20 năm tìm đáp án cho bài toán lương - mức sống tối thiểu
22/04/2013 08:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc lương tối thiểu chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu một lần nữa lại được xới lên. Tuy nhiên, vẫn lại là những câu chuyện cũ kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Điệp khúc “không đủ sống”
Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tiếp tục đưa ra những con số khẳng định mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được hơn 50% mức sống tối thiểu. Theo khảo sát mới nhất được thực hiện tại các loại hình doanh nghiệp ở 10 tỉnh thành trên cả nước, mức sống tối thiểu của một lao động thuộc vùng 1 khoảng 3,7 triệu đồng/tháng (bao gồm nhu cầu lương thực, thực phẩm là 888 nghìn/tháng; nhu cầu phi lương thực, thực phẩm (chỗ ở, đi lại, hưởng thụ văn hoá…) khoảng 1,3 triệu đồng/tháng; và nhu cầu nuôi 1 con là 1,55 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, mức lương tối thiểu tại vùng này hiện là 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng được 53,2% mức sống tối thiểu. Nếu đem cách tính toán trên áp vào tiền lương tối thiểu chung (1.050.000 đồng/tháng), thì chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu sống tối thiểu cho lao động vùng 1.
Thông tin mà kết quả khảo sát đưa ra không mới, nó gần như là một điệp khúc được lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, phản ánh thực tế là mức lương tối thiểu hiện nay còn thấp, không đủ cho người lao động có thể trang trải một mức sống tối thiểu. Mặc dù trên lý thuyết là phù hợp với kinh tế thị trường, nhưng thực tế là chưa đảm bảo được mục tiêu tái sản xuất sức lao động, chưa nói đến việc tích luỹ. Tổ chức Oxfam Việt Nam cũng nhận định, khi mức lương không đủ sống, người lao động bắt buộc phải làm thêm giờ để có thể nuôi sống được gia đình, phải cắt giảm những chi tiêu đã được xem là tối thiểu nhất; và thậm chí không tiết kiệm nổi cho các chi tiêu đột xuất như ốm đau, hiếu, hỷ… Lương tối thiểu thấp sẽ tác động đến không chỉ cuộc sống hiện tại mà cả cuộc sống trong tương lai của người lao động. Nhiều người đang hưởng lương hưu phải sống một cuộc sống nghèo khổ. Và sẽ có ít nhất 9,4 triệu lao động đang đóng BHXH sẽ tham gia vào một lớp người nghèo mới khi họ nghỉ hưu.
20 năm tìm đáp án
Mức lương tối thiểu hiện nay là thấp, không đủ sống, cần phải điều chỉnh… Tuy nhiên, điều chỉnh như thế nào, lấy gì để điều chỉnh, lại là bài toán khó tìm lời giải. Ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết vấn đề cải cách tiền lương, làm thế nào để lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu đã được “tranh cãi” hơn 20 năm nay, và vẫn chưa tìm ra được đáp án. Tuy nhiên, theo ông thì vấn đề cải cách tiền lương hay điều chỉnh tiền lương tối thiểu không chỉ phụ thuộc vào mức sống của người lao động: “Nếu là lương khu vực nhà nước còn phụ thuộc vào ngân sách, còn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thì phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp… Khi trình độ tay nghề kém, năng suất lao động thấp, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động cũng không thể “đòi hỏi” doanh nghiệp phải chi trả một mức lương cao được”.
Ví dụ cụ thể trong năm 2013, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vì thế, Chính phủ đã phải quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2013 tăng ở mức 16 đến 18% ( trong khi mức dự kiến ban đầu là 35 đến 37%). Đối với khu vực hưởng lương ngân sách, mức điều chỉnh sẽ là 1,15 triệu đồng/tháng từ 1/7/2013 thay vì điều chỉnh lên 1,3 triệu đồng từ 1/5/2013 như đã trình. Như vậy, nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu theo đúng lộ trình thì mức tăng sẽ rất lớn và doanh nghiệp không chịu được. Còn nếu điều chỉnh để đảm bảo ngay nhu cầu sống tối thiểu của người lao động thì rất nhiều doanh nghiệp phá sản và tất yếu tình trạng thất nghiệp sẽ tăng cao. Đồng quan điểm trên, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng khó có thể cải cách tiền lương khi ngân sách có hạn, mà số lao động biên chế lại tăng cao hằng năm. Muốn tăng lương, chắc chắn phải rà soát, thanh lọc lại và cắt giảm biên chế một số vị trí, thành phần. Những giải pháp cải cách, điều chỉnh tiền lương sao cho phù hợp sẽ được đưa ra bàn bạc và thảo luận thêm vào cuối tháng 4 này.
Tiền lương luôn "chạy" theo nhu cầu sống tối thiểu
Những năm qua, chính sách tiền lương tối thiểu ở nước ta từng bước được đổi mới để phù hợp với kinh tế thị trường. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức và 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện tại, mức lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Đâu là căn nguyên của vấn đề này? Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trả lời phỏng vấn về vấn đề này.
Thưa ông, xin ông cho biết hiện nay mức lương tối thiểu đang được tính dựa trên những yếu tố nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tiền lương cơ bản, hay tiền lương tối thiểu của chúng ta hiện nay đang tính trên cơ sở xác định nhóm rổ hàng hóa để xác định nhu cầu của người lao động và có một phần để người lao động dùng cho nuôi đối tượng ăn theo. Thứ 2 là căn cứ vào đánh giá nhu cầu trên thị trường lao động. Thứ 3 là căn cứ vào tốc độ GDP và thứ 4 là căn cứ vào trượt giá. Đó là phương pháp để tính toán. Còn tiền lương hiện nay chúng ta phải tách 2 làm khu vực. Khu vực sản xuất kinh doanh thì theo Bộ Luật lao động quy định từ 1/5/2013 này tiền lương là căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Thứ 2 là tiền lương phải căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội. Khi mà kinh tế xã hội phát triển có nghĩa là năng suất lao động xã hội tăng lên, GDP tăng lên thì tiền lương cũng được điều chỉnh. Thứ 3 nữa là khi mà giá sinh hoạt thay đổi tiền lương cũng được điều chỉnh.
Trong khu vực sản xuất kinh doanh, hiện nay chúng ta xác định tiền lương tối thiểu căn cứ vào 3 yếu tố đó và phải chia theo các vùng. Khi 3 yếu tố tiền lương đó thay đổi, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động thì Chính phủ phải điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động, căn cứ vào đề xuất của Hội đồng quốc gia về tiền lương. Còn lương của khu vực hành chính xác định căn cứ vào trình độ phát triển kinh tế xã hội, tức là tốc độ tăng trưởng kinh tế; thứ 2 cũng phải căn cứ vào nhu cầu sống tổi thiểu của người lao động. Nhưng vấn đề quan trọng nhất của chúng ta hiện nay là lương của khu vực hành chính sự nghiệp là hoàn toàn căn cứ vào ngân sách Nhà nước, bởi vì tiền lương là thu nhập quốc dân trả cho người lao động thông qua số lượng và chất lượng lao động. Cho nên bây giờ chúng ta phải làm sao để xác định đúng vị trí việc làm của công chức. Anh ở vị trí nào thì lương đáp ứng nhu cầu đó.
Chúng ta đang hướng tới mục tiêu là mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, song thực tế những năm qua cho thấy khoảng cách này còn quá xa. Vậy vấn đề này là gì, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Hiện nay không điều chỉnh được tiền lương là do năng suất lao động của chúng ta quá thấp. Năng suất lao động từ năm 2000 đến nay có xu thế giảm đi. Năm 2010, năng suất lao động cả xã hội của chúng ta là 4,4; đến 2011 còn có 3,8. Năng suất lao động giảm thì làm sao tiền lương tăng lên được và nhu cầu đời sống tăng lên được. Đây là cái bất hợp lý, cho nên tiền lương của chúng ta luôn luôn chạy theo nhu cầu sống tối thiểu. Khu vực sản xuất kinh doanh dù chúng ta điều chỉnh thêm 17% từ 1/1/2013, nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được 62 đến 69% và khu vực hành chính sự nghiệp còn thấp hơn, bằng khoảng 70% lương tối thiểu của khu vực sản xuất kinh doanh. Tiền lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 69% là cao nhất thì làm sao đáp ứng được nhu cầu, vẫn thiếu 30% nhu cầu sống tối thiểu.
Theo ông, để quyết bài toán lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động, phải bắt đầu như thế nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Để đảm bảo tiền lương tối thiểu phải gắn chặt với nhu cầu tối thiểu, tôi nghĩ mức sống tối thiểu phải là mức sống chung của cả xã hội. Mức sống đó phải được căn cứ, tính toán trên nhu cầu đáp ứng lượng calo hàng tháng của người lao động. Thứ 2 là phần phi lương thực để người ta đảm bảo các tiêu dùng về sinh hoạt như nhà ở, học hành, chữa bệnh… và thứ 3 phải có điều kiện để nuôi con cái, nuôi bố mẹ. Phải có cơ quan thống kê điều tra. Mà không có cơ quan nào khác ngoài cơ quan có tư cách pháp nhân của Nhà nước- đó là Tổng cục thống kê, tiến hành một cuộc khảo sát lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu, lựa chọn khu vực đồng đều. Chất lượng điều tra đúng, chúng ta sẽ có kết quả đúng. Việc đó bây giờ đang giao cho Tổng cục thống kê tính toán để đề xuất với Chính phủ.
Theo VnEconomy, VOV
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...