Chế tài xử lý hành vi nợ đọng BHXH chưa đủ mạnh

16/05/2013 03:30 AM


Trao đổi về vấn đề nợ đọng BHXH, Phó Chủ nhiệm (PCN) Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, bên cạnh việc xử lý theo pháp luật, xử lý bằng vấn đề thu nợ, bằng mức phạt, thì cần có chế tài, điều kiện kèm theo như ngừng giấy phép hoạt động của doanh nghiệp, nghiêm cấm hoạt động doanh nghiệp khi chưa đóng BHXH cho người lao động… Như vậy sự răn đe sẽ cao hơn.


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

- Tình trạng nợ đọng BHXH đang ngày càng nghiêm trọng với số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp đối với người lao động lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc quyền lợi của người lao động đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng, thưa Phó chủ nhiệm?

PCN Bùi Sỹ Lợi: Năm 2012, nợ đọng và trốn đóng BHXH tồn dư khoảng 4.600 tỷ đồng, chiếm 6,27% tổng số thu vào quỹ BHXH. Và trong 5 tháng đầu năm 2013 tỷ lệ này đã hơn 8.000 tỷ đồng. Tuy lâu nay nước ta đã áp dụng nhiều biện pháp để xử lý và đã đưa các vụ kiện đã xử lý tại tòa án, tuy nhiên, tình trạng nợ đọng BHXH vẫn tiếp diễn. Đây là vấn đề cần có tính toán trong tương lai. Tiền đóng bảo hiểm có hai nguồn là người lao động đóng cho người sử dụng lao động và người sử dụng lao động đóng cho người lao động. Có trường hợp người sử dụng lao động dù đã thu của người lao động nhưng lại không đóng cho quỹ BHXH, mà trưng dụng số vốn đó để đầu tư kinh doanh thu lợi nhuận. Nhưng do chế tài xử lý chưa đủ mạnh, nên vẫn chưa bắt buộc được các doanh nghiệp phải nộp BHXH cho người lao động. Mặt khác, khi doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động dẫn đến việc cơ quan BHXH không xử lý chính sách ngắn hạn, thai sản, ốm đau, tai nạn lao động… cho người lao động gây ra nhiều búc xúc. Đồng thời, làm cho nguồn quỹ BHXH có nguy cơ “vỡ” quỹ do không có nguồn thu và ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi về hưu.

- Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nợ đọng BHXH ngày càng gia tăng là gì, thưa Phó chủ nhiệm?

PCN Bùi Sỹ Lợi: Nguyên nhân cơ bản là do người sử dụng lao động không nghiêm túc thực hiện theo đúng pháp luật; do cơ chế phạt còn thấp nên doanh nghiệp có thể có điều kiện đóng BHXH cho người lao động, nhưng lại tận dụng đưa vào sản xuất kinh doanh và sau đó chịu phạt chậm nộp. Bên cạnh đó cũng có doanh nghiệp không có khả năng đóng bảo hiểm vì khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên khó thực hiện được ngay đúng theo quy định của Luật BHXH đối với người lao động, hoặc đã thu của người lao động, nhưng lại cố tình không đóng vì quyền lợi riêng của mình.

Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, cần khẳng định người lao động khi đã đóng tiền bảo hiểm cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng cho cơ quan BHXH. Với những doanh nghiệp khó khăn trong kinh doanh cần lưu ý, xem xét, đánh giá lại nhằm có biện pháp xử lý phù hợp. Còn đối với những doanh nghiệp cố tình trốn và lợi dụng nguồn vốn BHXH của người lao động để sản xuất kinh doanh hoặc vì mục đích riêng thì phải xử lý nghiêm minh. Mặt khác, cần cải cách thủ tục hành chính để sao cho người lao động có thể kiểm tra được số vốn BHXH đã đóng đã đến cơ quan BHXH chưa, tránh tình trạng, người lao động đóng cho chủ sử dụng lao động, nhưng chủ sử dụng lao động không đóng cho cơ quan BHXH, dẫn đến cơ quan BHXH không thực hiện chính sách cho người lao động như hiện tượng domino, mà cuối cùng khó khăn, thiệt thòi đổ lên người lao động..

- Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào về các quy định xử phạt trường hợp vi phạm BHXH hiện nay?

PCN Bùi Sỹ Lợi: Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì đối với trường hợp là cá nhân vi phạm trong lĩnh vực BHXH xử phạt tối đa không quá 200 triệu đồng và đối với tổ chức là 400 triệu đồng. Tuy mức xử phạt này đã cao hơn rất nhiều so với mức xử phạt trước đây, nhưng vẫn chưa đủ mạnh. Bởi, nếu so với số vốn BHXH của người lao động trong doanh nghiệp được doanh nghiệp sử dụng nhằm đầu tư kinh doanh thu lợi nhuận thì mức xử phạt này vẫn còn thấp và không đáng kể. Cho nên, bên cạnh việc xử lý theo pháp luật, xử lý bằng vấn đề thu nợ, bằng mức phạt, thì cần có chế tài, điều kiện kèm theo như ngừng giấy phép hoạt động của doanh nghiệp, nghiêm cấm hoạt động doanh nghiệp khi chưa đóng BHXH cho người lao động… Như vậy sự răn đe sẽ cao hơn.

Với quan điểm luôn luôn xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhưng không phải bao giờ quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động cũng gặp nhau một cách toàn diện. Vấn đề quan trọng là đối thoại trực tiếp, sao cho cùng phát triển, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, quan hệ lao động lành mạnh. Dù nguyên nhân chính trong việc không đóng BHXH cho người lao động là do người sử dụng lao động cố tình trốn tránh, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng một bộ phận người lao động khi vào làm việc tại các doanh nghiệp không được học tập, nghiên cứu, hướng dẫn, dẫn đến khi được đáp ứng lợi ích trước mắt đã không biết đến hậu quả lâu dài về sau. Ở đây cũng có một phần trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động.

Doanh nghiệp phát triển là nhờ người lao động, do vậy nếu doanh nghiệp không biết chăm lo cải thiện đời sống cho người lao động, thì làm sao đạt được năng suất lao động cao, đưa doanh nghiệp phát triển. Đây là mối quan hệ biện chứng, nếu người sử dụng lao động không hiểu được vấn đề then chốt này thì chính là “gậy ông đập lưng ông”. Có thể nói, bên cạnh việc người lao động tìm hiểu pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân, thì việc doanh nghiệp với trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật là chăm lo cải thiện đời sống cho người lao động, còn thể hiện tình cảm, tính nhân văn, quan hệ xã hội, bảo đảm sự thống nhất để phát triển doanh nghiệp.

- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!

Nguồn TC BHXH