Tự trau dồi tiếng Anh để tìm cơ hội làm giúp việc cho... Tây
06/05/2013 06:53 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Một nghề dường như không hề liên quan đến văn phòng, ứng viên cũng lên mạng đăng thông tin cá nhân, giới thiệu kinh nghiệm làm việc và đặc biệt là khả năng ngoại ngữ... đó là nghề giúp việc cho Tây.
Trong khi nhiều sinh viên ra trường còn thụ động ngồi một chỗ chờ người thân xin việc, hoặc chỉ quen nộp hồ sơ giấy khi đến công ty, thì "ôsin" cho người nước ngoài tỏ ra rất thức thời khi họ tự đăng thông tin giới thiệu bản thân, kĩ năng, kinh nghiệm làm việc, khả năng tiếng Anh của mình... lên Internet để gia chủ tự liên hệ nếu thấy phù hợp. Họ cũng rất nhạy bén khi không bao giờ đăng tin trên các trang mạng thông thường, mà tìm đến các diễn đàn mua bán, trao đổi dành riêng cho người nước ngoài, nơi cộng đồng người ngoại quốc thường xuyên ghé thăm để tìm kiếm thông tin quán ăn, mua - bán những vật dụng hàng ngày, trao đổi giao lưu văn hóa.
Trên trang web dành cho người nước ngoài, dễ dàng bắt gặp những bức thư xin việc 100% bằng tiếng Anh với nội dung như sau: "Xin chào. Tôi tên là Tuyết. Tôi năm nay 26 tuổi, tôi có 4 năm kinh nghiệm làm người giúp việc. Tôi tháo vát, trung thực, đúng giờ và là một người trách nhiệm. Tôi làm việc chăm chỉ và có thể làm việc dưới áp lực cao. Tôi lau nhà tốt. Tôi có thể nấu các món ăn Việt Nam và sẵn sàng học nấu các món Âu. Tôi cũng có thể đi chợ, là quần áo... Tôi yêu trẻ con nên tôi chăm sóc và chơi với chúng rất tốt. Tôi đã từng tham gia một khoá học ngắn hạn về trẻ em nên tôi hiểu tâm lý trẻ con và có thể làm gia sư cho chúng khi cần. Tiếng Anh của tôi tốt, đặc biệt là trong giao tiếp và thỉnh thoảng có thể làm phiên dịch nếu cần. Tôi đã từng dạy tiếng Việt nên nếu quý vị cần một gia sư tiếng Việt thì tôi cũng là một lựa chọn không tồi. Nếu quý vị cảm thấy hứng thú với đơn ứng tuyển của tôi, xin vui lòng liên hệ... Cảm ơn đã quan tâm". Nội dung các bức thư xin việc kiểu này thường ngắn gọn nhưng đầy đủ, súc tích, thậm chí có ứng viên còn sử dụng những thuật ngữ trang trọng như "to whom it may concern" (gửi những người có thể lên quan) ở đầu thư, "yours sincerely" "best regards" (trân trọng) ở cuối thư.
Cũng giống như bao người đi xin việc khác, các ứng viên "ôsin" cho người nước ngoài cũng trải qua đủ các bước, từ nộp hồ sơ ứng tuyển, phỏng vấn, thỏa thuận tiền lương đến điều kiện làm việc. Có người muốn ở lại nhà gia chủ, nhưng phần lớn họ yêu cầu được làm việc theo ca, hoặc theo giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6, nghỉ thứ 7, chủ nhật. Nếu như những ôsin thông thường có ngoại hình hơi "quê mùa", nấu ăn không vừa ý gia chủ thì họ, những người giúp việc cho Tây, thường trẻ, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp... nấu ăn ngon, thậm chí có người còn biết lái ôtô để đưa đón trẻ nhỏ và làm tài xế khi cần. Cũng chính vì những ưu điểm vượt trội ấy, họ nhận được mức lương cao hơn hẳn so với người giúp việc thông thường, dao động từ 4 triệu rưỡi đến 6 triệu, tùy theo điều kiện và thời gian làm việc. Thậm chí, những người có thể lái xe, dạy trẻ con học tiếng Việt còn được nhận mức thù lao trên 7 triệu đồng - mức lương mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường.
Chị Nga, người từng nhiều năm làm giúp việc cho người nước ngoài, kể rằng, trước đây chị cũng làm giúp việc cho các gia đình Việt Nam. Sau đó, được bạn giới thiệu, chị chuyển đến làm cho một gia đình người Mỹ. Do họ thích ăn các món ăn Việt Nam, chị lại nấu ăn ngon nên dù không biết tiếng Anh, chị vẫn được nhận vào làm với mức lương cao gấp rưỡi trước đó. Làm việc rất thoải mái, chị thỉnh thoảng còn được nghỉ thứ 7, chủ nhật vì gia chủ hay đi du lịch cuối tuần. Song, thấy bất tiện trong giao tiếp, chị đã đăng kí một khóa học tiếng Anh buổi tối và tranh thủ học tiếng từ họ. Sau một thời gian, vấn đề giao tiếp hàng ngày không còn là trở ngại đối với chị Nga. Sau khi gia đình người Mỹ đó về nước, với kinh nghiệm làm việc và vốn tiếng Anh sẵn có, chị dễ dàng xin việc ở các gia đình người nước ngoài khác với mức lương thỏa đáng và điều kiện làm việc hơn hẳn các gia đình Việt.
Không giống chị Nga, Nguyễn Thị Lan - quê ở Ninh Bình, đã tốt nghiệp trung cấp chưa từng làm giúp việc và cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm giúp việc. Ra trường, muốn ở lại Hà Nội nhưng Lan không xin được việc. Tình cờ, bà chị họ Lan đang làm giúp việc cho người nước ngoài, bảo: "Trong thời gian chờ xin việc cứ làm giúp việc cho Tây như tao thử xem, vừa có thu nhập lại có cơ hội nâng cao khả năng tiếng Anh". Ban đầu Lan không chịu nhưng thất nghiệp ở nhà cả năm trời nên quyết định nghe lời chị họ. Ban đầu cũng chỉ định làm một thời gian trong lúc chờ xin việc, song làm việc với người nước ngoài thấy thoải mái, trình độ tiếng Anh lại được cải thiện rõ rệt, lương lậu thì hơn hẳn mấy đứa bạn nên hiện giờ Lan không còn ý định đi xin việc ở ngoài nữa. Cô đang tính học lái xe để thỉnh thoảng làm tài xế cho gia chủ, khi đó lương sẽ cao hơn.
Sáng làm công chức, tối bán sữa chua
Thời khó khăn, mỗi người có một cách giải quyết để khắc phục hoàn cảnh của mình, dưới đây là câu chuyện của một công chức trẻ:
"Có chỗ làm oách nhưng ít ai biết rằng để trụ lại Thủ đô, tối tối tôi phải hì hụi bán sữa chua đến tận nửa đêm. Tôi mới ra trường và đi làm được 2 năm nhưng trong 2 năm ấy tôi thấy mình nghèo đi 5,6 lần ấy chứ. Hồi còn sinh viên, cách đây tầm hơn 2 năm thôi, tôi ở trong kí túc xá, tiền nhà đóng 1 cục cả kỳ, mỗi tháng mẹ gửi cho 1 triệu cả tiền ăn và tiêu vặt. Cộng với tiền lương đi gia sư 900 ngàn mỗi tháng, cả thảy tôi có 1,9 triệu. Ấy thế mà tôi vẫn sống khỏe re, vẫn có tiền mua sắm quần áo mới, thỉnh thoảng đi du lịch với bạn bè cùng lớp nữa. Theo ý nguyện của bố mẹ, vừa ra trường là tôi thi vào làm công chức của một cơ quan trực thuộc một bộ. Chỗ làm “oách” nhưng nói đến lương thì nản hẳn. Lương khởi điểm năm đầu tập sự chỉ được hưởng 85%, tháng tháng lĩnh đều 2 triệu đồng chẵn. Hết tập sự được lĩnh 100% lương, tháng tháng lĩnh 2,4 triệu có lẻ vài đồng. Với số tiền ấy, chỉ đủ xăng xe, tiền ăn trưa và thỉnh thoảng mời các chị cùng phòng cốc cà phê. Mỗi tháng mẹ vẫn phải “dúi” thêm cho 1 triệu trả tiền thuê nhà.
Từ ngày đi làm, kiếm ra tiền, cuộc sống lại khó khăn hơn cái thời “ăn bám” mới lạ. Hồi Tết về, ai cũng nghĩ tôi đi làm ở cơ quan to thế, chắc thưởng Tết phải to lắm, mẹ muốn lấy mặt với họ hàng cũng nói đại ý nó được tháng lương thứ 13, 4 -5 triệu gì đó. Ai biết rằng tiền thưởng Tết của tôi chỉ được có 2 trăm ngàn, đến tôi cũng sững sờ. Tôi phải vay tiền bạn để mừng tuổi ông bà, bố mẹ, em trai và một đàn em nhút nhít của cô dì chú thím nữa. Ra Tết là nợ ngập đầu. Tình hình căng quá, tôi phải cắt giảm mọi chi tiêu. Đầu tiên là quyết định chuyển đến ở ghép với 3 người lạ hoắc, ở chật nhưng được cái nhà gần cơ quan nên đi lại đỡ tốn xăng. Khoản ăn uống cũng tiết kiệm kha khá bởi trưa về ăn cơm đỡ tiền ăn quán, đỡ cả tiền cà phê cà pháo, lại được chợp mắt một lúc nên khỏe re. Bà chủ nhà có cô con gái mở quán bán sữa chua mít, cần người phục vụ buổi tối. Mình làm công chức, chẳng lẽ lại đi bán sữa chua? Sau một vài đêm vắt tay lên trán cân nhắc, tôi quyết bỏ qua sĩ diện để kiếm tiền. Giờ đây, mỗi tháng tôi cũng có 2 triệu tiền làm thêm, hơi vất vả một chút nhưng đỡ phải chìa tay xin tiền mẹ. Thời buổi kinh tế khó khăn, tôi hiểu rằng, có việc làm đã quý, dù công việc chân tay hay đầu óc, miễn sao lương thiện, kiếm tiền bằng sức lao động của mình thì tôi sẽ làm. Và biết cách chi tiêu hợp lý thì đồng lương có còi đến đâu chúng ta vẫn cứ trụ được!
Theo VEF
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...