, vào cuối tháng 1-2013, Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã phát hiện hàng loạt sai phạm dẫn đến tình trạng nghỉ việc tập thể của hơn 300 công nhân vì không chịu nổi cách hành xử của công ty khi nâng lương nhưng lại "siết" bậc thợ, thêm nội quy, tăng tiền phạt... khiến thu nhập của công nhân có nguy cơ giảm mạnh. Các sai phạm nói trên đã được Liên đoàn Lao động huyện Hóc Môn phát hiện, khuyến cáo kịp thời nhưng ban giám đốc công ty vẫn chây ỳ.

Tuy nhiên, việc xử lý như thế không được tiến hành thường xuyên và mức chế tài cũng còn nhẹ, nên thực tế vẫn còn nhiều DN cố tình vi phạm. Hiện nay, các biện pháp giải quyết TCLÐ tập thể mới chỉ dừng ở việc xử lý hậu quả, còn các biện pháp chủ động phòng ngừa chưa được thực hiện. Ðiều này gây khó khăn không nhỏ trong việc giải quyết, nhất là ở những DN có chủ bỏ trốn hoặc phá sản.

Ðể từng bước khắc phục cũng như đề ra giải pháp giải quyết phù hợp, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời "tháo ngòi" các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi NLÐ. Cùng với đó, chọn một số địa phương làm điểm trong việc giải quyết tình trạng TCLÐ, từ đó rút kinh nghiệm, triển khai thực hiện trên diện rộng một cách lâu dài...

Theo Báo Nhân dân