Xót lòng những đứa trẻ mưu sinh xuyên màn đêm
04/05/2013 08:19 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trông chúng kéo, bốc, vác các bao, các sọt trái cây nặng cả tạ, không ít người lớn phải trố mắt ngạc nhiên vì sức vóc của các em còn quá nhỏ để có thể làm những công việc này.
Đội quân bốc vác nhí tại chợ nông sản Thủ Đức
Mỗi tối khi màn đêm buông xuống, những đứa trẻ lại túa ra khắp các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM để tìm kế mưu sinh.
Những chuyến hàng lúc tờ mờ sáng
Chúng tôi đến chợ nông sản Thủ Đức khi trời mới chỉ chừng 3 giờ sáng nhưng đã tấp nập người mua kẻ bán. Tuy là buổi sáng sớm nhưng không khí trong chợ đã nóng nực bởi mùi các loại rau quả bốc lên hầm hập. Chưa kịp quan sát toàn bộ khu chợ thì bỗng có một toán trẻ nhỏ chừng hơn chục đứa hòa vào dòng người lớn, túa ra bên hông chợ thi nhau khuôn các giỏ hàng vào các sạp trong chợ. Đứa lớn nhất chừng 17 tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ tầm khoảng 10 tuổi thay nhau chất hàng từ trên các xe tải nhỏ xuống, đặt vào các giỏ tre có bánh lăn rồi kéo đi. Mỗi lần chuyển hàng vào sạp, chúng phải kéo ít nhất đến 3 giỏ trái cây đầy, chất cao, che lút cả người. Vậy mà đứa nào đứa nấy cũng kéo nhanh, thoắt ẩn thoắt hiện, khiến tôi không kịp bắt chuyện. Chốc chốc, nóng quá, chúng cởi luôn cả áo, vắt lên vai rồi lại cặm cụi bốc, xếp, kéo.
Phải đợi đến lúc không có ai thuê bốc xếp đồ và không có những bảo vệ chợ đi kè kè ở bên, tôi mới bắt chuyện được với N. Nhìn N. nhỏ xíu, không ai nghĩ rằng năm nay em đã bước qua tuổi 11 nhưng có thâm niên làm bốc vác gần 2 năm. Cậu bé kể, ngay từ lúc mới tập đi, em đã theo cha mẹ ở dưới Cần Thơ lên thành phố rồi vào đây sinh sống. Lúc đầu, em đi nhặt rau, nhặt trái cây hỏng hay xách những đồ nhẹ. Mỗi đêm cũng kiếm được mấy chục ngàn phụ thêm với cha mẹ để mưu sinh. Rồi dần dần N. thuê một chiếc xe đẩy và tìm một góc nào đó trong chợ ngồi chờ khách. Đang ngồi nói chuyện với tôi, em chợt quay ra ngoài kêu lớn: “T.! Làm gì đó lại đây biểu cái này coi”. Quay sang tôi, em nói: “Cuộc sống của em tuy vất vả nhưng so với khối đứa trạc tuổi thì em vẫn còn sướng chán, bởi em còn có gia đình, có cha mẹ nên không đến nổi vất vả như thằng T. này. Nó phải tự kiếm sống từ năm mới có 9 tuổi, làm rất nhiều việc từ rửa chén cho một tiệm hủ tiếu đến bốc vác thuê. Bố mẹ nó ly hôn rồi, ở với mẹ thì đói mà về với cha thì không chịu được những đòn roi của người cha nghiện ngập nên T. quyết định tự mình kiếm sống”.
Chỉ vào những vết sẹo trên người của T., N. tiếp: “Một ngày làm việc của các em bắt đầu từ 8 giờ tối đến tận 6 – 7 giờ sáng hôm sau. Lúc này, bọn nó lại tìm về gầm cầu hay công viên ngủ lấy sức. Đã mấy lần T. bị bắt vào trại, những vết sẹo trên người nó là do đám đàn anh trong trại để lại đó chị”. Với thái độ dè chừng, nhút nhát, T. cho biết, sau mỗi đêm kiếm sống ở đây, em không còn dám ngủ ở gầm cầu nữa mà vào quán nào có võng gọi món gì rẻ nhất rồi chiếm một chiếc ngủ tạm. Thường thì, chủ quán họ cũng biết nên họ không đuổi, khi nào khách đông thì mình lại nhường cho họ. Thế mà đã mấy năm nay em phải ngủ như thế.
Bán sức khỏe, mua bệnh tật
Theo chỉ dẫn của N., chúng tôi tiến về phía nhà lồng đang bày bán la liệt rau, củ, quả, nơi có một em trong hội này đang làm. Trong một gian hàng, K. ngồi lọt thỏm giữa đống bơ to tướng. Dù chỉ lựa và phân loại bơ nhưng mảnh lưng trần của K. mồ hôi vã như tắm. K. nói: “Mỗi đêm em phải điểm mặt 100 thùng trái cây. Có ngày hàng về nhiều tới 150 thùng. Phải tốc độ vậy mần mới kịp”. Câu chuyện của chúng tôi bị đứt quãng bởi âm thanh chát chúa từ đội xe “di động” sầm sập ngang qua. Chợ có trên dưới 500 xe đẩy, cả nam cả nữ, người già lẫn trẻ con... chạy rầm rập trên đường, chạy ngược chạy xuôi giữa biển người và hàng. Một chiếc xe đẩy chất đầy bịch xốp trái cây lao về phía chúng tôi. “Tài xế” là một... cậu nhóc đen sì, nhỏ thó, chừng 7, 8 tuổi. Em làm nhanh và thuần thục chẳng kém gì người lớn.
Theo tâm sự của các em thì hiện tại rất ít có người thuê trẻ con đẩy hàng bởi họ nghĩ chúng là trẻ bụi đời, ăn cắp, sợ đẩy hàng rồi… trốn luôn. Nếu có thuê, họ cũng luôn mắt canh chừng, trả thù lao rẻ hơn của người lớn rất nhiều. Bởi vậy mà nhóm của N. phải kết hợp với mấy anh chị lớn tuổi hơn đứng ra nhận mối rồi giao lại cho tụi nhỏ. Khó khăn, cực nhọc là vậy nhưng nhóm của N. cũng có nguyên tắc: Không bao giờ được ăn cắp đồ của người khác dù có chết đói! Chỉ đến khi hơn 6 giờ sáng, công việc kết thúc, trên mỗi gương mặt của các em, nỗi khoan khoái khi chấm dứt một đêm lao động cật lực không lấn át được những cái ngáp dài. Ban ngày nhìn rõ mặt mới thấy nét phờ phạc thiếu ngủ in hằn trên khuôn mặt của từng em.
Trao đổi với PV, anh N.V.N, một trong những người có thâm niên hoạt động tại một nhóm công tác xã hội trên địa bàn thành phố tiết lộ, không chỉ có ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức mà tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng có rất nhiều trẻ em cứ đêm đến là lượm trái cây còn sót lại đem bán lại cho các tiểu thương, kiếm chút tiền. Hay như tại chợ Bình Điền, tập trung nhiều em nhỏ đến bốc vác, khi chợ tan thì thuê võng nghỉ ngơi tại chỗ. Phải làm việc nặng khi còn quá nhỏ nên em nào cũng ốm yếu, chưa kể việc hít phải không khí bụi bặm trong thời gian dài nên các em thường hay than bị những cơn đau lưng, đau khớp… hành hạ. Thêm vào đó là bệnh ho, phổi hàng ngày đeo đuổi đến từng hơi thở. Trong khi đó, các em lại không có hợp đồng, không có BHYT và cũng không có tổ chức nào đứng ra bảo vệ!
Theo SGTT
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...