Bài toán cân bằng cung-cầu lao động
20/03/2013 09:47 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dù chỉ tiêu tuyển dụng dành cho lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật thường rất cao nhưng tại các phiên tuyển dụng của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, các công ty chỉ nhận được ít hồ sơ, thậm chí tuyển 50 lao động chỉ nhận được 2-3 hồ sơ...
Lao động xem chỉ tiêu tuyển dụng tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)
Thiếu vắng lao động phổ thông
Chỉ tiêu tuyển dụng lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật thường cao hơn nhiều so với các nhóm khác nhưng tỷ lệ tuyển dụng thành công của nhóm này lại đang ở mức thấp hơn.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, trưởng phòng Thông tin thị trường lao động (Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội) cho biết, những tháng đầu năm thường là thời điểm các công ty, xí nghiệp tuyển dụng nhiều lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật. Tuy nhiên, kết quả tại các phiên giao dịch việc làm cho thấy lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên đạt tỷ lệ kết nối cung - cầu lao động cao nhất tại các phiên giao dịch. Ngược lại, lao động phổ thông đạt tỷ lệ kết nối cung-cầu thấp nhất.
Cụ thể, trong các phiên giao dịch của tháng 2, tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên xin được việc đạt tới hơn 50% (282 người xin được việc/563 chỉ tiêu tuyển dụng). Trong khi đó, tỷ lệ được tuyển dụng của lao động có trình độ trung học, công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông chỉ đạt 8-11% (có hơn 1.500 chỉ tiêu tuyển dụng mà chỉ có khoảng 150 người xin được việc).
Chị Lương Thị Sao Mai, phụ trách tuyển dụng nhân sự của Công ty Phát triển dịch vụ nhà sạch HMC cho biết mặc dù nhu cầu tuyển dụng của công ty trong phiên giao dịch là hơn 50 lao động phổ thông nhưng cả buổi sáng chị Mai chỉ nhận được 2 hồ sơ.
“Công ty tôi đã tham gia 4 phiên giao dịch nhưng lượng lao động đến phỏng vấn xin việc rất ít, các phiên trước cả ngày cũng chỉ 4-5 người nộp hồ sơ,” chị Mai cho biết.
Nhận được nhiều hồ sơ xin việc hơn, anh Lương Hồng Thương, Giám đốc tài chính-nhân sự Công ty ánh sáng Tiến Dư đang khó tìm lao động ở công trình vì lại ít người nộp hồ sơ trong khi đó các vị trí khác thì cung lại vượt quá cầu.
“Nhu cầu tuyển dụng của công ty tôi là 2 nhân viên hành chính và hơn 10 nhân viên thi công. Thế mà một buổi sáng, tôi nhận chỉ nhận được 3 hồ sơ thi công còn hành chính đến hơn 10 hồ sơ,” anh Thương nói.
Bà Liễu cho biết, thông thường một phiên giao dịch thu hút 1.500 lao động và 55 doanh nghiệp tham gia. Mỗi phiên có khoảng 800-900 chỉ tiêu tuyển dụng nhưng chỉ khoảng 200-300 người xin được việc/phiên.
Sở dĩ, tỷ lệ lao động phổ thông được tuyển dụng không nhiều là do họ chưa có thói quen đến sàn tìm việc, hầu hết là tìm việc qua giới thiệu của những người xung quanh. Chưa kể, chất lượng lao động hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, cả về tay nghề lẫn kinh nghiệm.
Chị Nguyễn Thị Hồng Mai, phụ trách tuyển dụng nhân sự của Công ty cổ phần thương mại thiết kế cơ và điện cho biết, mặc dù nhu cầu của công ty chỉ tuyển dụng 5-10 lao động thợ điện nước nhưng phải qua vài phiên mới có thể tuyển đủ số lượng.
“Chúng tôi tuyển dụng chủ yếu là nam và phải có kinh nghiệm, ngay khi phỏng vấn các ứng viên sẽ biết ngay ai có kinh nghiệm hay không. Thường thì rất ít người có kinh nghiệm và làm việc tốt tìm đến sàn giao dịch, các thợ có tay nghề họ thường giới thiệu việc cho nhau,” chị Nguyễn Thị Hồng Mai nói.
Một nguyên nhân khác nữa là do nhiều lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật chưa biết cách làm hồ sơ xin việc một cách bài bản, đầy đủ thông tin về bản thân và năng lực làm việc. Các sàn giao dịch có nhân viên tư vấn hướng dẫn cụ thể nhưng tâm lý nhiều lao động phổ thông vẫn ngại việc phải hoàn tất các thủ tục hồ sơ.
Với kinh nghiệm của mình, anh Thương nhận xét: “Nhiều ứng viên khi nộp hồ sơ rất sơ sài, nộp cho có chứ chưa thật sự chuẩn bị kỹ mà chỉ như đi thăm dò, tìm hiểu cách thức phỏng vấn xin việc lấy kinh nghiệm chứ không thật sự tìm việc.”
Trước thực trạng số lượng lao động phổ thông tham gia các phiên giao dịch còn thấp, bà Liễu cho biết Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cũng tổ chức các phiên tuyển dụng lưu động tại các quận huyện, các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội để có thể tiếp cận nhiều lao động phổ thông hơn.
Mặt khác, sau hơn 4 năm hoạt động, Sàn giao dịch việc làm Hà Nội đã liên tục cải thiện các thủ tục tham gia tuyển dụng sao cho đơn giản nhất, ngay tại sàn cũng luôn có nhân viên tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ xin việc cho lao động tới sàn.
Mặc dù phải tham gia liên tục nhiều phiên giao dịch các doanh nghiệp mới tìm được nhân sự ưng ý, nhưng bà Liễu cho biết số lượng đăng ký tham gia các phiên tại sàn giao dịch việc làm liên tục tăng.
Đại diện các doanh nghiệp cho biết, tham gia sàn không chỉ là cơ hội tuyển chọn nhân sự tốt mà còn là dịp để thu thập thêm những thông tin về lao động cũng như phương thức tuyển dụng, nhu cầu nhân sự của các công ty khác.
Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày thứ Năm hàng tuần tại trụ sở của Trung tâm số 285 - Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Doanh nghiệp và lao động khi đều được miễn phí khi tham gia sàn giao dịch.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối cung - cầu giữa người lao động và các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội đã mở website vieclamhanoi.net và thông tin thị trường lao động dưới nhiều hình thức đa dạng như bảng thông tin tuyển dụng, bảng thông tin điện tử về chỉ tiêu tuyển dụng lao động, hệ thống máy vi tính, máy tra cứu đa năng…
Theo Vietnam+
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...