Thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân theo hình thức bảo hiểm y tế (bài 1)
07/05/2013 09:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 28-11-2012, Thường vụ Quân ủy Trung ương ban hành Chỉ thị 709-CT/QUTW về tổ chức thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ theo hình thức bảo hiểm y tế (BHYT). Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã khảo sát tại tuyến đảo Đông Bắc và một số đơn vị hải quân, biên phòng, bước đầu nhìn nhận ưu điểm và những vấn đề đặt ra khi thực hiện đề án này. Website BHXH Việt Nam xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài 1: Bộ đội mừng nhưng còn băn khoăn
Sau hơn 2 giờ đồng hồ tàu chạy trên biển, chúng tôi cập vào xã đảo Thanh Lân (huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh). Thiếu tá Nguyễn Thành Lê, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Thanh Lân nhắc đến chuyện Trung úy Đỗ Đức Việt, Đội trưởng Đội vũ trang của đơn vị trong quá trình đi tuần chẳng may gặp tai nạn. Nếu như trước đây, việc đưa Việt đi cấp cứu, điều trị gặp rất nhiều khó khăn do các thủ tục hành chính rắc rối thì đến nay, việc đó không còn gì trở ngại. Đồn biên phòng Thanh Lân nằm trong đội hình chung của Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, đang tham gia Đề án thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT, Trung úy Đỗ Đức Việt đã được cấp thẻ BHYT nên anh đến sơ cứu ở điểm đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu là Trung tâm y tế huyện Cô Tô, rồi chọn phương án vào điều trị tại Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
Từ trường hợp của Trung úy Đỗ Đức Việt, tôi lại nhớ đến vấn đề Đại tá Lê Đức Thái, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh đề cập trước khi ra đảo Thanh Lân:
- Từ các đảo như Thanh Lân, Cô Tô vào đến bệnh viện quân y gần nhất là Bệnh viện 7 (Quân khu 3), quãng đường cả trên bộ và trên biển là 300km. Nhiều năm qua, mỗi khi phải chuyển tuyến chữa bệnh, quân nhân ở các đồn biên phòng thuộc địa bàn Quảng Ninh đều đi theo tuyến đó, trừ trường hợp cấp cứu. Đến nay, với việc anh em được cấp thẻ BHYT, có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ngay tại các cơ sở dân y tại địa phương với trình độ chữa trị tương đương. Có thể nói, chính thẻ BHYT đã giúp cho đảo với bờ gần lại.
Cán bộ BHXH Bộ Quốc phòng thăm hỏi quân nhân đang điều trị tại Bệnh xá Vùng 3 Hải quân.
Tâm sự của anh Thái cũng trùng với suy nghĩ của Đại tá Mai Thế Hoạt, Phó chính ủy Vùng 1 (Quân chủng Hải quân):
- Hải quân Vùng 1 là đơn vị nòng cốt làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của 8 tỉnh phía Bắc từ Quảng Bình ra Quảng Ninh. Đặc điểm của đơn vị là hoạt động phân tán, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu chỉ do tuyến quân y đảm nhiệm nên quân nhân ốm phải đi lại rất khó khăn. Nay tham gia thí điểm sử dụng thẻ BHYT, bộ đội rất phấn khởi. Ngay từ cuối năm 2012, chúng tôi đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị. Nhiều đảo xa xôi như Bạch Long Vĩ vẫn hoàn thành kịp tiến độ; 100% cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã có thẻ, đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Trung tâm y tế của huyện Bạch Long Vĩ rất thuận lợi.
Rời tuyến đảo Đông Bắc, chúng tôi ngược lên thăm các đồn, trạm biên phòng dọc tuyến biên giới Quảng Ninh. Gặp Trung úy Trần Ngọc Điệp, cán bộ Đồn biên phòng Vạn Gia (Móng Cái, Quảng Ninh) đang chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Móng Cái, anh cho biết:
- Tôi là người đầu tiên của đơn vị sử dụng thẻ BHYT quân nhân đến điều trị tại bệnh viện này. Các đồng chí cán bộ BHXH ở đây hướng dẫn tôi các thủ tục rất đầy đủ, các bác sĩ điều trị rất tận tình, phương tiện máy móc khá hiện đại. Tôi bị viêm hạch cổ bên trái, bác sĩ nói chỉ 10 ngày là có thể ra viện. Anh em đơn vị lên thăm, không chỉ mừng cho tôi mà mừng chung cho cả đơn vị. Trước đây, khi ốm đau chúng tôi phải đi 200km mới về đến Trạm xá Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh để chữa trị. Nay chỉ vài chục ki-lô-mét đã đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện lớn, rất thuận tiện.
Mừng cho Điệp, mừng cho các đồng đội của anh đang ngày đêm làm nhiệm vụ ở những đồn biên phòng xa xôi, hẻo lánh, chúng tôi thấy vui vui khi chiếc thẻ BHYT nhỏ bé đã và đang mang lại một sự chăm sóc lớn cho những người đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biên giới và chủ quyền biển, đảo quê hương.
Bên cạnh những ưu điểm là chủ yếu, việc sử dụng thẻ BHYT cũng còn để lại cho các quân nhân một số băn khoăn. Thượng tá Bùi Thế Tuyên, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cô Tô phản ánh:
- Vấn đề đặt ra khi quân nhân đi chữa bệnh tại các cơ sở y tế dân y là không có người chăm sóc như bệnh viện quân đội, đơn vị phải cử đồng đội đi theo giúp đỡ. Bên cạnh đó, việc thanh toán cước phí vận chuyển người bệnh của cơ quan BHXH chỉ được tính từ nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Trong khi ở đảo chúng tôi, chỉ di chuyển người bệnh từ đảo vào bờ đã là một khoản chi phí lớn, trước thì sử dụng ngân sách quốc phòng, nay quân nhân sử dụng thẻ BHYT thì không biết khoản chi phí này lấy ở đâu?
Đại tá Bùi Văn Tám, Phó chính ủy Vùng 3 Hải quân cũng cho biết:
- Bước đầu, việc sử dụng thẻ BHYT có gây khó khăn cho quân nhân là sĩ quan, QNCN hay phải luân chuyển nơi công tác, việc đổi thẻ mất thời gian, thẻ chưa kịp đổi mà ốm đau thì khá bất tiện.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ BHYT là vấn đề mới, việc quán triệt Chỉ thị 709 ở các cơ quan BHXH và trung tâm y tế dân y trên toàn quốc chưa thật tốt. Đã có nhiều trường hợp quân nhân sử dụng thẻ BHYT nhưng không được các bệnh viện dân y chấp nhận, đành chuyển sang khám dịch vụ, hoặc có nơi thu phí 20% cùng chi trả... Những vấn đề trên, chúng tôi xin nêu ở bài viết khác.
Nguồn Báo QĐND
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...