Nhọc nhằn thân gái mưu sinh nghề cửu vạn
29/03/2013 09:04 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
4h sáng, chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) nhộn nhịp với những chiếc xe tải chở hàng hóa, tiếng cười nói, trả giá của những tiểu thương tới lấy hàng, và những người cửu vạn tấp nập qua lại. Cứ tưởng rằng công việc khuân vác nặng nhọc thì chủ yếu là đàn ông nhưng ở đây số lượng lao động nữ hành nghề bốc vác lại chiếm đa số.
Những người phụ nữ vất vả kéo những kiện hàng lớn.
Dằn lòng rời quê lên phố
Lang thang xung quanh chợ đầu mối Long Biên, chúng tôi không dễ dàng bắt chuyện được với những chị em cửu vạn ở đây. Ai ai cũng tất bật gánh hết lượt hàng này tới lượt hàng khác, chẳng một phút ngơi nghỉ. Những thùng hoa quả, những tải rau hàng chục cân đè nặng lên tấm thân gầy guộc. Họ còng lưng kéo xe chở hàng. Bước chân thoăn thoắt, đôi cánh tay khỏe mạnh nâng hàng, chẳng còn chỗ cho sự mệt mỏi. Được tận mắt chứng kiến những hình ảnh này, tôi càng cảm phục những chị em lao động.
Phải đợi cho tới gần 7h sáng, khi hàng hoá đã được phân phối đến hầu hết cho tiểu thương đi đến các chợ nhỏ lẻ thì những nữ cửu vạn mới bắt đầu giãn công việc để nghỉ ngơi.
Chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn, thời tiết sáng sớm khá lạnh nhưng chị chỉ mặc một chiếc áo nâu đã bạc màu, trên vai là đôi quang gánh và chiếc dây thừng để buộc những kiện hàng.
Mới đầu, khi chúng tôi tới bắt chuyện, chị tỏ ra e ngại khi giao tiếp với người lạ. Sau khi biết chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu thêm về sự vất vả của nghề này, chị dần cởi mở. Chị tên là Nguyễn Thị Hợp, quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ở cái tuổi gần lục tuần, lẽ ra chị đã được an nhàn bên chồng con. Nhưng chị phải dằn lòng rời nhà vào trung tâm nội thành ở trọ để kiếm sống.
Tạm dừng công việc, chị tâm sự: “Chồng chị đau yếu luôn, mà con cái nghề nghiệp chưa được ổn định, thành thử mình trở thành trụ cột của gia đình. Ở nhà vừa cấy xong, đang lúc nhàn rỗi nên chị tranh thủ lên đây kiếm tiền”.
Những ngày này, chị Hợp đều có mặt tại chợ Long Biên lúc 2h sáng và tất bật lao động từ lúc đó cho đến 7 - 8h. Công sức bỏ ra thì nhiều nhưng mức lương trả chưa thực sự khiến những nữ cửu vạn hài lòng. Trung bình mỗi lần khuân vác họ được trả 5.000 đồng. Chị Hợp cho biết, kiện hàng nào nặng hơn một tạ thì người ta mới trả công 10.000 đồng.
Tiền công lao động rẻ là vậy, nhưng số người tìm tới đây làm cửu vạn ngày càng đông. Bởi vậy người lao động ở đây bây giờ phải san sẻ công việc cho nhau. Hôm nào chị Hợp được làm nhiều thì cũng chỉ nhận được khoảng 150.000đ- 200.000đ tiền công. Còn lại trung bình thu nhập mỗi sáng chỉ khoảng 80.000 đồng.
Chị kể: “Đi khuân thế này về xong, mình lại đi thu mua phế liệu quanh khu chợ này, coi như phụ thêm một chút nữa. Mỗi lần lên đây khi về quê cũng mang được một vài triệu về nhà”. Tôi hỏi: “Thế chị ăn ngủ ở đâu?”. Chị nói: “Chị thuê nhà trọ cùng với mấy người nữa ở ngay sau chợ, nơi tiếp giáp với bờ sông Hồng. Tiền trọ chị trả theo ngày với mức 15.000đ/ngày. Còn việc ăn uống thì cũng tuỳ, hôm nào những người quen biết nhau cùng về nhà trọ thì góp tiền nấu chung. Còn không, mỗi người tiện đâu ăn đấy. Thỉnh thoảng nhịn bữa ăn, cũng tiết kiệm khối đấy”.
Chị Hợp đã 59 tuổi vẫn đi làm khuân vác ở chợ Long Biên.
Chúng tôi thấy ngỡ ngàng vì chị lao động suốt đêm tới sáng rồi lại đi thu gom phế liệu không ăn thì lấy sức đâu mà làm tiếp. Chị cười, bởi chị đã quen lao động như thế này rồi. Ngồi với chị, tôi thấy chị cứ thỉnh thoảng lại đấm lung, hỏi mới biết hoá ra chị bị thoái hoá cột sống nhưng vẫn không dám bỏ làm ngày nào vì “bỏ việc ngày nào là mất tiền ngày ấy”.
Hai tay và dăm ba nghề
Nhìn thấy chúng tôi và chị Hợp nói chuyện với nhau vui vẻ, “đồng nghiệp” của chị cũng tới góp vui. Mỗi người một quê, một hoàn cảnh sống khác nhau. Chúng tôi hỏi các chị: “Nếu em tìm được cho các chị một công việc ổn định hơn không vất vả như thế này, lương cũng tốt hơn, các chị có muốn làm không?”. Nhưng câu trả lời của các chị khiến tôi ngỡ ngàng: “Các chị không muốn làm cố định một nơi. Bởi đây là công việc thời vụ. Chỉ khi nào hết việc đồng áng thì các chị mới lên Hà Nội để làm. Mà còn chồng con ở nhà nữa chứ”.
Chị Trần Thị Hoa năm nay 35 tuổi, quê ở Hưng Yên góp chuyện: “Mình lên đây từ hôm 16 Tết, năm nay lên muộn vì còn bận cấy hái ở nhà. Đi lên đây, nhớ nhà, nhớ con, nhớ chồng lắm chứ. Nhưng phải cố chịu thôi, vì kiếm được thêm đồng nào hay đồng ấy. Chứ ở quê giờ cũng chẳng có việc mà làm”.
Chị Hoa kể với tôi rằng làm xong công việc khuân vác cho các tiểu thương ở chợ này xong thì chị lại đi làm bột sắn dây cho cửa hàng ở Hàng Than tới 12h trưa, mỗi buổi được thêm 80.000 đồng nữa. Không chỉ riêng chị Hoa mà hầu hết những chị em khác đều có những việc làm thêm ngay sau khi đã xong việc ở chợ Long Biên.
Những phụ nữ làm nghề khuân vác ở chợ Long Biên này mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung một cái: nghèo. Chị Phan Thúy Hằng 32 tuổi quê ở Vĩnh Phúc kể lại: “Những ngày đầu làm việc mới làm vất vả lắm, lưng đau nhức, khắp người ê ẩm. Công việc nặng nhọc nhiều lúc cũng nản chí lắm nhưng không làm lấy gì nuôi con. Có những ngày còn chẳng có ai gọi, không kiếm được đồng nào để trang trải chi phí. Nhà nghèo, chồng mất sức lao động nên ở nhà chăm lũ trẻ. Có lúc gửi tiền về cũng chỉ đủ tiền tiêu cho ba bố con thôi, thiếu lại đi vay mượn”.
Cuộc sống mưu sinh là vậy nhưng những cửu vạn nữ vẫn luôn giữ nụ cười trên môi. Dù lao động vất vả, họ không quên giữ tinh thần lạc quan cho mình. Hỏi các chị sắp tới ngày mùng 8 tháng 3, các chị có mong muốn gì không. Ai cũng bảo, chỉ mong có thêm công việc để kiếm được tiền mang về cho chồng con ./.
Theo Báo CAND
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...