Lao động đổ về quê kiếm việc
05/04/2013 09:24 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Không chỉ kiếm việc khó khăn, thu nhập không ổn định mà chi phí sinh hoạt, thuê nhà ở cũng tăng vọt theo đà lạm phát. Trở về quê đang trở thành làn sóng của lao động xuất thân từ nông thôn, đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán trở lại đây.
Người lao động ngoại tỉnh chật vật kiếm sống ở thành thị
Thành phố ngày càng khó sống
Cầu Trắng nằm trên đường Giải Phóng (Hà Nội), cách Ngã tư Vọng khoảng 500m về hướng Giáp Bát, từ lâu là nơi tập kết của lao động chân tay (mà dân tình thường gọi nôm na là "cửu vạn"), với đa phần đến từ các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên và Thanh Hóa. Từ sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ trở lại đây, "điểm tập kết" này trở nên vắng vẻ lạ thường, chỉ còn dăm bảy người vẫn kiên trì ra ngồi chờ việc, khác hẳn hình ảnh lúc nào cũng thấy 15 - 20 người túm tụm bên thúng mủng, cuốc xẻng, xe thồ trước đây. Rít hơi thuốc lào đến cháy nõ, anh Nguyễn Quốc Hưng - quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) cho biết mới trở lại Hà Nội cuối tháng Giêng, "nhưng xem tình hình có khi ít bữa nữa phải về thôi. Không kiếm được tiền còn có vợ cho bữa ăn. Ở đây hôm nào không ai thuê việc là méo mặt".
Bữa cơm 10 nghìn không đủ no, ngủ 10 nghìn mỗi hôm, không dám thuê nhà trọ, mà ở tập thể cả chục người một căn phòng có mỗi cái phản, trong làng Tám hoặc ngõ Phan Đình Giót (dọc đường Giải Phóng). Đó là tình trạng chung của dân "cửu vạn" trong giai đoạn này. Anh Hưng cho biết nhiều bạn cùng làng anh, sau Tết đã không đi nữa, hoặc đi mấy bữa rồi về vì không có việc làm. "Tôi mang 2 trăm, 10 ngày nay làm được 2 trăm nữa, đủ tiền ăn ngủ. Về nhà cuốc ruộng cho xong". Một cậu còn khá trẻ ngồi cạnh anh Hưng, nói giọng Thanh Hóa, buông thõng: "Qua rằm về quê, xem thế nào không lại đi lưới!".
Lao động phổ thông là vậy. Lao động cấp thấp cũng không khá gì hơn với tâm lý muốn trở về quê tìm việc hoặc quay lại nghề nông. Chị Lại Thị Chi là công nhân một công ty may mặc trong khu công nghiệp Sài Đồng (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết bạn cùng phòng chị 6 người (trong căn phòng khoảng 15m2, với giá 1,5 triệu/phòng/tháng), từ sau Tết Nguyên Đán, chỉ có 4 người (cả chị) trở lại Hà Nội để làm việc. Một người lấy chồng trước Tết, ở nhà làm ruộng. Người khác do công ty kinh doanh do khăn, phải cắt giảm nhân lực, dù không thuộc diện đó nhưng cũng bị hạ phần làm thêm giờ, có lẽ vì thế mà không thấy xuống đi làm nữa. Chị Chi cho biết đang phải tìm thêm người ở cùng chứ 4 chị em một tháng trả tiền nhà và tiền ăn cũng hết cả triệu đồng, trong khi lương được 2,5 triệu; giá cả sinh hoạt ngày càng cao mà chủ nhà cũng đang dậm dịch việc tăng thêm 100 ngàn tiền nhà mỗi tháng.
Tự mình làm "ông chủ"
Hôm qua tôi có việc phải đi taxi. Cậu lái xe còn khá trẻ, cho biết đã làm nghề được gần 5 năm. "Mấy tháng nay đói quá anh ạ, ngày nào nhiều được 8-9 trăm, có ngày 1-2 trăm là hết. Khách chả có mấy, có khi đỗ xe nằm cả nửa ngày mà không thấy tổng đài gọi báo khách ở khu vực mình chốt", cậu thật thà khi tôi hỏi về công việc. Lã Văn Hiển - tên đầy đủ của cậu lái xe, tôi đọc được ở tấm phù hiệu kèm ảnh đặt bên cạnh đồng hồ đo km - cho biết, cả 2 tuần trước, trong và sau Tết, cậu "kiếm" được tổng cộng khoảng 8,5 triệu; trong đó 3 triệu trả cho chủ xe (người có tiền, mua xe cổ đông với hãng taxi rồi thuê người lái), đổ xăng khoảng 3 triệu nữa, còn bỏ túi được 2,5 triệu, bằng đúng 1/3 thu nhập của Tết Nhâm Thìn 2012. Hiển cho biết người chủ xe cũng đang tính rút cổ phần ra khơi hãng taxi do không thu hồi được vốn. "Lúc nào chú ấy lấy lại xe thì em về quê, không lái taxi nữa. Hôm trước cũng bàn với ông bà già rồi, mang đặt sổ đỏ, vay mượn thêm mua cái xe Cửu Long chạy túc tắc cũng đủ ăn, mà còn khỏe hơn lái taxi. Vừa tự mình là ông chủ, vừa tự thu tự chi có đến đâu ăn đến đấy".
Câu chuyện của cậu thanh niên này làm tôi nhớ tới ông anh họ ở quê, cũng từng là dân lái xe. Hơn 10 năm chạy taxi cho hãng Mai Linh ở Hà Nội, gần 5 năm chạy xe khách Hà Nội - Hải Phòng cho hãng Hoàng Long đến đầu năm 2011 quyết định đưa cả nhà hồi hương. Lý do là làm cật lực cũng chỉ đủ trả tiền ăn uống và thuê trọ. Sẵn ao vườn của 2 bác, anh vay tiền từ ngân hàng, thuê người vét ao thả cá, dựng chuồng nuôi lợn và... nấu rượu. Chỉ hơn 2 năm, "trang trại" của anh đã khá bề thế, trả gần hết nợ ngân hàng, lại còn đang tính vay thêm để mua ô tô tải vận chuyển thuê. Tết về gặp nhau, ông anh cười: "Đấy, cứ ở Hà Nội thì đến đời mục thất cũng chẳng mơ kiếm được cái nhà bằng góc bếp này đâu". Tôi cũng được biết giữa năm vừa rồi, hãng xe Hoàng Long nhiều lần gọi anh trở lại làm việc do thiếu lái xe, nhưng anh từ chối. "Tự mình làm "ông chủ" thế này, dù là ở quê cũng hơn chán vạn làm thuê thành phố", anh tự hào khi kể chuyện với tôi.
Ngẫm cũng phải
Một trong những lo lắng lớn nhất của người lao động trở về quê là vấn đề tiếp cận vốn vay để lập nghiệp. Tuy nhiên, mối lo này chắc chắn sẽ được giảm tải đi nhiều khi ngày 23/02/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Theo đó, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, từ ngày 16/04/2013, hộ cận nghèo sẽ được ưu đãi lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo quy định trong từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Theo Quyết định của Chính phủ, điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quy trình cho vay đối với hộ cận nghèo được thực hiện như đối với cho vay hộ nghèo; rủi ro đối với các khoản nợ của hộ cận nghèo được thực hiện theo cơ chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ cận nghèo vay vốn thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/04/2013.
Mức lương cho lao động có tay nghề, có kinh nghiệm từ 4 - 25 triệu đồng/tháng, mức lương bình quân cho lao động có tay nghề là 5,9 triệu đồng/tháng, không tăng đáng kể so với năm trước. Trong khi đó, nhu cầu về lao động cấp thấp không nhiều, thậm chí rơi vào tình trạng dư thừa và phải giảm tải bớt ở nhiều cơ sở sản xuất, nhất là với những cơ sở gặp khó khăn trong kinh doanh do tác động của suy thoái kinh tế.
Theo NLĐO
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...