Nâng cao năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh nền kinh tế
14/08/2013 07:47 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năng suất lao động là yếu tố quyết định nhất đối với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh kết quả tích cực, năng suất lao động hiện nay ở nước cũng còn những hạn chế cần giải quyết.
Năng suất lao động xã hội được tính bằng GDP chia cho số lao động đang làm việc. Về chỉ tiêu này, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực. Rõ nhất là do tốc độ tăng GDP liên tục cao hơn tốc độ tăng về tổng số lao động đang làm việc (bình quân năm thời kỳ 2006-2012, GDP tăng 6,15%, số lao động đang làm việc tăng 2,74%). Nhờ vậy, năng suất lao động xã hội tính theo giá so sánh cũng đã liên tục tăng lên qua các năm.
Năng suất lao động xã hội năm 2012 (triệu đồng/người). Nguồn số liệu: TCTK
Bình quân thời kỳ 2006-2012, năng suất lao động tăng 3,87%/năm, có thể được coi là tương đối cao.
Có nhiều nguyên nhân của kết quả trên, nhưng có thể quy về hai nhóm nguyên nhân chủ yếu.
Nhóm nguyên nhân thứ nhất là tỷ lệ lao động đang làm việc từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo (theo Tổng cục Thống kê, bao gồm những người đã học và tốt nghiệp ở một trường lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật của cấp học hoặc trình độ đào tạo tương đương thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên có văn bằng hoặc chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo) đã tăng từ 12,5% năm 2005 lên 16,6% năm 2012; nếu tính cho lao động trong độ tuổi đang làm việc thì năm 2012 đạt 17,6%.
Nhóm nguyên nhân thứ hai là sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chuyển lao động từ ngành có năng suất lao động thấp sang ngành có năng suất lao động cao. Tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thuỷ sản đã giảm xuống, tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành công nghiệp-xây dựng và nhóm ngành dịch vụ đã tăng lên.
Nhịp giảm tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp-thuỷ sản đã chuyển từ chậm hơn trong 10 năm trước (từ năm 1990 đến năm 2000 giảm 7,9 điểm phần trăm) sang nhanh hơn trong 10 năm sau (từ năm 2000 đến năm 2010 giảm 15,6 điểm phần trăm, cao gấp đôi nhịp giảm trong 10 năm trước). Nhịp tăng tỷ trọng lao động đang làm việc ở nhóm ngành công nghiệp-xây dựng và nhóm ngành dịch vụ trong 10 năm sau cao hơn trong 10 năm trước. Cụ thể của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng tăng 7,9 điểm phần trăm so với tăng 1,9 điểm phần trăm; của nhóm ngành dịch vụ tăng 8,7 điểm phần trăm so với tăng 6 điểm phần trăm.
Cần lưu ý, mức năng suất lao động giữa các nhóm ngành rất khác nhau. Năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thuỷ sản thấp nhất trong 3 nhóm ngành, chỉ bằng 41,7% năng suất lao động chung, bằng 33,9% của nhóm ngành dịch vụ, bằng 22,8% của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng. Năng suất lao động của nhóm ngành dịch vụ cao hơn năng suất lao động chung, cao gần gấp 3 lần năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thuỷ sản. Năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng cao gấp trên 1,8 lần năng suất lao động chung, cao gấp gần 1,5 lần nhóm ngành dịch vụ, cao gấp gần 4,4 lần năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thuỷ sản.
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội (%). Nguồn số liệu tính toán: TCTK
Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, về năng suất lao động hiện cũng còn những hạn chế không nhỏ cần giải quyết.
Mức năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Với mức năng suất lao động chung cả nước cả năm mới đạt 62,8 triệu đồng, bình quân 1 tháng mới đạt trên 5,2 triệu đồng. Sau khi dùng để tái sản xuất sức lao động và để nuôi những người ăn theo (trên 1,7 người/lao động), phần đóng góp cho ngân sách, thì phần tích luỹ để tái sản xuất mở rộng sẽ không còn bao nhiêu. Chính điều này đã làm cho hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất chưa đủ tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng, làm gia tăng nợ nước ngoài, nhập siêu, là một trong những nguyên nhân sâu xa và yếu tố tiềm ẩn của lạm phát…
Với năng suất lao động cả năm của nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thuỷ sản chỉ có 26,1 triệu đồng, bình quân 1 tháng đạt chưa được 2,2 triệu đồng, thì đến tái sản xuất sức lao động cũng còn khó, nói chi đến việc nâng cao mức sống của nhân khẩu nông nghiệp và tích luỹ để tái sản xuất mở rộng. “Phi nông bất ổn” - chính vì vậy, một mặt cần đẩy nhanh hơn nữa phát triển làng nghề, phát triển công nghiệp nông thôn, nâng cao năng suất lao động để có thể chuyển nhanh hơn nữa lao động từ nhóm ngành này sang nhóm ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Năng suất lao động của nhóm ngành dịch vụ còn thấp, một phần do một bộ phận lao động nhóm ngành này chưa có tính chuyên nghiệp, còn kiêm nhiệm tranh thủ lúc nông nhàn…
Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2008, 2009 thấp xuống, chủ yếu do bị tác động của khủng hoảng thế giới, nhưng từ vài ba năm nay cũng lại bị chậm lại tương đối nhanh do lao động bị mất và thiếu việc làm gia tăng, nhóm ngành có năng suất cao nhất, thì tỷ trọng lao động bị giảm (từ 21,3% năm 2011 xuống còn 21,1% năm 2012 và giảm còn 20,7% năm 2013 trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bị suy giảm. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo còn rất thấp; một bộ phận ra trường còn thiếu việc làm hoặc làm những việc không đúng với chuyên ngành đào tạo…
Theo Chinhphu.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...