Chỉ người ốm mới tự nguyện tham gia BHYT
21/06/2013 09:18 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(Dân trí) - Nhóm tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 24%, vẫn còn tình trạng "lựa chọn ngược" tức là chỉ có người ốm, người bị bệnh mới tham gia bảo hiểm y tế. Đó là một trong những vướng mắc khi thực hiện Luật BHYT hiện nay.
Nhiều vướng mắc thực hiện luật
Tại hội nghị xin ý kiến đối với sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế diễn ra ngày 19/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đánh giá, hiện nay việc tổ chức thực hiện Luật còn gặp nhiều vướng mắc như tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế còn thấp, tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm y tế chưa cao. Và tình trạng “lựa chọn ngược” còn rất phổ biến, người dân chỉ khi ốm đau mới nghĩ đến việc tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu. Thủ tục khám chữa bệnh còn phiền hà, vẫn còn tình trạng quá tải ở tuyến trên... Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế vẫn còn tình trạng chồng chéo, do nhiều cơ quan, tổ chức lập danh sách cấp thẻ. “Có những tỉnh chúng tôi đi kiểm tra, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt tới hơn 100% bởi do cấp trùng”, Thứ trưởng Xuyên nói.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế, để hướng tới Bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam.
Trên thực tế, nhóm tham gia BHYT tự nguyện, nhiều người cứ có bệnh mới nghĩ đến việc mua thẻ BHYT. Ảnh minh họa: H.Hải
Tại hội nghị, bà Hương Lan, chuyên gia y tế Ngân hàng Thế giới báo cáo Đánh giá việc thực hiện BHYT ở Việt Nam. Theo bà Hương, việc người dân phải chi trả từ tiền túi còn chiếm tỉ lệ cao, dẫn đến chi phí y tế thảm họa và nghèo hóa cao. Nguyên nhân là do sự kết hợp giữa phương thức chi trả theo phí dịch vụ và chính sách tự chủ hóa bệnh viện, kê thuốc và dịch vụ ngoài danh mục bảo hiểm. Việc phân cấp đấu thầu thuốc dẫn tới các bệnh viện phải mua thuốc với giá cao. Tỷ lệ bảo hiểm y tế chi trả cho dịch vụ y tế tự nguyện còn hạn chế, dù tỷ lệ sử dụng y tế tự nguyện chiếm tới 50% điều trị ngoại trú và mua thuốc. Cơ sở sức khỏe ban đầu ít được đầu tư, chất lượng thấp nên tỷ lệ chuyển tuyến cao, tỷ lệ đồng chi trả cao.
Hệ thống y tế hoạt động thiếu hiệu quả dẫn tới chi phí tăng cao, lạm dụng dịch vụ, sử dụng thuốc không hợp lý, phương thức chi trả chưa phù hợp.
Theo bà Hương, mục tiêu của Đề án phát triển BHYT toàn dân 2012- 2015 và 2020 đã đặt ra, cần từng bước đổi mới cơ chế tài chính, đến năm 2015 giảm tỉ lệ chi tiêu tiền túi của hộ gia đình xuống còn dưới 40%.
Điều chỉnh thanh toán cho bệnh nhân vượt tuyến
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, hiện nay, tồn tại lớn nhất trong quá trình triển khai luật thời gian qua là lượng bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng.
“Người bệnh vẫn khám vượt tuyến và họ sẵn sàng chấp nhận không được thanh toán đầy đủ chi phí, mà chỉ được thanh toán theo % với mức khá cao, lần lượt là 30-50-70% tùy theo hạng bệnh viện. Điều này khiến người bệnh không phải chịu áp lực quá lớn về tài chính”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, xảy ra tình trạng này một phần do người bệnh biết quyền lợi của họ không bị ảnh hưởng nhiều nếu khám chữa vượt tuyến. Quan trọng hơn, do các bệnh viện tuyến trên vẫn thực hiện những kỹ thuật đơn giản, thông thường mà lẽ ra có thể làm tốt từ tuyến dưới.
Vì vậy, dự thảo điều chỉnh Luật BHYT hiện đang đề ra phương án thanh toán với những trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến. Một là quỹ bảo hiểm thanh toán theo tỷ lệ % cả với trường hợp điều trị nội trú và ngoại trú. Cụ thể, nếu nội trú, người bệnh sẽ được chi trả các mức 20, 40 và 60% tùy theo xếp hạng bệnh viện. Nếu ngoại trú thì họ sẽ được chi trả ở các mức 10, 20 và 30% chi phí tùy theo hạng bệnh viện.
Phương án thứ 2 là quỹ bảo hiểm chỉ thanh toán theo tỷ lệ % với người điều trị nội trú. Tỷ lệ tương ứng như phương án 1.
Đại diện BHXH Việt Nam cho rằng nên điều chỉnh quy định này theo hướng tất cả người bệnh khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến sẽ đều được thanh toán BHYT theo mức 20-40-60% tùy theo hạng BV. Việc điều chỉnh này cơ bản chỉ ảnh hưởng đến 2 nhóm đối tượng thực sự có nhu cầu khám chữa bệnh trái tuyến như đã phân tích ở trên, còn lại không ảnh hưởng đến đa số người tham gia BHYT trên cả nước. Như vậy, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân cũng không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Luật BHYT cũng đề xuất thay đổi phương thức có hiệu lực của thẻ BHYT. Theo đó, với người tham gia BHYT từ lần thứ 2 trở đi thì thẻ có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn thẻ lần trước. Người tham gia không liên tục thì thẻ có giá trị sử dụng sau 90 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm (quy định hiện nay là 30 ngày). Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Luật cũng bổ sung quy định thanh toán 100% khi số tiền người bệnh cùng chi trả vượt quá 12 tháng lương cơ bản/năm đối với người có thời gian đóng 5 hoặc 10 năm.
Tú Anh
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...